UBND TP.HCM chống lưng cho Đại học Sài Gòn kinh doanh dịch giáo dục trá hình?
Nếu như trước giờ chỉ nghe tới các tập đoàn kinh tế nhà nước đem tiền đi đầu tư ngoài ngành để trục lợi thì nay thực trạng này đã len lỏi, thậm chí đang trở thành xu hướng trăm hoa đua nở của ngành giáo dục, mà trường Đại học Sài Gòn là một điển hình. Là trường trực thuộc UBND TP.HCM, trường Đại học Sài Gòn được UBND TP cấp quyết định trái luật cho phép trường này thành lập trường Tiểu học ngay trong trường Đại học. Đáng chú ý, mặc dù trường tiểu học này mang tính chất là trường công lập nhưng lại thu phí như một cơ sở giáo dục tư thục. Phải chăng UBND TP.HCM đã sử dụng Đại học Sài Gòn như “công cụ” kinh doanh dịch vụ giáo dục trá hình?
Theo thông tin được công bố trên website của Trường Đại học Sài Gòn, Trường Tiểu học Thực hành là cơ sở giáo dục và đào tạo công lập, trực thuộc Trường Đại học Sài Gòn, có tư cách pháp nhân, được sử dụng con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên việc thành lập trường tiểu học này đã lộ rõ những hành vi trái phép, cộng thêm những khoản thu trái luật cho thấy tình trạng xem thường Luật, cố tình lợi dụng sự mập mờ giữa công – tư để trục lợi.
Trường Tiểu học thực hành nói trên đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố HCM cấp phép thành lập theo Quyết định số 2144/QĐ-UBND ngày 21/5/2019. Nếu chiếu theo Luật Giáo dục sửa đổi năm 2009, Quyết định của Chủ tịch UBND TP.HCM là hoàn toàn không đúng thẩm quyền và trái với các quy định.
Luật Giáo dục hiện hành có quy định “thẩm quyền thành lập/cho phép thành lập trường tiểu học là của chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện”, nhưng Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh lại làm thay. Về nội dung, Luật có quy định “với trường tiểu học công lập, ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thành lập, còn với trường tiểu học tư thục thì ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định cho phép thành lập”. Nếu Quyết định số 2144/QĐ-UBND nói trên mà viết “cho phép” thành lập Trường Tiểu học Thực hành Đại học Sài Gòn, là không đúng quy định của Luật Giáo dục.
Vậy ai cho phép UBND TP.HCM ra một Quyết định trái luật như vậy? UBND TP.HCM không nắm rõ luật hay cố tình làm sai? Quan trọng hơn cả là UBND TP được hưởng lợi gì khi ra một quyết định trái luật? Phải chăng là vì trường Tiểu học Thực hành này chính là “miếng mồi ngon” cho họ tranh nhau xâu xé?
Theo thông báo số 1482/TB-ĐHSG về việc tuyển sinh vào lớp 1 Trường Tiểu học thực hành Đại học Sài Gòn năm học 2019-2020 ngày 28/6/2019 do Hiệu trưởng Trường Đại học Sài Gòn ký, quy định về “mức thu cụ thể” mà không biết gọi tên là khoản thu gì, như sau: “Mức thu đảm bảo đáp ứng các tiêu chí theo yêu cầu của trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế: 1.500.000 đồng / tháng (không kể tiền học bán trú và tiền học lớp 1 chương trình Tiếng Anh tích hợp).”
Đã xác định là trường công lập thì Đại học Sài Gòn không được quyền thu học phí, vậy khoản tiền 1,5 triệu đồng mà Đại học Sài Gòn thu là khoản tiền gì? Phải chăng chính vì Luật Giáo dục hiện hành cấm trường tiểu học công lập thu tiền của học sinh / gia đình người học, nên Trường Đại học Sài Gòn không biết gọi khoản thu 1,5 triệu đồng là khoản gì nên chỉ gọi chung là “mức thu đảm bảo”? Chưa kể, còn tiền bán trú, tiền tiếng Anh tích hợp còn phải đóng riêng. Liệu đây có phải là hoạt động kinh doanh dịch vụ giáo dục trá hình, thu lời trên nguồn vốn ngân sách Nhà nước?
Trường đại học nhưng ngoài đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, còn bành chướng sang đào tạo cả trình độ phổ thông, tuyển sinh từ lớp 1. Có khác gì các tập đoàn kinh tế Nhà nước đem hàng chục nghìn tỷ đi đầu đầu tư ngoài ngành: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản!
Nếu các DNNN trực tiếp đốt tiền ngân sách nhà nước thì các trường công lập như Đại học Sài Gòn lại mưu mẹo, tranh thủ kiếm chác bằng ngân sách gián tiếp như: dựa hơi cái mác trường công lập, khai thác cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên do Nhà nước bỏ tiền ra thành lập, đầu tư. Luật đã “cấm lợi dụng các hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi” nhưng vì tiền họ sẵn sàng chà đạp cả luật không thương tiếc??
Có điều, nếu như các DNNN lấy tiền dân đi đốt chỉ mang những khoản lỗ khủng về cho dân gánh thì các trường đại học như Sài Gòn lại “ăn nên làm ra” không ít nhờ các trường phổ thông không chuyên trái phép mà họ lập ra. Rõ ràng, việc thành lập trường phổ thông không chuyên trong hệ thống đại học, cao đẳng đang tạo ra kẽ hở lớn cho một nhóm người dễ dàng đục khoét, rúc rỉa tài sản nhà nước để trục lợi riêng.
Đối với giáo dục phổ thông, một trong những sứ mạng quan trọng nhất của trường công là mang lại cơ hội học tập cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, chứ không phải là trục lợi từ trẻ em có điều kiện. Trước tình trạng thị trường hóa hoàn toàn giáo dục chắc chắn sẽ đẩy con em nhà nghèo sang bên lề, chưa kể còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh khiến khối đầu tư tư thục thua thiệt, làm phá vỡ chính sách xã hội hóa của Đảng và Nhà nước. Nếu không sớm ngăn chặn tình trạng này sẽ khiến nhiều bản sao Đại học Sài Gòn mọc lên nhan nhản, không chỉ gây thất thoát tài sản nhà nước mà còn làm xấu xí hệ thống giáo dục nước nhà.
Nguồn: Baoxa