Vì sao Putin tạo sóng trên chính trường Liên Bang Nga vào thời điểm này?

Medvedev, vào lúc này, sẽ rất thất vọng! Hẳn là như vậy. Người đàn ông có phong cách lịch lãm và đôi mắt đượm buồn này chính là “hàng xách tay” được người có quyền lực nhất nước Nga thời hậu Xô-Viết – Putin đem theo từ quê nhà Saint Petersburg.

Nói theo ngôn ngữ trẻ trâu ở VN, thì Medvedev đã “cầm chim cho Putin đái” hơn hai mươi năm qua. Ngay cả khi giữ chức Tổng thống vào “khoảng nghỉ” của Putin, thì Medvedev cũng chỉ là người “sắm vai phụ” đợi Putin “lách” qua các quy định của Hiến pháp để trở lại ngồi vào ghế Tổng thống.

Cho đến trước ngày 15-1, mọi người vẫn nghĩ rằng Medvedev là “người thừa kế” hàng thứ nhất chiếc ghế Tổng thống của Putin. Và cũng phải đợi đến năm 2024, tức là sau 5 năm nữa. Nhưng đùng một cái, Putin “thay ngựa giữa dòng”, yêu cầu Chính phủ Medvedev từ chức, đề nghị Quốc hội phê chuẩn một nhân vật mới toanh thay thế.

Một số chuyên gia bình luận rằng Putin cải cách chính trị lần này để thâu tóm quyền lực lâu dài, Sứt không đồng tình. Putin đang nắm quyền lực tuyệt đối trong tay rồi thì còn gì phải thâu với tóm nữa. Medvedev hay bất cứ một nhân vật nào trên chính trường nước Nga hiện nay cũng không dám trái ý Putin chứ đừng có nói là làm phản.

Nói rằng Medvedev điều hành kinh tế không theo ý của Putin thì cũng chẳng đúng. Medvedev chỉ là con ngựa, Putin mới là người cầm cương, mà con ngựa Medvedev đã được ông chủ thuần dưỡng từ lâu. Hơn nữa, nền kinh tế nước Nga đến nay vẫn chủ yếu được “điều hành” bởi giới tài phiệt mà đa số trong đó là thân hữu của Putin.

Putin không hài lòng về Medvedev. Điều này là chính xác. Bởi nếu tin tưởng tuyệt đối vào Medvedev để cho hưởng thừa kế chiếc ghế Tổng thống, Putin chưa cần thiết phải tiến hành cải tổ cơ cấu quyền lực sớm như vậy. Có thể là Putin đánh giá Medvedev không đủ năng lực để thay thế ông. Tiến hành cải cách cơ cấu quyền lực vào thời điểm này là để có đủ thời gian để Putin thử thách ứng viên kế vị mới.

“Bệnh” chung của những người tự thấy mình có vai trò lãnh tụ là không nghĩ rằng người kế cận sẽ tài giỏi hơn mình. Đây có thể là lý do Putin muốn cải tổ cấu trúc quyền lực, phân chia bớt quyền của Tổng thống cho Quốc hội và Chính phủ. Một Chính phủ do Quốc hội bầu sẽ có vị thế độc lập hơn Chính phủ do Tổng thống chỉ định. Và khi đó, Quốc hội cũng sẽ thực quyền hơn.

Cho đến thời điểm này, Putin cũng đã đi vào lịch sử nước Nga hiện đại với vai trò của một “Cha già dân tộc”. Ý thức rõ được điều này nên trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2018, ông mới quyết định tham gia tranh cử với vị thế một ứng cử viên tự do chứ không phải người đại diện cho đảng cầm quyền.

Putin rất ngưỡng mộ Lenin. Vai trò của Putin thời hậu Xô-Viết cũng có thể sánh ngang với vai trò của Lenin thời tiền Xô-Viết. Sẽ không có ứng cử viên Tổng thống nào thời hậu Putin có thể đắc cử nếu dám thách thức chống lại di sản của Putin.

Nhưng trước khi trao ghế cho người khác sau 5 năm nữa, từ bây giờ Putin bắt đầu thử nghiệm cấu trúc quyền lực mới để tìm ra người kế vị phù hợp, một người mà Putin có thể trao lại trọng trách “giữ lấy nước Nga” như Boris Enxin đã trao cho mình.

Thương cho Medvedev, dù ông có tài năng cỡ nào thì với hơn hai mươi năm mang thân phận hầu cận bên ngai vàng, cũng không thể nào toả sáng.

(Nguồn: Lê Kiên)