Việt Nam diễn tập bắn đạn thật trên biển và hoàn thiện hệ thống tên lửa bờ nội địa, sẵn sàng ch.i.ế.n đ.ấu
Việc phát triển thành công tên lửa bờ nội địa cùng đợt diễn tập quân sự, tiến hành bắn đạn thật trên biển của Hải quân Việt Nam lần này khẳng định trình độ kỹ thuật, năng lực và tinh thần sẵn sàng chiến đấu cao của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam.
Đồng thời, đây là bước chuẩn bị quan trọng các trang thiết bị kỹ thuật hỗ trợ công tác huấn luyện, đặc biệt là củng cố chiến thuật phòng thủ và tấn công máy bay và tàu của kẻ thù giả định.
Hải quân Việt Nam diễn tập bắn đạn thật trên biển
Nằm trong kế hoạch huấn luyện năm 2019, các đơn vị tàu Hải quân Việt Nam vừa tổ chức kiểm tra bắn đạn thật trên biển. Tham gia kiểm tra bắn đạn thật tại Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân, có các biên đội tàu chiến, vận tải, bổ trợ thuộc Hải đội 511 và Hải đội 512.
Nội dung kiểm tra gồm: bài 2E pháo ĐKZ82 – B10, bài 3 súng B-41 và bài 4C, 4D sử dụng các loại súng pháo tiêu diệt mục tiêu trên không, trên biển trong điều kiện chiến đấu ban ngày và ban đêm.
Đợt huấn luyện bắn đạn thật nhằm kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu của các tàu, trình độ chiến thuật trong việc chỉ huy, điều khiển tàu, công tác huấn luyện chiến đấu tấn công máy bay và tàu mặt nước địch của các đơn vị. Đồng thời rút kinh nghiệm, bổ sung vào phương án chiến đấu và kế hoạch huấn luyện của Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân trong thời gian tới.
Theo phóng sự, kết quả thu được rất đáng khen, khi đơn vị bắn đạn giỏi, đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Tổng cục Kỹ thuật hoàn thiện hệ thống tên lửa bờ nội địa
Trong phóng sự phát ngày 12/8 trên kênh Truyền hình Quốc phòng Việt Nam mang tên “Hiệu quả của những công trình trẻ” đã hé lộ thêm những kết quả nghiên cứu đáng chú ý ở Tổng cục Kỹ thuật.
Theo đó, trong số khoảng 2000 công trình sáng kiến, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, đã có tới 85% công trình được công nhận và áp dụng vào thực tiễn, góp phần hợp lý hóa sản xuất, đảm bảo trang bị kỹ thuật phục vụ công tác huấn luyện và chiến đấu.
Đáng chú ý, Việt Nam đang gấp rút hoàn thành thiết kế tên lửa hành trình chống hạm KCT 15 dựa trên nguyên mẫu Kh-35 Uran-E do Nga chuyển giao công nghệ chế tạo, đây sẽ là dấu mốc, đánh giá những tiến bộ mới trong cải tiến kỹ thuật của nền công nghiệp quốc phòng nước này.
Nội dung phóng sự cho thấy, các kỹ sư trẻ thuộc Tổng cục Kỹ thuật đã thiết kế xe bệ phóng của hệ thống tên lửa bờ dựa trên việc hoán cải xe tải việt dã KamAZ 43118 (6×6) 3 cầu chủ động.
Vô cùng sáng tạo, các chiến sĩ Việt Nam đã dỡ bỏ thùng xe tải và thay vào đó cụm 4 ống phóng nghiêng tương tự KT-184 của tên lửa hành trình diệt hạm Kh-35 Uran-E.
“Phương án thiết kế của Việt Nam theo nhận xét có nhiều nét tương đồng với xe mang phóng tự hành thuộc tổ hợp Rubezh-ME mà Nga vừa giới thiệu tại triển lãm IDMS 2019. KCT 15 có tầm bắn trong khoảng 130 – 260 km. Tổ hợp tên lửa hành trình đất đối hải của Việt Nam chính là sự thay thế hoàn hảo cho P-15M Termit có cự ly tác chiến ngắn, đường bay dễ bị đánh chặn và khó chống trả các biện pháp gây nhiễu điện tử của đối phương”, báo Đất Việt bình luận.
Theo đó, có nhiều phương án sử dụng sau khi tên lửa hành trình diệt hạm KCT 15 của Việt Nam được hoàn thiện. Một là có thể sẽ được biên chế cho lữ đoàn tên lửa bờ mới thành lập. Hai là dùng để nâng cấp Lữ đoàn 680 đang vận hành tổ hợp 4K51 Rubezh đã cũ.
KCT-15 là phiên bản Việt Nam tự sản xuất dựa trên giấy phép của Nga. Tên lửa hành trình diệt hạm này lần đầu tiên được ra mắt tại một triển lãm công nghệ quốc phòng vào năm 2015. Biến thể này cũng được trưng bày với cả loại radar trinh sát phòng không. KCT 15 được giới thiệu bên cạnh ống phóng kép dùng cho các tàu chiến nổi.
Nguồn: Sputnik