Từ đại dịch Covid-19, Việt Nam và thế giới càng nhìn rõ hơn bản chất ăn cướp, lật lọng của Trung Quốc
Những hành động ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông trong thời điểm cả thế giới đang tập trung chống dịch Covid-19 đang khiến mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc căng thẳng đáng kể, những động thái “phi hòa bình” cho thấy một sự thách thức từ phía Trung Quốc, cũng như ý đồ sử dụng vũ lực độc chiếm biển Đông ngày càng hiện rõ.
Hôm 3/4, sau khi công bố thông tin Trung Quốc trao trả 8 ngư dân Việt Nam sau khi đâm chìm tàu cá của họ ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam “trao công hàm phản đối, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra làm rõ, xử lý nghiêm đối với nhân viên công vụ và tàu Hải cảnh” gây ra sự việc trên, không để tái diễn những hành động tương tự, đồng thời bồi thường thỏa đáng các thiệt hại cho ngư dân Việt Nam.
“Hành động trên của tàu công vụ Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, gây thiệt hại về tài sản, đe dọa an toàn tính mạng và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc đối xử nhân đạo với ngư dân và Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nói trong cuộc họp báo ngày 3/4.
Đáp lại, khi được hỏi về sự kiện trên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong cuộc họp báo cùng ngày mặt dày đổi trắng thay đen, đưa ra một phiên bản thông tin hoàn toàn trái ngược.
Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói rằng tàu hải cảnh Trung Quốc đã bắt gặp tàu cá của Việt Nam đánh bắt bất hợp pháp trong khu vực quần đảo Tây Sa (tức Hoàng Sa) của Trung Quốc vào sáng 2/3 nên đã kêu gọi tàu này dời đi. Nhưng tàu cá Việt Nam không chịu dời đi và “bất ngờ quay ngoắt về phía tàu Trung Quốc” khiến cho tàu hải cảnh đâm vào tàu cá “dù đã cố hết sức để tránh”.
Người phát ngôn của Trung Quốc nói thêm rằng phía Trung Quốc sau đó lập tức cứu hộ 8 ngư dân Việt Nam và để cho họ trở về sau khi thực hiện các thủ tục điều tra và thu thập chứng cứ.
Trước đó một tuần, hôm 24/3, Trung Quốc công bố khánh thành hai “trạm nghiên cứu”, mà báo chí quốc tế gọi là các cơ sở quân sự mới, trên Đá Chữ Thập và Đá Subi ở Trường Sa, cũng là nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền, khiến Hà Nội phải lên tiếng yêu cầu Bắc Kinh “tôn trọng chủ quyền”.
Những sự việc liên tiếp trên xảy ra chỉ vài tháng sau một chuỗi đụng độ vào mùa hè năm ngoái khiến cho mối quan hệ Việt – Trung trở nên căng thẳng cực độ, xuất phát từ việc tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính, gần quần đảo Trường Sa, và ngang nhiên hoạt động tại đây trong nhiều tháng với lý do “khảo sát địa chất”.
Theo Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu an ninh và chính trị khu vực của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS- Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore, tình hình ở Biển Đông hiện nay “rất khó khăn” cho phía Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đang diễn ra đại dịch. Trung Quốc không chỉ công khai khánh thành trạm nghiên cứu hay đâm chìm tàu cá ngư dân Việt, mà còn gây ra “một số chuyện nữa” mà sẽ “dần dần được nói ra”.
Trong bối cảnh toàn thế giới đang lao đao vì đại dịch, mà xuất phát từ Trung Quốc, nước này đang tính toán những bước phiêu lưu mới và đẩy mạnh đánh nhanh thắng nhanh. Những động thái quyết liệt của Trung Quốc gần đây cho thấy Bắc Kinh đang có “mưu toan rất lớn”, không chỉ ở Biển Đông mà cả trong khu vực, chẳng hạn như vấn đề Đài Loan.
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng Việt Nam đã “lường trước” và “chuẩn bị kỹ” cho những tình huống xấu có thể xảy ra sắp tới. Dễ nhận thấy là phía Việt nam gần như phản ứng công khai và ngay lập tức sau khi vụ việc diễn ra, cho thấy một sự quyết liệt mạnh mẽ trước sự ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.
“Việt Nam sẽ ứng xử lại bằng hành động chứ họ không nói nhiều nữa đâu”, TS. Hà Hoàng Hợp nói, trong khi TS. Trần Công Trục cho rằng “Việt Nam sẽ có những biện pháp đấu tranh mạnh mẽ, kể cả trên phương diện pháp lý, truyền thông chính trị lẫn trên thực tế”.
Lúc Trung Quốc đang căng mình chiến đấu với con virus corona, Việt Nam không ngần ngại hỗ trợ vật tư y tế, khẩu trang… giúp TQ vượt qua khó khăn. Nay lợi dụng dịch bùng phát trên toàn thế giới, Việt Nam và các nước đều tập trung sức lực chống chọi thì Trung Quốc giở bộ mặt lưu manh hèn hạ, ăn cháo đá bát. Hết công khai cướp biển Đông mà còn dùng vũ lực chèn ép, bắt hại ngư dân Việt Nam. Liệu sau khi đại dịch đi qua, Trung Quốc tự biến mình thành kẻ thù chung của thế giới có được yên thân? Tình hữu nghị Việt – Trung liệu có bền lâu?