Sau đổi tiền, đất nước Venezuela rơi vào tình trạng “tê liệt”
Đồng tiền Bolivar mới bỏ đi 5 số 0 so với tiền cũ đã chính thức đi vào lưu thông từ ngày thứ Ba (21/8). Kết quả là, gần như toàn bộ đất nước Venezuela rơi vào tình trạng “tệ liệt” khi nhiều doanh nghiệp đóng cửa, lao động ở nhà và tiền mới cũng bị hạn chế rút.
Theo BBC, hôm thứ Ba (21/8), ngày làm việc đầu tiên sau khi đồng “Bolivar chủ quyền” được chính thức phát hành, hàng ngàn doanh nghiệp đã đóng cửa để thích ứng với đồng tiền mới, và nhiều công nhân nghỉ ở nhà.
Tổng thống Nicolas Maduro đã chính thức cho phát hành tiền mới vào thứ Hai (20/8) với giá trị giảm 96% và đổi tên từ “Bolivar mạnh mẽ” thành “Bolivar chủ quyền”. Chính quyền Xã hội chủ nghĩa cũng cho người dân được nghỉ lễ vào ngày 20/8 nhân sự kiện đổi tiền này.
Chính quyền Maduro tuyên bố rằng động thái đổi tiền này sẽ giúp đẩy lùi lạm pháp, nhưng các nhà phê bình nhận định điều này có thể làm cho cuộc khủng hoảng kinh tế tại quốc gia thành viên OPEC càng trầm trọng thêm.
Đồng tiên mới bỏ đi 5 số 0 so với đồng “Bolivar mạnh mẽ” trước đây, có nghĩa rằng một tách café tại thủ đô Caracas trị giá 2,5 triệu Bolivar mạnh mẽ vào tháng trước, hiện nay sẽ có giá 25 Bolivar chủ quyền.
Theo ghi nhận của phóng viên BBC có mặt tại Caracas, chính quyền cũng hạn chế không cho người dân rút nhiều tiền mặt. Hôm thứ Ba (21/8), người dân phản ánh với báo giới rằng họ chỉ rút được 10 Bolivar mới từ máy rút tiền. Trong khi đó, thị trường chợ đen mua bán đồng USD thậm chí đã đóng băng sau khi tiền Bolivar mới chính thức đi vào lưu thông.
Cùng với việc phát hành tiền mới, chính quyền Xã hội chủ nghĩa cũng áp dụng nhiều chính sách tiền tệ đi kèm như từ ngày 1/9 tăng lương tối thiểu lên 34 lần so với mức trước đây (trước đó BBC thông tin tăng lương tối thiểu gấp 60 lần), tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) và cắt giảm trợ cấp nhiên liệu.
Tổng thống Maduro cũng nói rằng đồng Bolivar chủ quyền sẽ được gắn với đồng Petro – một loại tiền ảo mà chính quyền Venezuela phát hành hồi tháng Hai và tuyên bố liên kết với trữ lượng dầu mỏ phong phú của đất nước Mỹ La-tinh này.
Tuy nhiên, đồng Petro gần như không có giá trị lưu thông trên thị trường quốc tế. Mỹ đã ra lệnh cấm công dân của họ mua bán đồng tiền này và một trang web chuyên về tiền ảo, ICOindex.com, thậm chí đã gắn nhãn đồng tiền ảo Petro là “lừa đảo”.
Chuyên gia kinh tế Luis Vicente León nói với hãng tin AFP rằng “gắn đồng Bolivar với đồng Petro có nghĩa là chẳng gắn vào thứ gì cả”.
Theo ghi nhận của BBC, trong ngày tiền Bolivar mới lưu thông không xảy ra hoạt động biểu tình hoặc bạo động đáng kể, tuy nhiên hoạt động an ninh trên khắp cả nước cũng được chính quyền Xã hội chủ nghĩa tăng cường hơn.
Mặc dù Tổng thống Maduro đã nói rằng biện pháp đổi tiền là cứu tinh cho nền kinh tế và giúp đẩy lùi đại lạm phát, nhưng thường dân Venezuela không tin điều đó, họ lo lắng cho tương lai đất nước, thậm chí đặt áp lực lớn hơn cho cả các nước láng giềng khi làn sóng dân Venezuela trốn chạy ra nước ngoài ngày càng tăng lên.
(Theo BBC)