Ngoại trưởng Anh cảnh cáo Trung Quốc đừng mong “kinh doanh bình thường” sau dịch Covid-19
Ông Dominic Raab nói rằng, Trung Quốc không thể trở lại “hoạt động kinh doanh bình thường” với Anh sau khủng hoảng Covid-19 và cộng đồng quốc tế muốn câu trả lời từ Bắc Kinh về cách xử lý dịch bệnh. Đây là một trong nhiều dấu hiệu cho thấy London đang có lập trường cứng rắn về cách Bắc Kinh xử lý sai dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán.
Phát biểu trong buổi họp báo tại London hôm 16/4, Ngoại trưởng Raab cho hay: “Tuyệt đối cần phải xem xét mọi thứ rất rất kỹ lưỡng sau sự kiện này và đánh giá các bài học, trong đó có bài học về bùng phát virus corona. Tôi không tin chúng ta có thể bỏ qua tất cả điều đó.”
Bình luận của Ngoại trưởng Anh đến vào thời điểm Mỹ đang gia tăng chỉ trích chế độ Trung Quốc thiếu minh bạch về đại dịch virus Vũ Hán. Thời điểm này, nhiều nhà lập pháp Mỹ đang thúc giục Bắc Kinh phải chịu trách nhiệm về việc họ che giấu dịch bệnh khiến virus lây lan ra toàn cầu.
Khi được phóng viên hỏi liệu Anh có “tính toán” với Bắc Kinh sau khi cuộc khủng hoảng sức khỏe này kết thúc, ông Raab nói: “Chắc chắn chúng tôi không thể kinh doanh bình thường [với Trung Quốc] sau cuộc khủng hoảng này, và chúng tôi sẽ phải đặt ra những câu hỏi nghiêm túc về việc virus đã lây lan như thế nào và đáng lẽ phải làm như nào để ngăn chặn virus lây lan từ sớm hơn”.
Trước đó, hôm 15/4, chính quyền Trump đã xác nhận họ đang điều tra nguồn gốc dịch viêm phổi Vũ Hán, trong đó cần xác minh xem liệu virus này có phải đã rò rỉ ra từ một phòng thí nghiệm đặt tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc hay không.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh Fox News hôm 15/4 đã nói rằng Mỹ “đang làm việc hết sức” để xác định xem virus corona có nguồn gốc từ đâu và nó đã lây lan như thế nào.
“Chính quyền Trung Quốc cần phải nói rõ sự thật và phải chịu trách nhiệm”, ông Pompeo nói. “Họ cần phải giải thích điều gì đã xảy ra và tại sao lại xảy ra trường hợp thông tin đó đã không được cung cấp rộng rãi hơn”.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên trong buổi họp báo tại Bắc Kinh hôm 16/4 lại nói rằng các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) “đã nhiều lần tuyên bố không có bằng chứng cho thấy virus corona chủng mới đã được tạo ra trong phòng thí nghiệm”.
Ngoài Nội các của Thủ tướng Boris Johnson, các thành viên của Đảng Bảo thủ cầm quyền thời gian qua cũng đã kêu gọi đánh giá lại mối quan hệ của Anh với Trung Quốc vì cách chế độ Bắc Kinh xử lý đại dịch virus Vũ Hán.
Nghị sĩ William Hague từng là lãnh đạo Đảng Bảo thủ và Ngoại trưởng Anh cho biết nước Anh không thể phụ thuộc Trung Quốc về công nghệ vì cuộc khủng hoảng hiện tại đã chứng minh rằng Bắc Kinh “không chơi theo luật của chúng ta”.
Trong khi đó, cựu giám đốc MI6 (cơ quan tình báo Anh), Sir John Sawer hôm 15/4 nói với BBC rằng chế độ Trung Quốc đã che giấu thông tin rất quan trọng về dịch bệnh ban đầu và họ cũng đang “tránh né” trách nhiệm gây ra đại dịch này.
Tháng trước, tờ Daily Mail dẫn theo các nguồn tin giấu tên trong chính phủ Anh cho biết các bộ trưởng đang thúc đẩy việc đánh giá lại mối quan hệ Anh – Trung Quốc và ép Thủ tướng Johnson phải chặn thỏa thuận cho phép Huawei Trung Quốc tham gia xây dựng phần lớn mạng 5G tại Anh.
Từ tháng Một, chính phủ Anh đã bị chỉ trích mạnh mẽ khi họ cho phép Huawei đóng vai trò giới hạn trong việc xây dựng mạng 5G của Anh. Đặc biệt, các quan chức Mỹ đã cảnh báo chính phủ Anh rằng động thái của họ đã gây nguy hại cho an ninh quốc gia.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc phỏng vấn với Financial Times đăng hôm 16/4, đã nói rằng có nhiều vấn đề liên quan tới cách Bắc Kinh xử lý dịch bệnh.
“Chúng ta không quá ngây thơ tới mức nói rằng họ đã xử lý điều này tốt hơn nhiều”, ông Macron nói về cách Trung Quốc ứng phó với dịch viêm phổi Vũ Hán.
“Chúng ta không biết. Rõ ràng có những điều đã xảy ra mà chúng ta không được biết”, ông Macron nói thêm.
Theo VietNamnet