Quốc gia nếm “trái đắng” vì đập thủy điện 1,7 tỷ USD Trung Quốc xây
Một con đập khổng lồ được kỳ vọng sẽ giúp Ecuador thoát khỏi sự nghèo đói, nhưng nó lại tạo thành một bê bối quốc gia.
Theo New York Times, đập Coca Codo Sinclair nằm gần ngọn núi lửa Reventador đang hoạt động, với những cột tro bụi bốc lên trời.
Các quan chức đã cảnh báo về con đập từ hàng thập kỷ. Các nhà địa chất cảnh báo một trận động đất có thể cuốn phăng con đập.
Chỉ 2 năm sau khi đưa vào hoạt động, hàng ngàn vết nứt được ghi nhận bên trong con đập. Hồ chứa bị tắc với phù sa, đất cát và cây cối. Lần cuối cùng các kỹ sư cố gắng vận hành con đập, nó trở nên rung lắc dữ dội và gây mất điện trên diện rộng.
Con đập khổng lồ nằm trong rừng này do Trung Quốc tài trợ và xây dựng, từng được Ecuador kỳ vọng là có thể giải quyết vấn đề năng lượng và đưa quốc gia Nam Mỹ này vượt qua nghèo khó.
Rơi vào bẫy nợ của Trung Quốc
Giờ đây, con đập trở thành bê bối quốc gia, nhấn chìm Ecuador trong những khoản nợ khổng lồ và ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.
Gần như hầu hết các quan chức cấp cao Ecuador có liên quan tới quá trình xây con đập đều đã ngồi tù hoặc bị cáo buộc tham nhũng, nhận hối lộ. Danh sách trên bao gồm cả những nhân vật cấp cao như cựu phó tổng thống, cựu bộ trưởng năng lượng và ngay cả cựu quan chức chống tham nhũng, đóng vai trò giám sát dự án.
Tính đến nay, Ecuador đã nợ Trung Quốc tới 19 tỉ USD, không chỉ bởi con đập, mà còn cả dự án xây cầu, đường cao tốc, trường học, bệnh viện…
Nhưng không quá quan trọng rằng Ecuador có trả được nợ hay không. Vì Trung Quốc kiểu gì cũng có lời, theo New York Times.
Để giải quyết một phần các khoản nợ, Ecuador đã chấp nhận cho Trung Quốc 80% sản lượng dầu khí mà nước này khai thác được. Trung Quốc mua được dầu với giá rẻ rồi bán lại để thu lợi nhuận.
Trả nợ bằng dầu cũng buộc Ecuador phải khai thác sâu hơn đến khu vực Amazon, dấy lên nguy cơ phá rừng hàng loạt.
Chưa dừng lại ở đó, để đối phó với các khoản nợ, Tổng thống Lenín Moreno đã phải thắt chặt chi tiêu của nền kinh tế, giảm 1.000 việc làm trong các cơ quan chính phủ.
“Trung Quốc đã lợi dụng Ecuador”, Bộ trưởng năng lượng Ecuador Carlos Pérez nói. “Chiến lược của Trung Quốc đã rõ. Họ muốn kiểm soát kinh tế nhiều nước”.
Cách đây hàng thập kỷ, Trung Quốc xuất hiện ở Nam Mỹ như một vị cứu tinh, với những lời hứa “đối xử công bằng”, xóa tan sự chi phối của Mỹ.
Điều này dĩ nhiên đã có tác dụng. Trung Quốc hiện nay là đối tác thương mại hàng đầu Nam Mỹ. Các khoản đầu tư, cho vay của Trung Quốc ít nhiều đã khiến các quốc gia Nam Mỹ quay lưng với Đài Loan.
Những hệ quả lâu dài
Nhưng những gì xảy ra với con đập trị giá 1,7 tỉ USD ở Ecuador cho thấy, hai quốc gia khó lòng có thể là đối tác ngang bằng. Ecuador gần như không còn cách nào khác ngoài việc phải vay thêm tiền từ Trung Quốc để khỏa thấp các khoảng trống.
Mới tháng này, ông Moreno đã bay đến Trung Quốc để thảo luận về các khoản nợ, và vay thêm 900 triệu USD.
Khi dự án xây đập hoàn tất năm 2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bay sang Ecuador để dự lễ khánh thành. Hai ngày trước chuyến thăm, con đập đã gặp sự cố.
Các kỹ sư cố gắng tăng sản lượng điện lên mức tối đa, tương đương 1.500 megawatt nhưng cả công trình thủy điện và cả mạng lưới điện Ecuador đều không thể chịu được. Các thiết bị truyền tải điện rung lên bần bật, hệ thống điện trục trặc gây ra mất điện trên diện rộng.
Thông tin này đã bị giấu nhẹm và cho đến tận ngày nay, công trình thủy điện này chỉ hoạt động ở mức 50% so với sản lượng lớn nhất.
Dĩ nhiên, Ecuador vẫn phải trả nợ. Họ vay 1,7 tỷ USD từ ngân hàng Xuất Nhập khẩu Trung Quốc với mức lãi suất 7% trong 15 năm. Riêng tiền lãi trong năm nay, Ecuador phải trả 125 triệu USD.
Đó là chưa kể việc con đập đã từng gặp không ít vấn đề trong quá trình xây dựng. Đầu năm 2014, các kỹ sư phát hiện ra vết nứt trên các thiết bị thép không rỉ do Trung Quốc sản xuất. Tháng 12.2014, một bộ phận của đập vỡ tung khiến 13 công nhân thiệt mạng. Theo thống kê, trên toàn bộ con đập có tới 7.648 vết nứt lớn nhỏ, gây ảnh hưởng đến tuổi thọ của con đập về lâu dài.
Một kỹ sư gửi báo cáo lên cấp trên đã bị cho nghỉ việc mà không có một lời giải thích. Carlos Pólit, quan chức chống tham nhũng của chính phủ chỉ đưa ra những kết luận chung chung với khoản phạt tượng trưng cho nhà thầu Trung Quốc. Ông Pólit sau này đã bị bắt vì tội nhận hối lộ.
Cho đến nay, chính phủ mới của Ecuador đã đề ra các biện pháp nhằm giảm thiểu các khoản nợ, Nhưng họ còn vẫn nợ 11,7 tỉ USD trong khi tiếp tục vay thêm tiền từ Trung Quốc.
“Vấn đề là Ecuador vay nợ quá nhiều. Chúng tôi đã xây những thứ không cần thiết. Ví dụ như con đập trên”, cựu quan chức năng lượng Ecuador nói.
(Theo 24h)