Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng: “Ôm người bạn thật chặt, ôm kẻ thù chặt hơn”, khi bàn về ‘Sự trỗi dậy của Trung Quốc’
Tiến sĩ Dương Ngọc Dũng dẫn câu ngạn ngữ ‘Ôm người bạn thật chặt, ôm kẻ thù chặt hơn’ để mở đầu cuộc nói chuyện chuyên đề: ‘Sự trỗi dậy của Trung Quốc’, do Khoa quan hệ quốc tế Trường Đại học Khoa học, xã hội và nhân văn TP.HCM tổ chức.
Cùng với tiến sĩ Dương Ngọc Dũng còn có tiến sĩ Lê Vĩnh Trương – tác giả quyển sách Bàn về Trung Quốc trỗi dậy – tham gia diễn thuyết.
Tiến sĩ Bùi Hải Đăng – trưởng khoa quan hệ quốc tế – nhấn mạnh rằng Trung Quốc là đề tài chưa bao giờ thôi hấp dẫn đối với các sinh viên cũng như giới nghiên cứu Việt Nam. Trong tình hình hiện nay, mọi sự chuyển biến, thay đổi và các vấn đề liên quan đến Trung Quốc đều tạo nên sự tác động mạnh mẽ có quy mô toàn cầu.
Trong mối quan hệ địa chính trị đặc biệt của Việt Nam và Trung Quốc, việc nghiên cứu tìm hiểu lẫn nhau là rất cần thiết. Tuy nhiên, như ghi nhận của ông Dũng từ mạng xã hội và nhiều nguồn khác nữa, “tôi cảm nhận hình như có một diễn ngôn là chống Trung Quốc, chống bất cứ thứ gì của Trung Quốc”.
Trung Quốc có nhiều thứ để nghiên cứu
Theo ông Dũng, Trung Quốc cũng có đóng góp vào sự hình thành thái độ này. “Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn có nhiều thứ để ta nghiên cứu”. Ông cũng đề xuất phân biệt hai thái độ rõ ràng: Thái độ của nhân dân đối với Trung Quốc; và thái độ của cộng đồng học thuật đối với Trung Quốc.
Riêng về học thuật, ông Dương Ngọc Dũng lưu ý một thực trạng là các nhà nghiên cứu về Trung Quốc hiện đại bị hạn chế về tư liệu.
Và vì nghiên cứu chủ yếu dựa trên suy đoán như vậy, ông Dũng đề xuất cả học giới và các sinh viên nên cẩn trọng trong trao đổi và kết luận về vấn đề nào đó.
Tiến sĩ Lê Vĩnh Trương chia sẻ đồng cảm với ông Dương Ngọc Dũng, và trong mối quan hệ với Trung Quốc, ông Trương lưu ý rằng vào thời Đường, tổng sản lượng Trung Quốc chiếm 58% thế giới; thời Tống, tổng sản lượng Trung Quốc chiếm đến 80% tổng sản lượng của thế giới.
“Điều này có nghĩa là chúng ta từng sống cạnh người láng giềng hùng mạnh nhất thế giới trong bao nhiêu thế kỷ, chứ không phải đến bây giờ chúng ta mới bắt đầu chuẩn bị cho câu hỏi: Khi Trung Quốc vươn lên nhất thế giới thì ta làm gì?”
Buổi nói chuyện chuyên đề thực sự thu hút mối quan tâm của nhiều giới. Ban tổ chức phải kê thêm ghế phụ và khán phòng chật kín khách đến nghe – Ảnh: L.Điền
Khép lại chương trình, ông Dương Ngọc Dũng bày tỏ: “Tôi mong rằng sau cuộc nói chuyện này, các sinh viên ngành quan hệ quốc tế hoặc giới nghiên cứu Trung Quốc có nhiều hào hứng hơn để đi theo hướng của tiến sĩ Lê Vĩnh Trương đã vạch ra. Tôi thích một câu tiếng Anh mà tôi nghĩ có khi bắt nguồn từ Trung Quốc: cần phải ôm thật chặt người bạn thân của mình, nhưng ôm kẻ thù chặt hơn.
Tôi không có ý nói Trung Quốc là kẻ thù, mà tôi muốn nói cái việc ôm chặt ở đây có thể là khảo sát kỹ hơn, tìm hiểu kỹ hơn. Nếu ta thực sự xem sự trỗi dậy của Trung Quốc có những yếu tố đ e d ọa đến nền an ninh và chủ quyền lãnh thổ thì ta càng cần phải nghiên cứu Trung Quốc kỹ lưỡng hơn nữa, thay vì tung ra các khẩu hiệu ái quốc chung chung”.
(Nguồn: Tuổi trẻ)