Tăng giá gấp đôi: Dân Hà Nội buôn đất Bắc Ninh ăn đậm
Nhiều khu công nghiệp lớn ở Bắc Ninh, Bắc Giang hay Vĩnh Phúc đang thu hút số lượng lớn công nhân tới làm việc, kéo theo đó nhu cầu mua đất để định cư cũng tăng lên nhanh chóng.
Đua nhau tăng giá
Phân khúc đất nền không chỉ nóng ở Hà Nội mà nhiều tỉnh xung quanh cũng có mức tăng đáng kể. Nhu cầu mua đất xây nhà gần các khu công nghiệp ngày càng tăng kéo theo đó mức giá cũng biến động mạnh.
Bắc Giang đang nóng lên với những diện đất giãn dân gần với các khu công nghiệp lớn dọc theo đường 1B (Bắc Giang Bắc Ninh Hà Nội), bởi tại đây tương lai sẽ hình thành một khu dân cư mới rất sôi động ăn theo sự phát triển của các khu công nghiệp. Nắm được xu hướng này, nhiều cò đất bắt đầu lùng sục những lô có vị trí đất đắc địa, gạ gẫm các nhà đầu tư.
Theo như cò đất Tú Anh thì, khu đất giãn dân gần khu công nghiệp Quang Châu (Việt Yên Bắc Giang) đang dao động từ 15-19 triệu đồng/m2. Tùy theo lô, nếu như lô dưới 60m2, hợp túi tiền nhà đầu tư sẽ được đẩy giá lên đến 20 triệu đồng/m2. Diện tích này rất hợp cho đầu tư xây nhà để ở hoặc có thể đầu cơ ngắn hạn, sinh lời cao, có tính thanh khoản tốt.
Đối với những lô lớn, diện tích gần 200m2, vị thế đắc địa nằm trên trục đường lớn, có nhiều mặt tiền, thường dành cho các đối tượng nhà đầu tư dài hạn, như xây khách sạn, nhà nghỉ,… đang được giao bán với giá 17 triệu đồng/m2.
Một nhà đầu tư tên Trường ở thành phố Bắc Giang phân tích, khu công nghiệp Quang Châu là nơi đắc địa của tỉnh Bắc Giang, giáp với thành phố Bắc Ninh. Công nhân của khu công nghiệp từ nhiều địa phương khác nhau trong tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh đổ về làm, nhiều công nhân có ý định sinh sống lâu dài ở đây, tương lai khu dân cư ở quanh khu công nghiệp sẽ phát triển đông đúc. Nên đầu tư dịch vụ ở khu vực này cũng rất triển vọng.
“Tôi đang có một lô 3 mặt tiền, muốn mua mấy lô kế bên để mở rộng diện tích, sau đó sẽ xây nhà hàng dịch vụ kèm theo Karaoke…”, anh này bật mí.
Không chỉ khu công nghiệp Quang Châu, đất giãn dân cạnh khu công nghiệp mới Vân Chung (Việt Yên Bắc Giang), cách thành phố Bắc Giang 10km, sôi động cũng không kém, khi đang chào bán ở mức 15-20 triệu/m2.
Đầu cơ thao túng, người mua gặp khó
Tại Vĩnh Phúc, thông tin thị xã Phúc Yên chính thức lên thành phố từ tháng 2/2018 khiến bất động sản khu vực này trở thành điểm “nóng” đầu tư cho giới đầu tư. Xét thời điểm từ cuối năm 2017 đến nay, bất động sản Vĩnh Phúc tiếp tục tăng trưởng và tăng dần đều cả về giá cả. Mức tăng lên gấp 1,2 2 lần so với nửa cuối năm ngoái. Rất nhiều nhà đầu tư mà phần đông đến từ Hà Nội đã có được lợi nhuận lớn nhờ đầu cơ, lướt sóng đất nền.
Số lượng giao dịch với mức giá bình quân từ 800 trăm triệu đến 1,2 tỷ đồng/lô. “So với thời điểm này năm trước, số lượng giao dịch thành công của chúng tôi tăng gấp 3-4 lần”, một môi giới bất động sản cho hay. Số lượng khách hàng giao dịch khá nhiều nhưng trong số đó tỷ lệ khách đầu cơ và mua đi bán lại cũng chiếm phần lớn.
Báo cáo thị trường vừa công bố do Hội môi giới bất động sản Việt Nam thực hiện cũng cho biết, bất động sản tại TP Hưng Yên (khu vực Phố Nối), TP Bắc Ninh, Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Nguyên,… trở nên nóng hơn từ cuối năm ngoái.
Một loạt dự án mới được ra mắt với sự tham gia của các nhà đầu tư lớn như Hòa Phát, TNR và các nhà đầu tư nhỏ hơn như Lạc Hồng Phúc, Vạn Thuận Phát,… trong đó một số khu vực đã có tỷ lệ thanh khoản tới 70-80%.
Ngay cả các địa phương chưa có nhiều dự án ra mắt ngay quý I như Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Lào Cai,… cũng không đứng ngoài cuộc. Tại khu vực này, các chủ đầu tư đang hoàn thành pháp lý dự án, chuẩn bị công tác giải phóng mặt bằng, triển khai hạ tầng để ra mắt sản phẩm trong quý tới.
Ông Nguyễn Đức Hiển, Trưởng phòng kinh doanh của Savills Việt Nam, nhận định, giá đất tăng tại các tỉnh có khu công nghiệp là tất yếu. Ông Hiển lấy dẫn chứng, trước khi Samsung đầu tư vào Thái Nguyên thì có ai quan tâm đến mua đất nền ở Thái Nguyên đâu. Nhưng Samsung đầu tư vào đây tỷ đô, tất nhiên kéo theo số lượng chuyên gia, công nhân đến đó làm rất đông, tới mấy chục ngàn người.
Điều này sẽ phát sinh ra nhu cầu hàng ngày, từ nhu cầu thiết yếu trước mắt rồi đến nhu cầu dân sinh sau đó. Tất cả những cái đó cấu thành nên các cửa hàng, nhà hàng, dịch vụ tiện ích để cung cấp cho những người đang làm việc tại khu công nghiệp đó ngày một tăng lên.
Ông Hiển cho rằng, những dự án đất nền nằm trong các khu vực có quy hoạch, có định hướng về phát triển trong tương lai, kết nối hạ tầng giao thông có thể tiếp cận được thì đấy mới là khu vực đất nền có khả năng tăng giá.
Việc cò đất thao túng giá khiến những người có nhu cầu thực gặp khó khăn. Câu chuyện của vợ chồng anh Hòa chị Hiền (Yên Dũng Bắc Giang), công nhân tại khu công nghiệp Vân Chung là một ví dụ. Hai vợ chồng có ý định mua đất xây nhà ở khu giãn dân để tiện cho sinh sống và làm việc lâu dài ở khu công nghiệp.
Trước Tết Nguyên đán vừa qua, do giá đất “chao đảo” nên nhiều lần anh chị bị chủ đất và cò đất đánh tháo, không thể mua nổi. “Có hơn 1 tỷ hồi môn của hai gia đình gom lại để mua đất nhưng ‘bó tay’. Ngay cả chủ đất họ cũng mất định hướng về giá, một phần do cò đất thao túng, chính vì vậy họ nhiều lần đánh tháo”, anh Hòa cho hay.
Duy Anh Tuấn Linh