Vững trên đỉnh kỷ lục: Lời cảnh báo 10 năm, không được lơi lỏng
Tăng trưởng GDP 6 tháng năm 2018 tăng 7,08% – mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Nhưng lạm phát trong tháng 6 cũng tăng cao nhất trong 7 năm qua. Mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% đang gặp nhiều áp lực.
Giữ giá, áp lực lớn
Lạm phát là điều cần lưu ý trong 6 tháng đầu năm và những tháng cuối năm. Lý do, theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6/2018 tăng tới 0,61% so với tháng trước. Đây là tháng 6 có CPI tăng cao nhất trong 7 năm qua khi có tới 10/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng so với tháng trước.
Điều này đã đẩy CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2018 tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm 2017 (mục tiêu Quốc hội đặt ra là dưới 4%).
Tổng cục Thống kê cho rằng: Bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,37% so với tháng trước, cao hơn rất nhiều so với mức 0,03% của 6 tháng đầu năm 2017. Như vậy, để giữ mức CPI bình quân năm 2018 dưới 4% trong bối cảnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý có thể điều chỉnh tiếp thì Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính, Bộ Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả, thị trường.
“Chính phủ và một số bộ cần cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên CPI”, Tổng cục Thống kê lưu ý.
Phân tích cụ thể hơn các yếu tố làm CPI tăng cao, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho rằng do giá dịch vụ y tế, học phí, lương tối thiểu vùng tăng. Ngoài ra, giá các mặt hàng lương thực thực phẩm cũng tăng khá mạnh khiến CPI tăng theo.
Nếu sắp tới đây, thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng “kịch trần” như đề xuất của Bộ Tài chính, Chính phủ thì sẽ tạo thêm sức ép lên mặt bằng giá cả.
Bà Đỗ Thị Ngọc tính toán, nếu thuế bảo vệ môi trường xăng dầu tăng thì sẽ tác động làm tăng CPI lên khoảng 0,27-0,29%.
Một vài số liệu kinh tế xã hội nổi bật khác trong 6 tháng năm 2018
GDP ước tính tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng cao nhất của 6 tháng kể từ năm 2011 trở về đây. Khách quốc tế ước tính đạt 7,8 triệu lượt người, tăng 27,2% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017, Kim ngạch hàng hoá nhập khẩu 6 tháng năm 2018 ước tính đạt 111,22 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu 2,71 tỷ USD.
Cùng với các yếu tố khó lường khác, đại diện Vụ Thống kê giá nhận định “áp lực rất lớn” với lạm phát, tuy nhiên bà Ngọc vẫn tự tin rằng mức lạm phát dưới 4% năm 2018 “chắc là vẫn đạt được”.