Thôi, các vị đừng dại chơi bài “nhây” với cảnh sát giao thông
Mấy ngày qua, sau khi các quy định mới về xử phạt vi phạm quy định về giao thông theo Nghị định số 100/NĐ-CP, nhất là quy định về nồng độ cồn trong khí thở của người tham gia giao thông, đã có đủ kiểu của “dân nhậu” đối phó việc kiểm tra, xử phạt. Nhưng tất cả các trò nhằm trốn kiểm tra, xử phạt khi đã uống bia, rượu vẫn tham gia giao thông cũng trở thành những câu chuyện giải trí, thành trò cười trên mạng xã hội hay với những độc giả của báo chí.
Có chỗ thì người lái xe khi bị chặn lại đã khóa cửa xe, trốn tránh hợp tác với cảnh sát giao thông để kiểm tra nồng độ cồn rồi một lúc sau lại báo người lái không phải là mình mà là một… phụ nữ.
Có người thì nghe lời (xui dại) của người khác, mua bộ quần áo, mũ của những người lái xe ôm (Grab, be), với niềm tin rằng, cảnh sát giao thông không chú ý đến việc kiểm tra, xử phạt giới lái xe công nghệ.
Cũng không ít người lùng mua các viên giải rượu với hy vọng rằng, ăn nhậu, uống bia, uống rượu xong, làm vài viên có thể giảm mức độ say xỉn. Và thực sự cũng có không ít người mua bia không độ (bia chay), để mang đến chỗ ăn uống. Họ tin rằng đó là một cách hay để vẫn vui mà không say!.
Nhưng thực sự thì tất cả các “bài” trên, qua mấy ngày đầu thực hiện các quy định mới về kiểm tra, xử phạt người điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng bia rượu, đều không hiệu quả. Những người khóa cửa xe vẫn bị xử phạt, cộng thêm lỗi không chấp hành hiệu lệnh của cảnh sát giao thông.
Các viên uống giải rượu cũng không có tác dụng làm giảm cơn say. Các bác sĩ đã nói rằng, nó có tác dụng khiến người uống bia rượu ham uống nhiều hơn. Còn các bộ quần áo của người lái xe ôm chuyên nghiệp cũng chẳng giấu được bộ dạng khác thường của những người đã chuếnh choáng men say.
Mới 2 ngày đầu, theo thống kê của Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an, đã có trên 600 người bị xử phạt vì vi phạm nồng độ cồn với số tiền phạt lên tới trên 800 triệu đồng. Đây là một con số không nhỏ và với những mức xử phạt nặng hơn rất nhiều quy định trước đây: Có nhiều người bị phạt trên 30 triệu đồng và cao nhất đã phạt đến 40 triệu đồng, tước bằng lái xe 23 tháng… chắc đã khiến rất nhiều người khi bước vào quán, khi nâng ly uống, cũng phải nghĩ ngợi mà chùn tay đi ít nhiều.
Một số trường hợp khi bị xử phạt, cũng khiến chúng ta không thể không giật mình vì mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm. Ví dụ như những người đã say xỉn, nồng độ cồn vượt gấp nhiều lần quy định nhưng lại điều khiển ô tô trên… cao tốc. Đó thực sự là mầm mống của những thảm họa giao thông.
Việc kiểm tra, xử lý mạnh tay hơn trước nhiều lần với các trường hợp này thực sự là rất cần thiết để chấn chỉnh tình trạng đã uống bia, rượu vẫn lái xe, rất phổ biến ở ta, và trước nay vẫn là một nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông quá nhiều, nhiều vụ hậu quả rất nặng nề trong nhiều năm nay.
Đáng tiếc là trong mấy ngày hôm nay, vẫn có nhiều tiếng nói cho rằng các quy định về mức xử phạt mới đó là quá nặng. Trong khi trước đó, có khi nhiều người trong số họ đồng tình phải tăng nặng hình phạt đối với những người đã uống rượu, bia vẫn lái xe.
Người viết bài này cũng rất mong rằng, lực lượng cảnh sát giao thông sẽ duy trì được thường xuyên việc kiểm tra, xử phạt nghiêm minh với những vi phạm dạng này chứ không phải chỉ là một hoạt động có tính phong trào.
Quan trọng hơn là cần phải có hệ thống kiểm tra, giám sát để đảm bảo lực lượng cảnh sát giao thông cũng thực hiện đúng, nghiêm các quy định mới, không có tình trạng xin-cho, “cưa đôi”, nể nang… với người vi phạm.
Nếu như không làm được những điều này, e rằng, dù đã có Nghị định 100/CP, việc kiểm tra, xử phạt người tham gia giao thông có uống bia rượu lại giống như câu chuyện đánh trống, bỏ dùi mà thôi.
Dân Trí