Xây Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL 400 tỷ: Chính quyền lấp liếm “ý của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt”, nhà văn hóa chê quá ít
Nhằm đáp trả phản ứng bất bình của công luận về việc chi tiền thuế dân đến 400 tỷ đồng để xây Bảo Tàng Nông Nghiệp, ông Lữ Quang Ngời, chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Vĩnh Long, hôm 17 Tháng Năm lấp liếm rằng đây là “ý tưởng” của cố thủ tướng Võ Văn Kiệt, các ông chỉ là thế hệ đi sau thực hiện.
Theo báo Lao Động, ông Ngời nói như sau: “Việc xây dựng Bảo Tàng Nông Nghiệp Đồng Bằng Sông Cửu Long là ý tưởng của cố Thủ Tướng Võ Văn Kiệt đã có từ rất lâu, chứ không phải tỉnh Vĩnh Long ngẫu hứng làm. Bảo tàng không phải xây ra cho hoành tráng, tốn kém. Đề án này là vì cộng đồng, để quảng bá hình ảnh, quảng bá sản phẩm của người nông dân từ xưa đến nay.”
Do ông Kiệt qua đời năm 2008 nên người ta khó có thể kiểm chứng thực hư phát ngôn của ông Ngời. Mặt khác, dù ông Kiệt có muốn xây bảo tàng nông nghiệp thì chưa chắc ông ấy có ý định tiêu tốn một khoản lớn từ tiền thuế dân như lớp lãnh đạo “hậu sinh” của mình.
Theo các báo nhà nước, bảo tàng nêu trên sẽ được xây dựng trên khu đất rộng hơn 11 hécta tại huyện Vũng Liêm, “nhằm tôn vinh sự cần cù, sáng tạo, vai trò to lớn của nông dân.” Công trình này dự trù hoàn thành vào năm 2027. Đáng lưu ý, một số báo cũng dẫn ý kiến chuyên gia bày tỏ sự bất bình về vụ Vĩnh Long xây bảo tàng nông nghiệp trong lúc nông dân đồng bằng sông Cửu Long đang phải khốn đốn với nạn hạn mặn xâm nhập chưa có giải quyết được.
Báo điện tử Dân Việt dẫn lời ông Đặng Kim Sơn, cựu viện trưởng Viện Chính Sách và Chiến Lược Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn, nói: “Đề xuất xây Bảo Tàng Nông Nghiệp 400 tỷ đồng của Vĩnh Long chưa đúng thời điểm, cần thận trọng. Việc xây dựng bảo tàng nông nghiệp của một vùng thì nên đặt ở Cần Thơ, và phải có sự tham gia của các tỉnh, thành trong khu vực, chứ không phải ở Vĩnh Long.”
Ông Sơn cũng bình luận thêm rằng hiện có rất nhiều “câu hỏi bất lợi cho dự án này” như xây dựng như thế nào, tiền đầu tư công hay tư, cộng đồng hay quốc tế, cách thức phối hợp, mức độ đầu tư ra sao.
Chủ tịch tỉnh Vĩnh Long
Cùng thời điểm, tờ Người Lao Động dẫn lời ông Nguyễn Văn Huy, cựu giám đốc Bảo Tàng Dân Tộc Học Việt Nam, nói: “Khi tôi thấy bốn giai đoạn lịch sử mà Bảo Tàng Nông Nghiệp mà Vĩnh Long muốn làm thì tôi cảm thấy họ đang đi theo lối mòn, không nghĩ đến câu chuyện về nông nghiệp mà người nông dân ở đây phải đối mặt và giải quyết, những vấn đề và câu chuyện như thế sẽ làm cho bảo tàng thu hút được khách. Việc làm theo tiến trình lịch sử ở những thế kỷ xa xưa thì lấy đâu hiện vật mà nói.”
Trong khi đó, có ý kiến trái ngược là nhà nghiên cứu văn hoá Nhâm Hùng. Ông cho rằng, bản thân rất ủng hộ việc xây dựng Bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL. “Đây là việc làm hết sức cần thiết và nên làm. Trước đây, bản thân tôi cũng nghe cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã nêu lên ý tưởng này cùng với việc xây dựng Trung tâm văn hóa Tây Đô ở TP.Cần Thơ” – nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng nhấn mạnh.
Theo ông, đây là vấn đề lâu dài, không thể nói do ảnh hưởng của dịch bệnh, hạn mặn xâm nhập mà không làm. Về vấn đề kinh phí thực hiện khoảng 400 tỷ đồng, chuyên gia Nhâm Hùng cho rằng “quá ít”. “Nước ta có nhiều bảo tàng kinh phí thực hiện rất lớn, có thể từ 1.000 – 2.000 tỷ đồng, thậm chí còn cao hơn. Do đó 400 tỷ đồng cho dự án quan trọng và có tầm quan trọng như thế này là quá ít” – ông giải thích.
Còn về diện tích, nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng cho rằng vẫn còn quá nhỏ, bởi khu đất 11,4ha để xây dựng bảo tàng nông nghiệp vùng ĐBSCL chỉ bằng 1 khu du lịch nhỏ ở ĐBSCL. Nhỏ hơn cả khu du lịch Mỹ Khánh (TP.Cần Thơ) với khoảng 35ha. “Bảo tàng nông nghiệp cấp vùng ĐBSCL có ý nghĩa quan trọng thì ít nhất diện tích thực hiện phải tương đương với một khu du lịch lớn” – nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng nói.
Nói thêm về một trong những “bảo tàng 1.000-2.000 tỷ đồng” mà ông Hùng có nhắc đến chính là Bảo tàng Hà Nội với tổng vốn đầu tư xây dựng trên 2.000 tỷ đồng. Đây là một trong những công trình tiêu tiền “khủng” nhất trong số các công trình được gắn biển chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Tuy nhiên, đây cũng là công trình được nhắc tới nhiều nhất về sự lãng phí và xuống cấp khi đã khánh thành 10 năm nhưng vẫn chưa thể đưa vào sử dụng, công trình hiện đã xuống cấp trầm trọng, đã rót thêm 800 tỷ, nhưng chắc cần thêm 2.000 tỷ hoặc hơn nữa mới nâng cấp, cải tạo được.
Cho đến nay, việc xây bảo tàng với kinh phí tối thiểu hàng trăm tỷ đồng rồi bỏ hoang được cho là cách “rút ruột ngân sách” phổ biến và mang tính chính danh của lãnh đạo các tỉnh thành. Thậm chí, việc này được “bật đèn xanh” để các địa phương thực thi.
Tổng hợp