Thâm như Tàu: TQ vay World Bank ưu đãi 1% rồi cho các nước nghèo vay lại 6-7% để kiếm lời và khống chế chính quyền
Lãi suất cho các khoản vay của dự án Vành đai – Con đường có thể lên tới ‘6% đối với các nước nghèo đang phải vật lộn’ với Covid-19, trong khi Trung Quốc là con nợ lớn nhất của Ngân hàng Thế giới với mức lãi suất chỉ 1%. Trung Quốc lợi dụng tốt nguồn vốn giá rẻ từ các nước phát triển để cho vay kiếm lời cao tới các nước đang phát triển, đồng thời tăng cường kiểm soát địa chính trị và lan tỏa nền kinh tế tham nhũng khắp toàn cầu…
Giữa đống đổ nát tâm lý của cuộc khủng hoảng virus Corona Vũ Hán (Covid-19), các đối tác của Trung Quốc trong Sáng kiến Vành đai – Con đường (BRI) đang rơi vào “bẫy nợ” sớm hơn nhiều so với thời gian tạo “bẫy nợ” của sáng kiến này. Bản thân các quốc gia dính líu với BRI bình thường đã phải hứng chịu khoản vay có rủi ro cao và có nguy cơ sập bẫy nợ với Bắc Kinh sau 5 – 10 năm. Tuy nhiên, virus viêm phổi Vũ Hán đã rút ngắn thời gian chờ đợi này ngay khi các dự án BRI còn dang dở và chính quyền các nước đang túng thiếu tiền mặt chống lại sự bùng phát của chủng virus mới gây chết người. Điều đáng buồn hơn là nguồn tiền để Trung Quốc kiếm lời từ các nước nghèo lại đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) – được tài trợ bởi các nền kinh tế phát triển…
Các nước nghèo dính líu với BRI chịu thiệt đơn thiệt kép trong đại dịch
“Các nước nghèo, đồng nội tệ bị mất giá, dòng vốn ngoại tháo chạy khỏi biên giới, chi phí y tế ngày một lớn khủng khiếp, không có khả năng trả nợ BRI cho Trung Quốc”, Benn Steil và Benjamin Della Rocca, thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một cơ quan cố vấn có trụ sở tại New York, cho biết vào tuần trước.
“Mặc dù các nhà bình luận từ lâu đã ví BRI với Kế hoạch Marshall cho các quốc gia đang phát triển, hai sáng kiến này không thể khác biệt quá lớn. Quy mô tài chính có thể tương đương (viện trợ Marshall của Hoa Kỳ trị giá khoảng 145 tỷ USD hiện nay), nhưng sự tương đồng chỉ nằm ở các con số [mà không phải ở bản chất]”, hai chuyên gia này cho biết.
“Viện trợ của Marshall đều là các khoản tài trợ, trong khi quỹ của BRI – có lẽ khoảng 135 tỷ USD – gần như toàn bộ là các khoản nợ”, Steil và Rocca đã viết trong một bài bình luận trên tạp chí Foreign Affairs, có tựa đề Nợ Trung Quốc có thể khiến thị trường mới nổi nổ tung.
Được Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra vào năm 2013 trong sự phô trương ầm ĩ của truyền thông nhà nước Trung Quốc, dự án trị giá 1 nghìn tỷ USD này đã trở thành một phần mở rộng trong tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh.
Trung tâm của chương trình là một mạng lưới các đường cao tốc, được ví như ‘Con đường tơ lụa mới’, kết nối Trung Quốc với 70 quốc gia và 4,4 tỷ người trên khắp châu Á, châu Phi, Trung Đông và châu Âu trong một mê cung của cơ sở hạ tầng và các dự án công nghệ cao trị giá hàng tỷ USD.
Mặc dù dự án này rất lớn nhưng nó cũng là một đề tài gây tranh cãi. Năm 2018, Asia Times đã đưa tin về các rủi ro liên quan đến BRI.
‘Khủng hoảng nợ’ từ các dự án dở dang, lãi suất cao của BRI
Một nghiên cứu mang tên Nghiên cứu ẩn ý nợ của Sáng kiến Vành đai – Con đường, được Trung tâm Phát triển Toàn cầu phát hành năm 2018, tiết lộ rằng có 23 quốc gia có xu hướng gặp “khủng hoảng nợ” do tham gia vào sáng kiến BRI với Trung Quốc. Trong đó, các nền kinh tế Pakistan, Djibouti, Maldives, Lào, Mông Cổ, Montenegro, Tajikistan và Kyrgyzstan được phân loại thuộc nhóm “rủi ro cao”.
