Từ chuyện chi tiêu mua xe công năm 2017 nhớ “đôi dép – xe công” thời Bác Hồ
Với sự quyết tâm về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong đó có vấn đề xe công, đã không tốn ít giấy mực bao năm qua. Tình trạng sử dụng, mua sắm xe công vẫn chưa hề giảm như quyết tâm mà Chính phủ đã đề ra,
Cắt giảm chi tiêu có lợi cho đất nước, lợi cho dân
Báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước năm 2017 được gửi tới Quốc hội cho thấy tổng số xe sắm mới và tiếp nhận năm 2017 là 2.604 xe, gần một nửa số trên là thuộc quản lý của trung ương.
Trong đó số xe mua mới là 1.081 chiếc, giá trị 1.030 tỷ đồng, bình quân giá mỗi chiếc xe công sắm mới là gần 1 tỷ đồng. Số xe công giảm trong năm qua là do thu hồi, điều chuyển, bán, thanh lý, tiêu hủy là 2.370 chiếc với tổng nguyên giá 1.139 tỷ đồng.
Hiện nay, cả nước có 39.425 xe công, chiếm 2,21% tổng giá trị tài sản Nhà nước, hầu hết thời gian sử dụng những chiếc xe này đã hơn chục năm và phần lớn thuộc về xe phục vụ công tác chung.
Cũng theo Chính phủ, việc thực hiện khoán xe công, điều chuyển từ nơi thừa đến nơi thiếu đã làm giảm đáng kể số lượng xe, cũng như chi phí vận hành. Như tại Hà Nội, sau quá trình thực hiện khóa xe tại 8 cơ quan nhà nước, trung bình mỗi tháng tiết kiệm được 6,7 triệu đồng. Còn ở TP HCM tính toán ngân sách cũng tiết kiệm được 1,2 tỷ trong năm vừa qua, khi thực hiện khoán xe tại 5 đơn vị.
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận, định mức sử dụng ô tô chung tại một số cơ quan, tổ chức vẫn chưa phù hợp. Mặt khác, chế độ khóa kinh phí sử dụng xe công theo cơ chế tự nguyện nên ít chức danh đăng ký sử dụng.
Mặc dù vậy, kết quả của chính sách khoán xe công trong năm 2017 sau khi thực hiện thí điểm tại một số bộ, ngành, địa phương đã bước đầu có kết quả tích cực. Và điều này cần được nhân rộng, triển khai ở một số địa phương khác trên cả nước.
Một ví dụ minh chứng cụ thể dựa trên báo cáo của các cơ quan, đơn vị triển khai thí điểm khoán 44 xe công phục vụ công tác chung ở Hà Nội đó là: tổng chi phí khoán xe trong 6 tháng đầu năm 2017 là 2.441 triệu đồng. Trong khi đó, số tổng kinh phí sử dụng 44 xe công cũng trong 6 tháng cùng kỳ của năm 2016 đó là 4.212 triệu đồng.
Như vậy, khi thực hiện thí điểm khoán xe ô tô phục vụ công tác chung, tổng số kinh phí khoán đã tiết kiệm hơn so với tổng kinh phí thực tế. Tổng số tiền tiết kiệm được sau 1 năm đó là 1.771 triệu đồng, trung bình mỗi xe tiết kiệm được 6,7 triệu đồng/xe/tháng.
Trên cơ sở báo cáo của các cơ quan, đơn vị triển khai thí điểm khoán xe ôtô phục vụ công tác chung, tổng số chi phí khoán xe 6 tháng đầu năm 2017 là 2.441 triệu đồng. Tổng số chi phí thực tế sử dụng 44 xe trong 6 tháng cùng kỳ năm 2016 tại các cơ quan, đơn vị là 4.212 triệu đồng.
Có thể nói, để đạt được kết quả cũng đáng ghi nhận như thế, là nhờ vào phần đóng góp của các cơ quan quản lý nhà nước, của hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương. Trước hết, đó là việc áp dụng Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg ngày 4/8/2015 của Thủ tướng Chính phủ, quy định tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
Theo hướng sửa đổi đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phù hợp cho từng nhóm chức danh có tiêu chuẩn sử dụng và định mức xe ô tô phục vụ công tác chung; xác định lộ trình thực hiện chế độ khoán kinh phí trang bị xe ô tô, khoán kinh phí sử dụng xe ô tô, thuê dịch vụ xe ô tô; quy định chế độ quản lý tập trung đối với xe ô tô được trang bị.
Và mời đây là văn bản số 2399/BTC-QLCS gửi các Bộ, ngành, địa phương, trong đó sửa đổi đơn giá khoán kinh phí sử dụng xe ô tô phù hợp cho từng nhóm chức danh có tiêu chuẩn sử dụng và định mức xe ô tô phục vụ công tác chung. Phấn đấu đến năm 2020 giảm khoảng từ 30% – 50% số lượng xe ô tô phục vụ công tác chung.
Khoán xe công trên phạm vi toàn quốc với sự tham gia của tất cả các địa phương và các ngành, thì không chỉ tiết kiệm ngân sách nhà nước, mà còn góp phần giảm được biên chế trong bộ máy, giảm bất cập trong việc mua sắm tài sản công. Từ hoạt động này, người dân nhìn vào hành động cụ thể đó cũng có những đánh giá tốt với chủ trương tiết kiệm của Đảng, đổi mới của Nhà nước và kiến tạo của Chính phủ.
Xe công hôm nay và bài học tiết kiệm từ “đôi dép – xe công” của Bác
Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ở trong bối cảnh hiện nay vẫn là một vấn đề phức tạp, việc các quan chức sử dụng lãng phí đã gây nên những hậu quả không đáng có. Điều này lại ngẫm đến việc bao lâu nay thực hiện chương trình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về tiết kiệm, chống lãng phí chưa đạt kết quả như mong muốn.
