Thỏa thuận quân sự ngầm giữa Campuchia với Trung Quốc có nguy cơ gây mất ổn định khu vực

Các quốc gia Đông Nam Á cần phải bày tỏ thái độ của mình trước tham vọng tăng cường sức mạnh quân sự lớn hơn của Trung Quốc ở khu vực, sau tin tức nước này đang thành lập căn cứ hải quân ở Campuchia, Nikkei nhận định.

Tạp chí Phố Wall vào tuần trước công bố một báo cáo, Trung Quốc và Campuchia đã ký một thỏa thuận bí mật xây dựng tiền đồn cho các lực lượng quân đội Trung Quốc. Thỏa thuận này trao cho Bắc Kinh độc quyền sử dụng trong 30 năm một phần Căn cứ Hải quân Ream, gần thành phố phía tây nam Sihanoukville, nơi Trung Quốc có thể lưu trữ vũ khí và neo đậu tàu hải quân.

Nếu báo cáo xác thực, thì hành động của Trung Quốc và Campuchia có thể gây mất ổn định trật tự khu vực nghiêm trọng, theo Nikkei, các quốc gia chịu ảnh hưởng cần yêu cầu một lời giải thích thỏa đáng từ cả Bắc Kinh và Phnom Penh.

Campuchia và Trung Quốc đều phủ nhận báo cáo này, nhưng việc một công ty Trung Quốc đang dẫn đầu một dự án phát triển lớn tại khu vực Dara Sakor, phía bắc thành phố Sihanoukville, đã làm dấy lên nghi ngờ về khả năng dự án được sử dụng cho quân sự. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence bày tỏ lo ngại về khả năng này trong một lá thư gửi Thủ tướng Campuchia Hun Sen vào tháng 11 năm ngoái.

Ông Hun Sen nhấn mạnh ông sẽ tuân thủ hiến pháp Campuchia, trong đó quy định rằng nước này “sẽ không cho phép bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào trên lãnh thổ của mình”. Nhưng những hình ảnh vệ tinh của một sân bay đang được xây dựng như một phần của dự án, đã để lộ ra một đường băng, đủ dài cho các máy bay lớn hạ cánh, cung cấp thêm nhiều bằng chứng cho những người hoài nghi.

Thỏa thuận với Campuchia có thể giúp Trung Quốc sử dụng độc quyền một phần của căn cứ hải quân Ream gần Sihanoukville. (Ảnh: Reuters)

Nằm đối diện Vịnh Thái Lan, với một cảng nước sâu tự nhiên, vị trí của thành phố Sihanoukville có ý nghĩa chiến lược. Nếu Trung Quốc thiết lập sự hiện diện quân sự ở đây, Bắc Kinh sẽ gia tăng ảnh hưởng của mình đối với Bán đảo Đông Dương, một diễn biến mà chắc chắn Thái Lan, Việt Nam và Malaysia, phải chuẩn bị đề phòng, Nikkei cho biết.

Một căn cứ như vậy sẽ giúp Bắc Kinh có đòn bẩy lớn hơn trong các tranh chấp lãnh thổ với các quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông, và có khả năng leo thang căng thẳng ở khu vực.

Nhật Bản cũng đã để mắt tới Sihanoukville, vốn nằm gần các tuyến đường biển quan trọng, bao gồm Eo biển Malacca. Nhật đã cung cấp vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) để tài trợ cho một công trình tại cảng thuộc sở hữu tư nhân trong thành phố như một sự kiểm tra, chống lại nguy cơ quân sự hóa của Trung Quốc.

Tuy nhiên, nếu thỏa thuận giữa Campuchia và Trung Quốc là có thật, Bắc Kinh đã đặt căn cứ ngay trước mắt Tokyo. Căn cứ quân sự này nằm cách cảng do Nhật Bản tài trợ chỉ khoảng 20km. Tờ Nikkei cho rằng Tokyo cần bày tỏ mối quan ngại của mình trực tiếp tới Phnom Penh, do Nhật Bản có nhiều thập niên quan hệ hữu nghị với Campuchia.

Quan trọng hơn, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng cần đóng một vai trò ở đây. Việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông và hiện diện ở Campuchia sẽ khó có thể đảo ngược một khi đã được tiến hành. Nếu các quốc gia bị ảnh hưởng không liên kết với nhau để theo dõi sát sao Bắc Kinh thì họ có thể phải trả giá đắt, tờ Nikkei nhận định.

Theo ĐKN