Vĩnh Phúc làm 2km đường15 tỷ, 13 năm chưa xong, tiền về là m ất
Dự án đường Hồ Sơn đến ngã ba Quang Hà – Hồ Xạ Hương (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) với chiều dài 1,9 km, sử dụng vốn ngân sách gần 15 tỷ đồng, 13 năm chưa thể thông tuyến.
Dự án được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt năm 2006 tại quyết định số 2481. Ban đầu, dự án do Sở Thương mại và Du lịch (nay là Sở VHTT&DL) làm chủ đầu tư. Nhà thầu thi công xây lắp là công ty CP tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái.
Dự án gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 thi công nền, hệ thống thoát nước ngang và mặt đường; giai đoạn 2 là thi công hè phố, cây xanh, chiếu sáng và các hạng mục phụ trợ.
Được khởi công năm 2006, đến năm 2009 dự án tạm dừng thi công. Số vốn đã giải ngân hơn 10 tỷ đồng. Hiện tại đã hết thời hạn hợp đồng thi công và quá hạn đầu tư theo quy định.
Tuyến đường gần 2km chậm tiến độ
Dừng thi công không thông báo
Dự án bị dừng, người dân ở xã Hợp Châu sống cạnh dự án vô cùng khổ sở.
Bà Trần Thị Hiền (SN 1959, thôn Tích Cực) kể: “Nhà tôi có hơn 500m2 đất thu hồi, nhưng hơn 10 năm nay tôi không biết có chuyện gì xảy ra. Dự án đang làm thì dừng lại nhiều năm. Nhà thầu không thông báo lý do dừng”.
Căn nhà bà Hiền chơ vơ sau khi bị thu hồi đất
Sau khi khởi công, nhà thầu khuyên bà Hiền phá nhà bếp đi để làm đường. Bà đồng ý. Dỡ xong, nhà bà nằm chơ vơ giữa khoảng đất, không cổng, không tường.
“Đêm nào tôi cũng lo có kẻ trộm đột nhập. Cứ như vậy ròng rã năm này sang năm khác”, bà Hiền than.
Gia đình bà muốn xây mới lại căn nhà cho khang trang nhưng không thể, chỉ lo nhỡ xây xong lại trùng vào quy hoạch.
“Tôi muốn rõ ràng, rành mạch, một là làm, hai là không để còn có phương án riêng, chứ bây giờ tất cả cứ mập mờ, dở chừng”, bà Hiền nói.
Anh Khổng Tiến Thưởng lên tiếng: “Dự án khoảng 2km đường, trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo mà không làm được. Nhà thầu chưa một lần nói gì với chúng tôi, một câu hỏi han cũng không có”.
Vì đường chưa thông, các hạng mục nham nhở, cả đoạn dài nhếch nhác nên việc đi lại của người dân bị ảnh hưởng.
Ông Quý (xã Hợp Châu) bức xúc: “Vì không thể trông đợi vào ai, tôi tự sửa sang lại đoạn đường trước nhà. Trước đây nhà thầu múc tung hết lên, có lần đi gặt về, xe lúa lên sân nhà bị lật, tôi suýt gãy tay”.
Tắc 1 hộ dân, nhà thầu chây ỳ
Phó giám đốc Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc Dương Quang Ứng cho VietNamNet biết, hiện nay, dự án vướng mắc đoạn khoảng 200m ở giữa tuyến chưa giải phóng mặt bằng (GPMB).
Sở đã trình UBND tỉnh cho phép chọn đơn vị tư vấn để lập dự toán khối lượng phát sinh theo đơn giá mới của đoạn 200m, sau đó đề nghị tỉnh phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và gia hạn hợp đồng thi công xây lắp để hoàn thành dự án.
Theo ông Ứng, UBND tỉnh đã có nhiều văn bản đôn đốc chủ đầu tư, ban GPMB huyện sớm hoàn thiện dự án.
Đầu năm nay, UBND huyện Tam Đảo có văn bản gửi tỉnh báo cáo dự án vẫn dở dang do vướng mắc GPMB của hộ dân Trần Văn Thủy (thôn Tích Cực).
Ban đầu ông Thủy có hơn 800m2 bị thu hồi, sau khi nhận tiền bồi thường, ông đem trả lại chủ đầu tư số tiền bồi thường đất ở. Sau đó, hộ dân này liên tục có đơn đề nghị huyện, tỉnh bố trí tái định cư.
“Khu đất còn lại chưa thu hồi của ông Thủy bị méo mó, độ dốc cao, sát ao chuôm khó mở rộng làm nhà ở nên việc xét bồi thường đất ở với diện tích 100m2 cho ông Thủy là cần thiết, đảm bảo công bằng”, văn bản của UBND Tam Đảo nêu.
Ông Dương Quang Ứng thừa nhận, để dự án chậm tiến độ trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư. Ngoài ra, do công tác kiêm nhiệm qua các thời kỳ, thay đổi bộ máy tổ chức từ Sở Thương mại Du lịch đến nay phát sinh nhiều bất cập.
Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở VHTT&DL, quá trình thực hiện, nhà thầu thi công (công ty Bắc Ái) có thái độ chây ỳ, không đôn đốc đẩy nhanh tiến độ dự án.
Trả lời PV VietNamNet cách đây gần 1 tháng, một đại diện công ty Bắc Ái cho biết đã nhận được ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh về việc cung cấp thông tin đến báo VietNamNet và sẽ chủ động cung cấp thông tin. Tuy nhiên đến nay, đại diện nhà thầu vẫn chưa cung cấp bất cứ thông tin gì liên quan đến việc thi công dự án này.
Hơn một thập kỷ nhìn con đường không thể hoàn thành, người dân xã Hợp Châu tiếc nuối, một dự án phúc lợi chi ngân sách nhiều tỷ đồng vẫn dở dang, lãng phí, tắc trách.
(Nguồn: Vietnamnet)