Trung Quốc xây “Vạn lý Trường Thành” trên biển Đông: Muốn bay vào Việt Nam phải xin phép Trung Quốc?

Bộ Quốc phòng Đài Loan vào sáng 4/5 xác nhận rằng Trung Quốc đang lên kế hoạch thiết lập một khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông. Thực tế cho thấy, việc ráo riết tiến hành các hoạt động quân sự khổng lồ, cho thấy Trung Quốc đã sẵn sàng đơn phương tuyên bố ADIZ trên Biển Đông. Nếu tham vọng này trở thành sự thật sẽ trực tiếp đe dọa đến hòa bình và ổn định khu vực, đe dọa trực tiếp đến an ninh quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là an ninh hàng không và an ninh hàng hải. Xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền hợp pháp của Việt Nam cả trên cạn lẫn trên biển.

Taiwan News gần đây đăng tải tin tức về Biển Đông nhưng ít người Việt chú ý đến. “Bộ Quốc phòng Đài Loan vào sáng thứ Hai (4/5) xác nhận rằng Trung Quốc đang lên kế hoạch thiết lập một khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.”

ADIZ là không phận của một quốc gia, trong khu vực đó tất cả các máy bay được yêu cầu cung cấp nhận dạng, vị trí và chịu kiểm soát nhằm bảo đảm an ninh quốc gia. “Trung Quốc đã tuyên bố rằng họ sẽ thành lập một ADIZ ở Biển Đông, nhưng họ vẫn chưa chính thức công bố.”

Tính pháp lý của ADIZ là “đơn phương đặt ra dựa trên nhu cầu quốc phòng của quốc gia đó và nó không có cơ sở trong luật pháp quốc tế.”

Ngược dòng thời gian, vào tháng 5 năm 2013, quân đội Trung Quốc đã đệ trình đề xuất chính thức cho một ADIZ ở biển Hoa Đông. Kế hoạch này đã được phê duyệt vào tháng 8 bởi các cơ quan đảng, nhà nước và quân đội hàng đầu của Trung Quốc. Mục đích của Trung Quốc nhằm “bảo vệ chủ quyền cốt lõi tại vực này”. Kế hoạch này sẽ giúp Bắc Kinh bảo vệ tốt hơn trước các mối đe dọa trên không. Các hành động ngăn chặn, giám sát, cảnh báo mở rộng với các máy bay chiến đấu trong vùng Biển Đông sẽ được Bắc Kinh tiến hành thường xuyên hơn trong tương lai.

Vào cuối 2016, Trung Quốc đã ngang nhiên lắp đặt những khẩu đội phòng không và những hệ thống phòng thủ tầm gần CIWS nối với các cảm biến để có thể bắn tự động chống lại những đe dọa từ trên không.

Đầu tháng 5.2018, Trung Quốc đã triển khai trái phép tên lửa hành trình chống hạm và tên lửa đất đối không tầm xa ở ít nhất 3 đảo nhân tạo bồi lấp trái phép thuộc quần đảo Trường Sa là Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn và Đá Su Bi. Việc triển khai hai loại tên lửa này có thể uy hiếp tự do hàng hải và hàng không trên khu vực Biển Đông.

Trong khi đang nỗ lực quân sự hóa phi pháp tại Trường Sa, Trung Quốc cũng ráo riết xúc tiến những hành động tương tự ở quần đảo Hoàng Sa. Vào 2016, máy bay J-11B của Trung Quốc đã có mặt tại đây. Cùng lúc đó, Bắc Kinh cũng hoàn thiện cầu cảng trên đảo Phú Lâm và triển khai tên lửa HQ-9 đất đối không.

Chưa dừng lại ở đó, Trung Quốc đã lắp đặt trái phép những trạm radar trên rất nhiều đảo tại Biển Đông và đẩy mạnh những chiến dịch đường không và đường hàng hải trong khu vực. Việc triển khai quân sự hóa của Bắc Kinh sẽ khiến toàn bộ khu vực rơi vào tầm kiểm soát của quân đội Trung Quốc.

Có thể hình dung “tương lai Biển Đông” đó là “Vạn lý trường thành trên không” của Trung Quốc.

Ý tưởng ban đầu về “Vạn lý trường thành trên không” có thể bắt nguồn vào ngày 1 tháng 11 năm 2009, nhân kỷ niệm 60 năm Không quân Trung Quốc. Thời điểm đó, Nhân dân Nhật báo đã xuất bản một bài báo có tựa đề “Xây dựng Vạn lý trường thành trong Vạn lý trường thành”, Tân Hoa Xã cũng đã thực hiện một cuộc phỏng vấn độc quyền với Hứa Kỳ Lượng, Tư lệnh Không quân Trung Quốc, với tựa đề “Xây dựng Vạn lý trường thành trên bầu trời xanh.” Kết quả Bắc Kinh tuyên bố vào ngày 23 tháng 11 về ADIZ biển Hoa Đông mà không cần tham vấn bất kỳ quốc gia liên quan nào.

