Trung Quốc: Lại xuất hiện “Trẻ đầu to” do sữa rởm gây chấn động dư luận
12 năm sau sự kiện “sữa giả Tam Lộc gây trẻ đầu to”, nay lại xuất hiện sự kiện sữa bột rởm khiến trẻ em có đầu to dị thường ở Sâm Châu, Hồ Nam đang gây sốc dư luận Trung Quốc.
Tin cho biết, Cục giám sát thị trường huyện Vĩnh Hưng, Hồ Nam đã đưa ra quyết định, yêu cầu thành lập ngay tổ điều tra đặc biệt, lập hồ sơ để điều tra, đồng thời sắp xếp kiểm tra y tế toàn diện 5 trẻ đầu to dị thường đã được báo chí đề cập.
Phóng viên Tân Kinh báo (Tin tức Bắc Kinh) ngày 11/5 lưu ý, ngay từ đầu tháng 7/2019, các phương tiện truyền thông đã phơi bày sự kiện tại Sâm Châu, Hồ Nam xuất hiện một loại đồ uống đặc mạo xưng là bột sữa y tế đặc biệt.
Bắt đầu điều tra
Theo tin của đài truyền hình Hồ Nam, gần đây một số phụ huynh của các bệnh nhân ở huyện Vĩnh Hưng, Sâm Châu, tỉnh Hồ Nam đã phát hiện ra rằng con cái họ bị bệnh chàm, sụt cân nghiêm trọng, hộp sọ biến dạng trở nên giống như “búp bê đầu to” và có các dấu hiệu bất thường khác như vỗ đầu liên tục. Qua điều tra của giới truyền thông cho thấy những đứa trẻ này được bệnh viện chẩn đoán là “còi xương” và tất cả chúng đều được chỉ định uống một loại “sữa bột y tế đặc dụng” có tên là “Bội An Mẫn” (beiamin). Trên thực tế, “sữa bột” này là một loại đồ uống đặc và không có chất lượng của sữa bột y tế đặc biệt.
Đoạn phim cho thấy những trẻ nhỏ này khi đi kiểm tra y tế được chẩn đoán bị dị ứng với sữa bò, phụ huynh được các bác sĩ khuyên nên mua sữa bột giàu axit amin cho con. Sau đó, các bậc phụ huynh đã đến Cửa hàng Bà mẹ và Trẻ sơ sinh Sâm Châu Ái Anh để mua sữa bột. Tại đây, họ được quảng cáo, hướng dẫn mua sản phẩm Bội An Mẫn. Khi một số phụ huynh đặt câu hỏi về “đồ uống đặc” ghi trên bao bì sản phẩm, nhân viên hướng dẫn mua hàng đã tuyên bố rằng Bội An Mẫn là loại sữa bột tốt nhất trong cửa hàng và là sản phẩm bán chạy nhất, rất nhiều bé bị dị ứng sữa đang sử dụng.
Sau khi video được phát, nó đã thu hút sự chú ý mạnh mẽ của các phụ huynh. Theo thông tin từ tài khoản chính thức của trang mạng Pháp luật Thiểm Tây, vụ việc liên quan đã thu hút sự chú ý lớn từ huyện ủy và chính quyền huyện Vĩnh Hưng và tổ chức một cuộc họp khẩn cấp qua đêm. Ông Giám đốc Văn phòng giám sát thị trường huyện, trả lời truyền thông nói, hội nghị đã đưa ra ba quyết định: thứ nhất, yêu cầu thành lập một đội điều tra đặc biệt và lập hồ sơ để điều tra, thứ hai, quan tâm chăm sóc nhân văn cho 5 trẻ em được đề cập và sắp xếp cho các chuyên gia nhi khoa tiến hành kiểm tra y tế toàn diện; thứ ba là tiến hành kiểm tra toàn diện trong một tháng và chấn chỉnh an toàn thực phẩm trẻ em tại địa phương.
Sự kiện “sữa bột giả” tái hiện ở Sâm Châu
Phóng viên Tân Kinh Báo nhận thấy rằng đây là lần thứ hai, xảy ra sự kiện sữa giả khiến “trẻ đầu to” ở Sâm Châu trong vòng chưa đầy một năm.
