Trung Quốc thất bại ê chề trong cuộc chiến quyền lực mềm tại APEC
Ngay cả với sự vắng mặt của các tổng thống Mỹ và Nga tại hội nghị Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) 2018, Chủ tịch Tập cận Bình vẫn bỏ lỡ cơ hội thống trị sự kiện và tăng cường ảnh hưởng ở Thái Bình Dương, hãng CNN ngày 19.11 nhận định. Trung Quốc đã rót ít nhất 1,3 tỷ USD vào các đảo quốc Thái Bình Dương, trong đó, Papua New Guinea, nước chủ nhà hội nghị năm nay, đã nhận đến 590 triệu USD. Không chỉ vậy, Bắc Kinh còn hứa đầu tư 4 tỷ USD giúp Papua New Guinea xây dựng mạng lưới quốc lộ, một động thái liên tục được các nước trong khu vực ngợi ca. Vậy mà, ông Tập đã phải rời hội nghị với tâm trạng bất mãn.
Lần đầu tiên trong lịch sử dài 25 năm của APEC, hội nghị kết thúc mà không đưa ra được tuyên bố chung. Không chỉ vậy, Bắc Kinh phải rời hội nghị trong xấu hổ sau khi 4 quan chức Trung Quốc bị cấm cửa ở văn phòng Ngoại trưởng Papua New Guinea vì muốn gây sức ép đòi nước chủ nhà sửa dự thảo tuyên bố chung.
Với Trung Quốc, hội nghị đáng ra là một chiến thắng trên lĩnh vực quan hệ công chúng, lại trở thành thất bại ê chề khi quan chức Trung Quốc cấm phóng viên các nước tham dự diễn đàn giữa Trung Quốc với các đảo quốc Thái Bình Dương mà chỉ để phóng viên nước mình tham dự với lý do an ninh, hãng Reuters đưa tin.
Nhưng thất bại năng nề nhất là việc Trung Quốc phải đối mặt với sự công kích công khai của Mỹ và các nước đồng minh như Nhật Bản và Úc. Ba nước này đã đưa ra một tuyên bố chung về việc tăng cường hợp tác trong lĩnh vực đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng. Các dự án này hứa hẹn sẽ theo sát “các tiêu chuẩn và nguyên tắc quốc tế về phát triển, bao gồm tính mở cửa, minh bạch và bền vững tài chính”. Cách tiếp cận này sẽ “thoả mãn nhu cầu của khu vực trong khi vẫn giúp các quốc gia địa phương tránh được các khối nợ không bền vững”.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence còn thẳng thừng phát biểu rằng Mỹ “mang đến một lựa chọn tốt hơn” và “không nhấn các đối tác xuống biển nợ” hay buộc họ phải “nhượng bộ” độc lập của mình, lời lẽ mà giới quan sát chỉ ra là để ám chỉ Trung Quốc.
Mỹ và Úc cũng cam kết sẽ mở rộng một căn cứ hải quân ở đảo Manus với Papua New Guinea. “Chúng tôi sẽ hợp tác với hai nước này để bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải ở các đảo quốc Thái Bình Dương”, ông Pence nói.
Hồi tháng 8, nhiều thông tin cho thấy Trung Quốc dự tính cải tạo đảo Manus, một khu vực chiến lược có thể chứa hàng trăm tàu chiến và máy bay chiến đấu. Ngay cả khi những tin này không thật, việc Mỹ và Úc xây dựng căn cứ quân sự ở đây cũng cho Trung Quốc thấy nỗ lực bành trướng hải quân của mình đang bị ngăn chặn có chủ đích.
Hội nghị cuối tuần qua là cơ hội để Trung Quốc chứng tỏ quyền lực của mình ở Thái Bình Dương nhưng mặc cho ông Tập nỗ lực bảo vệ chính sách thương mại và sáng kiến “Vành đai và Con đường”, sự kiện kinh tế quan trọng hàng đầu khu vực chỉ cho thấy tham vọng của Bắc Kinh ngày càng bị nhiều nước kinh sợ và kháng cự.