Những nỗ lực xứng đáng được ghi nhận của Việt Nam sau cuộc gặp Mỹ – Triều

Chiều ngày 28/2, truyền thông thế giới trở nên “tĩnh lặng” hơn trước diễn biến khó đoán của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ -Triều Tiên lần 2 tại Hà Nội. Mỹ và Triều Tiên đã không đạt được bất cứ thỏa thuận chung nào trở thành một kết quả đầy tiếc nuối khi trước đó hy vọng được đặt ra là quá lớn. Dù thế, Việt Nam – “chủ nhà” tổ chức cuộc gặp giữa Mỹ – Triều Tiên vẫn xứng đáng nhận được những lời khen, sự nể phục của cả thế giới.

Mỹ Triều Tiên bắt tay nhau trong cuộc gặp tại Hà Nội

Sau đàm phán bất thành dù trước đó từng bắt tay và dành cho nhau những lời nhiệt thành, Tổng thống Mỹ Donal Trump ngay lập tức trở về nước trong khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Un tiếp tục ở lại Hà Nội để tiến hành chuyến thăm hữu nghị chính thức với Việt Nam.

Ngay từ khi vừa đặt chân đến cũng như trước khi ra về, Tổng thống Mỹ liên tục gửi lời cảm ơn đến Chính phủ Việt Nam đã bảo đảm an ninh tuyệt đối cho cuộc gặp thượng đỉnh cũng như cảm ơn người dân Việt Nam đã nồng nhiệt đón tiếp. Phải hiểu, người Việt Nam đã làm cho thế giới nể phục đến mức nào…

Hòa bình và thân thiện

Tất cả những bài phỏng vấn đối với phóng viên nước ngoài đến tác nghiệp tại Việt Nam trong thời điểm này đều ghi nhận lại được các “mỹ từ có cánh”. Họ không ngừng khen thủ đô Hà Nội thật yên bình, không những đẹp về cảnh sắc mà còn đẹp vì những người dân vô cùng thân thiện.

Hàng loạt các cửa hàng trên phố tại Hà Nội mở dịch vụ miễn phí thức ăn, nước uống cho phóng viên nước ngoài tác nghiệp tại Việt Nam. Các cửa hàng bán quần áo dành tặng cho phóng viên nước ngoài những chiếc mũ đỏ rực màu cờ đỏ sao vàng như một quà tặng lưu niệm đáng nhớ…. Nhiều phóng viên chia sẻ rằng họ chưa từng thấy nơi nào có những người dân thân thiện như ở Việt Nam vậy.

Dù tiếp cận ở bất kì góc máy nào, chúng ta vẫn thấy nụ cười luôn hiện hữu trên gương mặt nhà lãnh đạo này.

Trước khi sang Việt Nam, nhiều phóng viên quốc tế chia sẻ rằng họ khá lo ngại về điều kiện tác nghiệp khi ở Việt Nam. Tuy nhiên, khi đến đây, họ hoàn toàn bất ngờ trước trung tâm báo chí với đầy đủ cơ sở vật chất tác nghiệp, mạng Internet được bảo đảm tốc độ rất cao,… Ai còn nói Việt Nam nghèo và “chậm” phát triển nữa không?

Nhìn lại, Việt Nam chỉ có duy nhất 10 ngày để chuẩn bị tất cả mọi thứ cho cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donal Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Un. Thật đáng tự hào, kết quả của sự chuẩn bị chỉ có 10 ngày ngắn ngủi ấy lại khiến tất cả không thể chê trách được điều gì.

Vẫn như thường lệ, các phái đoàn ngoại giao, các phóng viên quốc tế có thể tự do đi lại trên đường phố tại Việt Nam mà không hề gặp bất cứ rắc rối nào về tình hình an ninh. Liên tục trong nhiều ngày, lực lượng Công an, quân đội túc trực 100% để bảo đảm sự an toàn gần như đến mức tuyệt đối. Điều mà không phải bất cứ quốc gia nào cũng có thể làm được. Chẳng thế mà, lần đầu tiên trong lịch sử, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-Un có hành động hạ kính ô tô bảo vệ để vẫy tay chào những người dân Việt Nam bên đường (đây là một hành động mất an toàn mà trước nay ông chưa từng làm khi đến các quốc gia khác). Tất cả những điều đó như càng khẳng định mạnh mẽ hơn cho con số 20 năm Hà Nội được UNESSCO công nhận là “thành phố vì hòa bình”.

Thế giới đánh giá cao vai trò của Việt Nam qua việc tổ chức
Hội nghị Thượng đỉnh
Mỹ-Triều lần 2.

Luôn mong đóng góp vào sự hòa bình chung

Trước cuộc gặp Mỹ, Triều Tiên, nhiều nguồn tin không tin cậy trên mạng xã hội liên tục cho rằng người dân Việt Nam sẽ chỉ chào đón Tổng thống Mỹ và sẽ không dành sự thiện cảm cho Chủ tịch Triều Tiên. Mục đích của những nguồn tin này không gì khác ngoài việc làm nhiễu loạn nguồn thông tin cũng như làm xấu đi hình ảnh của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh những điều ngược lại. Dọc khắp các tuyến đường, cờ Việt Nam, cờ Triều Tiên, cờ Mỹ được treo chung như lời khẳng định cho sự liên kết của một thông điệp hòa bình. Người dân tập trung đông đúc hai bên đường mỗi khi đoàn xe của các lãnh đạo Mỹ, Triều Tiên đi qua, và cùng gửi lời chào đến họ như những vị khách thật đặc biệt.

Cho đến lúc này, mọi sự chuẩn bị, đón tiếp của Chính phủ, người dân Việt Nam đối với các phái đoàn Mỹ, Triều Tiên cũng như tất cả phóng viên quốc tế đều vì mục đích chung hướng tới thành công của cuộc gặp giữa Mỹ – Triều Tiên, vì nền hòa bình chung của cả thế giới. Cho đến khi Mỹ – Triều Tiên không đạt được bất cứ thỏa thuận chung nào Việt Nam với vị thế “chủ nhà” vẫn lên tiếng chia sẻ quan điểm mong hai bên tiếp tục kiên trì đối thoại.

Khắp các trang mạng xã hội, người dân Việt Nam cũng bày tỏ tiếc nuối về kết quả của cuộc gặp Mỹ – Triều Tiên, nhưng nhìn chung, đa số đều tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn. Đáng chú ý, người Việt Nam cũng rất hoan nghênh để chào đón nếu Mỹ, Triều Tiên tiếp tục chọn Việt Nam là nơi để gặp gỡ trong tương lai.

Đến cuối, những đóng góp của Việt Nam cho cuộc gặp Mỹ – Triều Tiên nói riêng và cho nền hòa bình thế giới nói chung lúc này là không thể không ghi nhận. Nó xuất phát từ một quốc gia hòa bình tuyệt đối, yêu hòa bình tuyệt đối và đang vươn lên mạnh mẽ để khẳng định vững chắc vị thế của mình trên bản đồ thế giới. Tự hào Việt Nam.

Thiên Minh (Bút Danh)