“Ví dụ như năm 2017, Pakistan đã vay ít nhất 21 tỷ USD từ Trung Quốc, số tiền này tương đương với 7% GDP của nước này. Nam Phi đã vay khoảng 14 tỷ USD, tương đương 4% GDP. Cả hai quốc gia, giống như nhiều quốc gia khác, nợ Trung Quốc nhiều hơn so với nợ Ngân hàng Thế giới”, Steil và Rocca xác nhận vào tuần trước.
“Các quốc gia khác còn nợ Trung Quốc nhiều hơn khi tính theo phần trăm GDP. Chúng tôi ước tính đến năm 2017, các khoản nợ của Djibouti đối với Trung Quốc chiếm tới 80% GDP của họ; còn khoản nợ của Ethiopia chiếm tới gần 20% GDP. Và Kyrgyzstan, một trong những quốc gia đầu tiên nhận được quỹ coronavirus của IMF, đã nợ Trung Quốc hơn 40% GDP”, họ nói thêm.
Tình hình tiếp tục xấu đi. Sau đó, một báo cáo được xuất bản bởi các học giả Harvard là Sam Parker và Gabrielle Chefitz vào năm 2018 đã minh chứng cho những nguy hiểm tiềm ẩn. Họ cảnh báo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tác động của những gì được coi là cho vay giá rẻ, gọi đó là “ngoại giao sách nợ”.
Gánh nặng nợ tăng gấp bội do virus viêm phổi Vũ Hán
“Kể từ năm 2013, Trung Quốc đã cung cấp gần một nửa số khoản vay mới cho các quốc gia được coi là có nguy cơ vỡ nợ cao. Khoản nợ đó hiện đang làm ‘nghẹt thở’ các quốc gia đang phát triển khi họ phải vật lộn để chống lại một đại dịch tàn khốc”, Steil và Rocca cho biết.
“Đối mặt với mối đe dọa hủy hoại tài chính, các nước nghèo đã chuyển sang các tổ chức tài chính đa phương như Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới”, họ nói thêm.
Năm ngoái, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã dứt khoát bác bỏ chỉ trích về rủi ro từ dự án BRI với Trung Quốc, và thậm chí cho rằng các dự án này mang lại cơ hội “phát triển bền vững” cho các nền kinh tế châu Phi. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn lớn tiếng chia sẻ với giới truyền thông rằng: “BRI không phải là một cái bẫy nợ mà một số quốc gia có thể rơi vào, mà là một miếng bánh kinh tế có lợi cho người dân địa phương. Nó không phải là một công cụ địa chính trị, mà là một cơ hội tuyệt vời để chia sẻ sự phát triển”.
Đây là cách tiếp cận chính thức của Bắc Kinh kể từ khi BRI được triển khai. Nhưng các số liệu thống kê không chứng minh được những gì Bắc Kinh nói là về BRI là đáng tin cậy, đặc biệt trong bối cảnh các nền kinh tế đang phát triển vừa phải vật lộn với virus vừa phải tìm kiếm nguồn tiền trả gánh nặng nợ gốc, lãi gốc khổng lồ từ các dự án BRI dở dang mà họ đã dính líu vào bởi tin tưởng Trung Quốc. Đã đến lúc Bắc Kinh cần nghiêm túc trả lời các câu hỏi có liên quan tới sáng kiến BRI quá nhiều tiếng xấu của mình.
Steil và Rocca, thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, đã nghiên cứu sâu vào các thỏa thuận tài chính giữa Trung Quốc và chính phủ các nước tham gia BRI và đã đưa ra một số con số đáng kinh ngạc:
Lãi suất cho các khoản vay các dự án BRI không hề dễ chịu như Bắc Kinh tuyên truyền, có thể từ 4% đến 6%/năm;
Mức lãi suất này cao hơn ba điểm phần trăm so với ‘chi phí vốn của chính các ngân hàng thương mại Trung Quốc’;
Đặt trong so sánh, Ngân hàng Thế giới cho các nước thu nhập thấp vay với lãi suất chỉ hơn 1%.
Trung Quốc vay vốn từ Ngân hàng Thế giới với lãi suất chỉ hơn 1%/năm và cho các nước nghèo vay lại qua BRI với lãi suất 4-6%/năm
“Trên thực tế, bản thân Trung Quốc chính là một trong những người đi vay lớn nhất của Ngân hàng Thế giới, với 16 tỷ USD dư nợ; nước này đang vay mượn giá rẻ một cách có hiệu quả từ các nước phát triển và cho vay lại, thông qua BRI, với một mức giá cao hơn đáng kể”, Steil và Rocca cho biết.
“Thay vì thêm vào tai ương của các nước [trong đại dịch Covid-19], Trung Quốc nên làm những việc trong phần của mình để giúp đưa các quốc gia này thoát khỏi cuộc khủng hoảng. Nó có thể bắt đầu bằng cách tuyên bố một lệnh hoãn trả nợ đối với các khoản vay BRI cho đến ít nhất là giữa năm 2021”, họ nói thêm.
