Ngành An ninh quốc phòng có thu nhập cao nhất
Theo nghiên cứu của TS. Trần Quang Tuyến – Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội), ngành An ninh quốc phòng có lợi tức cao nhất với mức thu nhập cao hơn 60% so với những người không học ngành này.
Viện Nghiên cứu cao cấp về toán vừa tổ chức hội thảo “Ước tính tỷ suất sinh lợi và chi phí đơn vị trong giáo dục đại học Việt Nam”.
Tại hội thảo, TS. Trần Quang Tuyến – Trường ĐH Kinh tế, ĐHQG Hà Nội đã đưa ra báo cáo phân tích về lợi ích của việc học đại học, so sánh mức thu nhập giữa người học đại học với người không học đại học và giữa những người học đại học với nhau.
Phân tích của nhóm TS. Tuyến dựa trên quy luật thống kê số lớn, với dữ liệu dựa trên khảo sát điều tra lao động việc làm trên cả nước quý 1/2018 do Tổng cục Thống kê cung cấp.
Báo cáo chỉ ra cứ mỗi năm đi học, mức thu nhập theo giờ của người lao động tăng thêm khoảng 6 – 7%. Tuy nhiên, mức lợi tức giáo dục cho cá nhân này của Việt Nam thấp hơn so với thế giới (khoảng 10%) và thấp hơn nhóm nước có thu nhập trung bình thấp (8,9%).
Bên cạnh đó, người có bằng cấp cao hơn thì có thu nhập cao hơn đáng kể. Cụ thể, so với những người không hoàn thành tiểu học thì những người có trình độ từ tiểu học cho tới sau đại học sẽ tăng từ 80 – 102%.
Nghiên cứu cũng tính toán được mức độ sinh lợi cá nhân của từng ngành học. Cụ thể, ngành An ninh quốc phòng có lợi tức cao nhất với mức thu nhập cao hơn 60% so với những người không học ngành này. Ngành nông nghiệp có mức sinh lợi rất thấp, còn ngành sư phạm có mức lợi tức thấp hơn nhiều ngành, chỉ cao hơn ngành nông nghiệp.
“Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào mức lương thì ngành Sư phạm thuộc nhóm thấp, nhưng khi kiểm soát thêm những đặc điểm khác của người lao động như giới tính, tuổi nghề, vùng miền, mức sống… thì thu nhập của người học Sư phạm không thấp như chúng ta nghĩ” – TS. Tuyến khẳng định.
TS. Tuyến cũng cho biết các phân tích, so sánh phải thực hiện trên thống kê lớn, mức trung bình và cùng phân vị.
“Ví dụ, khi so sánh thu nhập của người học đại học và người không học đại học thì phải nhóm 10% giàu nhất của người học đại học với nhóm 10% giàu nhất của người không học đại học, chứ không phải so sánh nhóm nghèo nhất của học đại học với nhóm giàu nhất của không học đại học thì kết quả sẽ không thuyết phục” – TS. Tuyến nói.
Từ đó, TS. Tuyến khẳng định ở mọi phân vị, những người học đại học và sau đại học đều có thu nhập cao hơn những người không học, hoặc học trình độ thấp hơn.
Theo TS. Tuyến, so sánh này không tính đến tác động của giới tính, kinh nghiệm làm việc, nơi sinh sống cũng như khu vực sinh sống.
(Theo TTVN)