Trước đó, ngày 30/3/2020, hơn một chục phụ huynh đã cùng nhau ký tên vào “Thư liên danh của các cha mẹ trẻ em đầu to khẩn cầu chính quyền xử lý sự kiện sữa giả ở Sâm Châu” gửi chương trình “Vấn chính Hồ Nam”, tố cáo năm 2019 tại Sâm Châu xảy ra sự kiện sữa bột gây xuất hiện các trẻ em đầu to, “tất cả chỉ vì các bác sĩ ở bệnh viện trẻ em Sâm Châu bán sữa bột cho trẻ em”. Điểm khác nhau duy nhất là thủ phạm chính của vụ việc khi đó là một thức uống rắn có tên là “Thư Nhi Thái” (Shu Er Tai).
“Thư liên danh” chỉ ra rằng các bác sĩ của Bệnh viện Nhi đồng Sâm Châu liên kết với các nhà thuốc bệnh viện và Cửa hàng mẹ và bé Mazigu nằm đối diện bệnh viện để tiếp thị bán “đồ uống đặc Thư Nhi Thái” “được đặc chế có tác dụng y tế đặc biệt” dùng cho trẻ em bị dị ứng sữa bò đến bệnh viện để xin điều trị y tế. Với sự giới thiệu của các bác sĩ, các trẻ em sẽ sử dụng đồ uống đặc này như một nguồn thực phẩm duy nhất trong suốt thời gian dài. Kết quả là, nhiều trẻ em bị suy dinh dưỡng, một số trẻ chậm phát triển đáng kể so với trẻ bình thường về chiều cao, trí thông minh và khả năng di chuyển. Ngoài ra còn có các tổn thương nội tạng nghiêm trọng với các mức độ khác nhau.
Về vấn đề này, các phụ huynh yêu cầu các chuyên gia phải tổ chức tiến hành kiểm tra khoa học toàn diện về sức khỏe thể chất của trẻ, thông báo cho cha mẹ về các mục kiểm tra, chỉ số, chức năng, v.v. và cung cấp cho nhân viên có liên quan bản kết luận đánh giá được ký và phê duyệt theo quy trình; Bệnh viện Nhân dân Số 1 của thành phố Sâm Châu phải cam kết chịu toàn bộ chi phí điều trị theo dõi, phục hồi chức năng và kiểm tra lại. Đối với những trẻ em không thể phục hồi, các nơi liên quan phải cam kết bảo đảm cuộc sống tối thiểu.
Trả lời các vấn đề được phản ánh trong “Thư liên danh” ở trên, Cục giám sát thị trường Sâm Châu ngày 16/4 cho biết, sau khi điều tra và xác minh, tổng đại lý tại Sâm Châu của Thư Nhi Thái là Công ty thương mại thực phẩm Ích Tín Khang Sâm Châu đã in các tờ rơi gây hiểu lầm cho các gia đình của trẻ em, khiến họ nghĩ rằng sản phẩm này là một loại thực phẩm đặc biệt cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, là “sữa bột công thức cho trẻ sơ sinh” hoặc “thực phẩm đặc biệt dùng cho mục đích y tế”. Khi gia đình đưa trẻ đến Bệnh viện Nhi đồng thuộc Bệnh viện Nhân dân Số 1 Sâm Châu khám, cá biệt bác sĩ trong bệnh viện sử dụng tờ rơi trên do Ích Tín Khang in để giới thiệu cho gia đình đến nhà thuốc trẻ em hoặc cửa hàng bà mẹ và trẻ em để mua đồ uống “Thư Nhi Thái” cho trẻ em bị dị ứng sữa bò và các triệu chứng khác sử dụng.
Cục giám sát thị trường Chen Châu cho biết, các cơ quan chính quyền có liên quan đã sắp xếp cho trẻ em đến các bệnh viện đa khoa hàng đầu được chỉ định để kiểm tra y tế. Ủy ban bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thành phố đã thực hiện hòa giải và bồi thường thiệt hại giữa bên khiếu nại và các bên có trách nhiệm. Cơ quan giám sát và thi hành luật gia đình và Ủy ban y tế thành phố đã điều tra Bệnh viện nhân dân Số 1 Sâm Châu và các bác sĩ liên quan. Đối với các nhà phân phối như Công ty Ích Tín Khang và các nhà phân phối khác liên quan đến tuyên truyền sai lệch, Cục quản lý và giám sát thị trường sẽ xử phạt hành chính theo luật pháp và nghiêm khắc trừng phạt người vi phạm.
Sự kiện “Thư Nhi Thái” còn chưa yên thì nay lại xuất hiện vụ “Bội An Mẫn”, cho thấy sự liên kết chặt chẽ giữa gian thương và các thày thuốc vô lương vì tiền bất chấp sinh mạng của trẻ em.
Theo Viettimes