Ai cho phép lã nh đạo tỉnh Đắk Lắk quyền “đè đầu cưỡi cổ” dân?
Mạng xã hội vừa xôn xao chuyện một cô giáo giỏi phải quỳ gối ngay tại Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk để dâng đơn cho lãnh đạo tỉnh thì mới được tiếp.
Có một chiến sĩ Công an và một người có vẻ là cán bộ ra đỡ cô giáo đứng dậy. (Ảnh cắt từ clip)
Đây thực tế là một hình ảnh tiêu biểu không chỉ về giáo dục mà còn ở nhiều lĩnh vực khi người dân cũng đang phải chịu cảnh thấp cổ bé họng trước một số cán bộ cậy thế cậy quyền, tự cho mình cái quyền coi thường người dân. Thực tế cảnh trên không hiếm mà diễn ra như cơm bữa và là chuyện thường ngày ở huyện.
Cô giáo này đã từng công tác tại một vùng núi xa xôi khó khăn trong nhiều năm mới được điều chuyển đi, và nay cô lại bị điều chuyển về lại nơi cũ chỉ vì bị kỷ luật “dạy thêm trái phép” (vài đứa trẻ nghèo quanh xóm gần nhà). Những cống hiến bao nhiêu năm cho giáo dục của cô khi dạy ở trường xa cắm bản sắp được chuyển về gần nhà bỗng nhiên sửa thành không khi bị điều chuyển về nơi cũ. Trong khi cô bệnh tật và đã có tuổi.
Cô giáo này đã phải quỳ gối xuống trước cổng uỷ ban nhân dân tỉnh Đăk Lăk để xin được gặp lãnh đạo tỉnh này với mong mỏi được giải quyết vấn đề của mình.
Không thể nào trách móc cái sự yếu nhược về tâm thế, bởi nó như một vấn đề chung của nhiều người dân rồi, họ đã rơi vào bước đường cùng không còn sự lựa chọn nào khác. Thay vào đó chỉ cảm thấy thương cảm cho họ, bởi họ buộc phải khuất phục trước những kẻ nhẽ ra phải có trách nhiệm giải quyết bất công cho người bị hại lại đang đè đầu cưỡi cổ và gây thêm một sự bất công khác cho nạn nhân.
Trước đây từng có chuyện nhiều giáo viên mầm non ở miền Trung cùng đồng loạt quỳ giữa đường để xin đoàn thanh tra tỉnh này không đóng cửa trường. Và còn đó những giáo viên bắt hàng loạt các học sinh quỳ gối để trừng phạt hoặc đánh đập trong việc nhân danh giáo dục.
Chúng ta quỳ đến khi nào và trở nên hèn mọn đến bao giờ? Chẳng còn luân thường đạo lý, chẳng còn luật pháp, chẳng còn tử tế nào nữa. Sự trượt dài về bất công đến khi nào mới chịu chấm dứt? Mặt trời trên đầu mà sao ta cứ cúi gằm và phủ phục xuống chân mình và chân những kẻ không ra gì vậy?
Đã vậy, Cán bộ ở UBND tỉnh còn mặt dày bảo không có chuyện cô giáo quỳ. Không quỳ mà có hình ảnh rành rành như vậy sao? Phải chăng Luật Tiếp dân không được áp dụng ở Đắk Lắk mà dân muốn được tiếp phải theo luật của UBND tỉnh? Từ khi nào mà lãnh đạo tỉnh lại là người được quyền đè đầu cưỡi cổ dân, lãnh đạo tỉnh có phải là vua chúa đâu mà dân phải quỳ xuống khi muốn diện kiến như vậy?
theo Tâm Bão