Nói về việc đi tìm lời giải cho bài toán cắt giảm chi phí của những chiếc xe công ngày hôm nay, lại ngẫm đến câu chuyện mà cách đây tới 73 năm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về bài học tiết kiệm xe công.
Nếu ai đã đọc cuốn hồi ký Nhớ lại một thời của Tố Hữu do NXB Văn hóa thông tin in năm 2002, sẽ thấy câu chuyện về việc tháng 10/1945, nhà thơ Tố Hữu nhận điện của Trung ương gọi ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi đến Phủ chủ tịch, Bác Hồ liền hỏi nhà thơ Tố Hữu ra Hà Nội bằng phương tiện gì, của ai? Khi nhận được câu trả lời là đi ô tô cơ quan. Bác cười và nói:
“Nhớ nhé, ôtô của cơ quan chứ không phải của các quan đâu đấy!… Bây giờ Đảng cầm quyền có nhà cao cửa rộng, có ôtô sang trọng, dễ lên mặt “quan” lắm. Xe của cơ quan là để đi làm việc công, không phải để các chú đi chơi mang cả quan ông, quan bà, quan cô, quan cậu, thế là hỏng đấy”.
Cũng trong tháng 10/1945, báo Cứu Quốc đăng thư “Gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng” của Hồ Chủ tịch, câu chuyện xe công đã được nói đến khi nêu ra những lỗi lầm rất nặng nề mà nhiều người phạm. Sử dụng xe công, tài sản công của nhà nước đã được Bác coi là một trong những biểu hiện “hủ hóa”, cậy thế của người cán bộ. Nói về việc Bác coi sử dụng xe công là biểu hiện của “hủ hóa”, theo Từ điển Hán – Việt, thì đây có nghĩa là hư hỏng, thối nát, tồi tệ.
“Ăn uống cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, tự hỏi tiền bạc ở đâu mà ra? Thậm chí lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà ủy viên cho đến các cô các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó ai chịu?”
Trích Hồ Chí Minh tuyển tập, tập 1, NXB Sự Thật Hà Nội, 1980, trang 370-371.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người con ưu tú của dân tộc, đã để lại cho dân tộc ta một di sản văn hóa đồ sộ và một tấm gương sáng về lòng yêu nước – thương dân. Mặc dù là Nguyên thủ quốc gia, là một người đứng đầu cả một đất nước, là một nhà lãnh tụ vĩ đại được bạn bè thế giới nể trọng. Nhưng cũng thật không ngờ Người lại vô cùng bình dị, suốt một đời trong sạch, không lãng phí, mà luôn sáng ngời về đức tính Cần, Kiệm, Liêm, Chính…
Giản dị không chỉ trong việc sử dụng xe công – một phương tiện di chuyển được coi là tài sản khổng lồ khi đó. Mà Bác còn giản dị cả trong việc sử dụng đôi dép cao su, vật dụng nhỏ nhưng chứa nhiều bài học quý giá.
Đôi dép cao su đã ghi cả dấu ấn đối với bạn bè quốc tế, chẳng hạn như trong lòng người dân Ấn Độ về chuyến thăm năm 1958, khi Người thực hiện chuyến thăm tới Thủ đô Đê-li của Ấn Độ. Tại buổi thăm đền Taj Ma-hal, Bác để dép ở ngoài, thì bất ngờ hàng trăm phóng viên báo chí ập đến vây kín đôi dép của Bác vì sự tò mò và lạ lùng. Về một con người là lãnh tụ đất nước nhưng giản dị, mà Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ấn Độ khi đó cũng phải thốt lên: “Nghe tiếng đã lâu, hôm nay mới thấy tận mắt đúng là Chủ tịch Hồ Chí Minh giản dị, thân thương quá!”.
Một phóng viên nước ngoài từng cũng có lần hỏi Bác về việc vì sao Bác chỉ thích đi dép cao su chứ không đi giày da các nguyên thủ quốc gia khác. Tại buổi phỏng vấn Bác nói:
“Tôi thích mang giày da lắm, giày da mang vừa ấm và vừa đẹp lắm, tôi thích mang giày da hơn… nhưng đất nước tôi còn nghèo lắm. Tôi mang giày da thì hàng trăm đồng chí tỉnh ủy mang giày da, hàng ngàn đồng chí huyện ủy, rồi cấp xã mang giày da…. trong khi đó hàng triệu trẻ em đến trường vẫn đi chân đất…”
Lý do thích đi dép cao su của Bác Hồ đơn giản là vậy, là vì dân còn khổ thì làm sao Bác có thể sống trong sung sướng được, dân còn không đói nghèo, còn thiếu thốn đủ bề sao Người có thể chỉ nghĩ cho bản thân được. Đây chính là một tấm gương sáng để cho các thế hệ con cháu Việt Nam noi theo học tập Bác về cách thể hiện lòng yêu nước, thương dân.
Câu chuyện về sự giản dị, tiết kiệm của Bác ngày hôm qua, xứng đáng được là bài học của ngày hôm nay. Khi Chính phủ đang ngày càng hướng tới một chính phủ kiến tạo, liêm chính để phục vụ nhân dân. Kiến tạo không chỉ là bỏ đi cái lạc hậu, tốn kém thay vào đó là cái mới.
Mà Chính phủ kiến tạo, liêm chính thì phải giáo dục cho mỗi Đảng viên, người cán bộ, lãnh đạo biết “Vì hạnh phúc của dân tộc, vì lợi ích của nước nhà mà tôi phải nói. Chúng ta phải ghi sâu những chữ “công bình, chính trực” vào lòng” (trích Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 5, tr. 295).
(Theo Bút Danh)