ADIZ giúp Bắc Kinh thực hiện “vùng đệm” trên bờ biển, gia tăng các hoạt động quân sự của Bắc Kinh, làm thay đổi hiện trạng tranh chấp trong khu vực tương tự như lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm và bồi lấp đảo nhân tạo, thúc đầu nhiều quốc gia lớn trong khu vực tăng cường quân sự, làm tăng căng thẳng và khả năng xảy ra va chạm trong vùng Biển Đông. ADIZ là cơ sở củng cố quan điểm “các lực lượng vũ trang Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp phòng thủ khẩn cấp để đối phó với các máy bay không hợp tác trong nhận dạng.”

Biện pháp phòng thủ khẩn cấp bao gồm: thẩm vấn, ngăn chặn, buộc hạ cánh hoặc thậm chí bắn hạ.

Như vậy kế hoạch này sẽ hỗ trợ đắc lực cho Bắc Kinh trong tham vọng kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Giới lãnh đạo Trung Quốc hiện giờ đang chứng tỏ mình đủ khả năng và sự quyết đoán trong duy trì lập trường cứng rắn về lợi ích chủ quyền tại Biển Đông.

Theo chuyên gia Richard Heydarian, Đại học De La Salle, Manila phân tích: “Hiện Trung Quốc đã phát triển bộ khung của một vùng nhận dạng phòng không ADIZ ở quần đảo Trường Sa, có khả năng cho phép họ áp đặt một vùng cấm trong tương lai… ”.

Nếu Trung Quốc đơn phương thiết lập ADIZ trên Biển Đông trong thời gian tới, như cách họ đã làm năm 2013 ở Hoa Đông, sẽ ảnh hưởng vô cùng lớn đến hoạt động hàng không dân dụng đi qua vùng biển này. Một số hãng hàng không không muốn phiền toái với Bắc Kinh có thể nộp lộ trình bay. Như thế cũng đồng nghĩa với việc công nhận quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Để phục vụ cho tham vọng bành trướng của giới cầm quyền Bắc Kinh, một loạt biện pháp quân sự cứng rắn đang được ngông cuồng áp đặt lên biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế và sự chỉ trích của các nước. Bằng một loạt biện pháp như lập vùng nhận dạng phòng không, lệnh cấm đánh bắt cá, hoàn tất chuỗi đảo nhân tạo với đầy đủ khí tài quân sự và cơ quan hành chính (tự đặt và công nhận), quốc gia này đang từng bước biến tham vọng thành hiện thực.

Liệu các phiên bản máy bay chiến đấu “Su” từ đất liền phóng ra các đảo tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam sẽ dễ dàng như trước hay sẽ gặp khó như tàu cá Việt Nam bị cảnh cáo, húc, đâm chìm khi đang khai thác hải sản tại ngư trường Việt Nam? Biển Đông không còn “dịu êm” như thời kỳ 2014 – khi Bắc Kinh đã quyết liệt hơn trên các cơ sở Biển Đông mà quốc gia này cưỡng chiếm có được.

Theo các chuyên gia hàng không, có đến 80% các chuyến bay có điểm đến hoặc xuất phát từ Việt Nam đều phải đi qua Biển Đông. Nếu Trung Quốc dùng vũ lực áp đặt và đơn phương tuyên bố ADIZ ở Biển Đông thành công, phần lớn máy bay khi ra vào Việt Nam đều bị Trung Quốc kiểm soát. Nói cách khác, muốn đi ra và vào Việt Nam đều phải xin phép Trung Quốc.

Điều cần thiết là Việt Nam và các nước trong khu vực sớm có động thái phản ứng, ra tuyên bố phản đối Bắc Kinh, tăng cường sức sẵn sàng chiến đấu và nâng cao uy tín trên trường quốc tế, cũng như để thế giới thấy rõ dã tâm và ý đồ của Trung Quốc trên Biển Đông. Cho thế giới thấy tác hại khi biển Đông trở thành ao làng của Trung Quốc, khi đây là một mắt xích quan trọng trong sự điều chỉnh chiến lược từ châu Âu – Đại Tây Dương sang châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ và các cường quốc, việc kiểm soát đại dương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và là nhân tố chính trong việc kiểm soát thế giới. Thêm nữa, trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, Biển Đông nói riêng và Thái Bình Dương nói chung ngày càng chiếm giữ vị thế quan trọng trong chiến lược biển, quyền lực biển, là một trong những tuyến đường biển nhộn nhịp nhất, quan trọng nhất của thế giới nối liền châu Âu với châu Á, Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương…

Phải lập tức hành động ngay!

T. H