Thủ tướng chỉ thị “không tụ tập quá 2 người”: Làm ơn, tôi nói đồng bào nghe rõ không?

Giữa lúc dịch bệnh diễn biến khó lường, làm ơn nghiêm chỉnh chấp hành lời hiệu triệu của Tổng Bí thư và mệnh lệnh cách ly toàn xã hội của Thủ tướng Chính phủ, tuyệt đối tuân thủ “không tụ tập quá 2 người”, tại sao giờ này còn xếp hàng đi mua xăng dự trữ, bao nhiêu đó xăng thì tiết kiệm được bao nhiêu đồng?

Dân mình sao lại khổ đến vậy, chắc chuyện giá xăng giá điện giảm như điều thần kỳ mơ cũng không thấy được, bởi vậy mà dân chen chúc đi mua? Vậy, đây là hệ quả của việc dân thiếu ý thức hay là tội của bọn DN bất tài, kinh doanh bết bát đẩy hết nợ nần cho dân gánh?

Nhiều người nhìn thấy hình ảnh dân mình xếp hàng, chen chúc mang can cả chục lít đi mua xăng thì liền đặt câu hỏi: An toàn cháy nổ có được đảm bảo không, chưa kể nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cộng đồng lớn đến như vậy cũng không quan tâm là sao? Đất nước gặp nạn, không cần đồng bào góp công, góp của, chỉ xin đồng bào “ở yên một chỗ” khó đến vậy sao?

Trong Chỉ thị 16 vừa ban hành Thủ tướng đã nêu rõ quy định “thời gian vàng” cách ly 15 ngày: “Nếu chúng ta không cương quyết việc này thì hậu quả khôn lường đối với sức khoẻ, tính mạng của nhân dân”. Đặc biệt nhấn mạnh “yêu cầu người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật cần thiết, thực hiện nghiêm việc giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp, không tập trung quá 2 người”.

Vậy mà, đồng bào có cần thiết phải dự trữ xăng khi Thủ tướng yêu cầu ở yên trong nhà không? Nếu thật sự cần vậy tại sao không giữ khoảng cách cách ly 2m? Sao không chịu đeo khẩu trang? Sao lại tụ tập không những hơn 2 người mà còn tụ tập quá nhiều người như vậy? Đồng bào không nghe rõ chỉ thị của Thủ tướng hay lời Thủ tướng chưa tới tai đồng bào? Đồng bào sẵn sàng đánh cược cả sức khỏe, tính mạng của bản thân chỉ vì vài đồng bạc tiết kiệm được từ giảm giá xăng? Đồng bào nỡ lòng nào đổ sông đổ bể hết mọi công sức phòng chống dịch đầy vất vả của Nhà nước và Chính phủ?

Cuộc sống đúng là khó khăn thật, có lẽ tin giá xăng giảm, hay giá điện giảm là thứ gì đó hy hữu, là điều mơ ước của biết bao dân nghèo. Bởi vậy những nhu yếu phẩm này chỉ cần có tin giảm giá thì dân mình đổ xô đi mua. Thương lắm mà cũng giận lắm.

Giận đồng bào 1 thì lại giận những kẻ hút máu đồng bào 10. Bêu tên đầu tiên là anh điện lực E'VN. Tăng giá điện là điệp khúc được lặp đi lặp lại nhiều năm. E'VN độc quyền bán điện rồi độc quyền tăng giá, lại còn nói “Không tác động lớn”. E'VN có lãi hàng ngàn tỉ đồng trong năm nay nhưng vẫn quyết tăng giá điện để bù lỗ cho việc làm ăn thua lỗ những năm trước. Dân cứ thế nai lưng ra trả nợ cho E'VN vì nếu không trả tiền điện, nhà đèn sẽ cắt điện, một nguồn nhu yếu tuyệt đối không thể thiếu của dân.

Tiếp đến phải kể tới anh PVN. Có một thực tế không thể phủ nhận là khoảng một nửa giá bán xăng hiện nay đến từ Thuế, phí của nhà nước đánh vào. Thuế, phí ở Việt Nam lại thuộc hàng cao nhất trong khu vực, đang bào mòn khủng khiếp sức cạnh tranh của doanh nghiệp, và hạ thấp mức sống của người dân.

Nguyên nhân giá xăng dầu tăng một cách vô tội vạ như hiện nay một phần bị ảnh hưởng bởi cách kinh doanh kỳ lạ, không tập trung vào nghiên cứu công nghệ phát triển khai khoáng dầu khí, lại mang hàng nghìn tỷ đi đầu tư ngoài ngành, điển hình là vụ mất trắng 2.660 tỷ trong vụ Ocean Bank và sa lầy vào nhiều dự án đầu tư ở Venezuela khiến VN mất trắng hàng nghìn tỷ đồng,… Kết quả của những khoản mất trắng là quyết định tăng giá xăng để bù lỗ. Khi xăng tăng sẽ tác động dây chuyền đến tất cả những mặt hàng khác gây nên lạm phát, khiến đồ ăn thức uống và các mặt hàng giá tăng giá rất mạnh.

Đấy là mới kể hai ông lớn thôi, còn bao nhiêu ông con cưng trời đánh làm ăn thua lỗ, bết bát, nhũng nhiễu, cơ hội kể không xuể. Trăm dâu đổ đầu tằm, mọi hệ quả đều đổ lên đầu dân gánh. Bởi vậy, khi nhìn hình ảnh dân mình đổ xô đi chen chúc mua xăng về trữ, chỉ thấy thương sao, vì với họ bây giờ có khi tin giá xăng, giá điện giảm còn quan trọng hơn tin VN tuyên bố hết dịch.

Tâm Bão