Trở lại năm 2018, Chủ tịch Tập đã vẽ một bức tranh hoàn toàn khác. Ông gọi chương trình mơ ước của mình là “rộng mở” và “toàn diện”, khi ông tiết lộ một hình ảnh mới sáng sủa cho một kỷ nguyên tươi sáng của “sự hợp tác”.
“Vành đai và Con đường là một sáng kiến hợp tác kinh tế, không phải là một liên minh địa chính trị hay quân sự. Nó là một quá trình mở và toàn diện, và không phải để tạo ra các vòng tròn độc quyền hay là một câu lạc bộ Trung Quốc”, ông Tập nói trong một bài phát biểu quan trọng ở Bắc Kinh.
Tuy nhiên, đối với nhiều thành viên của BRI, đây quả thực là một “câu lạc bộ Trung Quốc”, nơi mà các khoản nợ không chỉ đơn giản là gánh nặng quốc gia mà còn là con bài để Trung Quốc mặc cả chính trị, tài nguyên, kiểm soát và lan tỏa nền kinh tế tham nhũng, hủy hoại môi trường tới mọi ngóc ngách mà nó đi qua.
Trung Quốc “lũng đoạn” Ngân hàng Thế giới (WB) như thế nào?
Đến lúc này, tất cả chúng ta buộc phải đặt câu hỏi cơ bản nhất: tại sao các nước phát triển lại để Trung Quốc lợi dụng nguồn vốn của họ thông qua WB để kiếm tiền và khống chế phần đa thế giới bằng BRI?
Câu trả lời là Trung Quốc đã thực sự thành công trong việc “lũng đoạn” Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các tổ chức chuyên môn thuộc Liên Hiệp Quốc, trong đó có WB. Đây là lý do khiến Trung Quốc có thể trở thành người đi vay lớn nhất của WB với dư nợ lên tới 16 tỷ USD. Trung Quốc đã dùng nguồn tiền giá rẻ này để thao túng phần còn lại của thế giới thông qua việc trở thành chủ nợ lớn nhất của thế giới.
Ông Peter Navarro, giám đốc Văn phòng Chính sách Thương mại và Sản xuất của Nhà Trắng, nói rằng: “Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã hoạt động rất, rất tích cực để cố gắng kiểm soát các tổ chức thuộc LHQ bằng cách đưa người của họ lên các vị trí lãnh đạo cao nhất. Tất nhiên TQ cũng sử dụng những người đại diện kiểu như Tổng giám đốc WHO Tedros, đại diện thuộc địa… để gây ảnh hưởng và thao túng các tổ chức khác. Chính phủ TQ đã kiểm soát 5 trong số 15 cơ quan chuyên môn”.
Theo báo cáo, có 15 cơ quan chuyên môn tại LHQ, 5 trong số đó là do TQ kiểm soát hoàn toàn, đó là: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp LHQ (FAO), Tổ chức Phát triển Công nghiệp (UNIDO), Liên minh Viễn thông Quốc tế LHQ (ITU), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Ngoài ra, các quan chức cấp cao của TQ đảm nhiệm các vị trí cao trong các tổ chức quốc tế còn có: Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới Dương Thiếu Lâm (Yang Shaolin); Phó Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Dịch Tiểu Hoài (Yi Xiaohuai); Tổng Thư ký Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Lâm Kiến Hải (Lin Jianhai) và Phó chủ tịch Trương Đào (Zhang Tao); Phó Tổng thư ký Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) Vương Bân Dĩnh (Wang Binying); và Trợ lý Tổng thư ký của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) Trương Văn Kiến (Zhang Wenjian).
Đầu tháng Tư năm nay, đại diện ngoại giao của TQ đã trở thành thành viên của Nhóm tư vấn Hội đồng Nhân quyền LHQ. TQ, Cuba và các quốc gia có hồ sơ nhân quyền kém đã kiểm soát Hội đồng Nhân quyền. Một thực tế không thể chối cãi là các ủy ban đặc biệt của LHQ đã rơi vào tay TQ.
Sự kiểm soát của Trung Quốc đối với WHO – một tổ chức chuyên môn thuộc Liên Hiệp Quốc – đã thổi bùng dịch bệnh toàn cầu. Do vậy, không khó để hiểu “sự lũng đoạn” của Trung Quốc trong nội bộ của WB đã giúp chính quyền nước này dịch chuyển dòng vốn ưu đãi giá rẻ một cách bất công bằng – đáng lẽ để dành cho các nước nghèo – về Trung Quốc và sử dụng nó để kiếm tiền và thao túng phần còn lại của thế giới, thay đổi bản đồ chính trị, địa chính trị toàn cầu.
(Theo Asia Times)