Mỹ xem xét trừng phạt Trung Quốc vì ‘gi.ế.t người cấp độ một’ khi trục lợi từ đại dịch
Chính phủ Mỹ đang xem xét trừng phạt Trung Quốc vì đã lợi dụng chuỗi cung ứng toàn cầu để trục lợi các thiết bị y tế.
Các nhà sản xuất thiết bị y tế hàng đầu của Mỹ cho biết, chính quyền Bắc Kinh đã cấm xuất khẩu các sản phẩm do họ sản xuất tại Trung Quốc, theo New York Post đưa tin hôm 5/4.
Cấm xuất khẩu đồ y tế của Mỹ sản xuất tại Trung Quốc
Lãnh đạo các hãng 3M và Honeywell báo cáo với Nhà Trắng rằng, chính phủ Trung Quốc đã bắt đầu cấm việc xuất khẩu các mặt hàng y tế bảo hộ cá nhân được sản xuất tại Trung Quốc từ tháng 1/2020. Các mặt hàng bị cấm xuất khẩu bao gồm: mặt nạ N95, giày cao cổ, găng tay và các vật tư khác. Chính quyền Trung Quốc đã mua lại theo mức giá bán buôn tiêu chuẩn của các nhà sản xuất, nhưng cấm họ bán các mặt hàng quan trọng cho bất kỳ ai khác.
Trung Quốc cũng nhập khẩu 1,2 tỷ đô la vật tư phòng chống và kiểm soát dịch bệnh từ cuối tháng 1 đến hết tháng 2, bao gồm hàng tỷ khẩu trang và hàng chục triệu mặt hàng quần áo bảo hộ từ các quốc gia trên thế giới.
Theo New York Post, dữ liệu hải quan Trung Quốc chỉ ra rằng, các giao dịch tăng mạnh trên thị trường thế giới về các mặt hàng PPE như găng tay, kính bảo hộ và mặt nạ. Trong khi đó, Trung Quốc, nhà sản xuất PPE lớn nhất thế giới, lại đang hạn chế xuất khẩu.
Trục lợi từ các nhà sản xuất Mỹ
Bà Jenna Ellis, một cố vấn pháp lý của Nhà Trắng, nói với tư cách cá nhân: “Người dân đang chết. Khi Trung Quốc cố ý hành động “máu lạnh” như vậy, thì được coi như gi.ế.t người cấp độ một”.
“Họ đã khiến thế giới trở thành nạn nhân của dịch virus corona và bây giờ họ tiếp tục khiến thế giới trở thành nạn nhân một lần nữa thông qua việc trục lợi các mặt hàng bảo hộ y tế đang cấp thiết ở các quốc gia bị dịch bệnh tàn phá”, Jenna Ellis nói với Daily Wire.
Ông Michael Wessell, thành viên thuộc Ủy ban đánh giá kinh tế và an ninh liên bang Mỹ-Trung, đã đồng ý với những cáo buộc chống Trung Quốc. Ông cho biết, chính Trung Quốc đã khiến các chuyên gia y tế Mỹ bị thiếu đồ bảo hộ trong cuộc chiến chống đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
“Chúng tôi hiểu rằng chính quyền Trung Quốc đã tham gia vào các chính sách để củng cố quyền lực của mình và trục lợi từ các nhà sản xuất trên toàn thế giới. Vào thời điểm mà nhu cầu đang tăng lên để đối phó với khủng hoảng do đại dịch, Trung Quốc đã thu thập tất cả các sản phẩm”, ông Michael Wessell nói.
Ông Michael Wessell nhận định một số hành động mà Trung Quốc đã thực hiện “có lẽ là bất hợp pháp”.
“[Trung Quốc] đang sử dụng điều này để củng cố quyền lực mềm. Về cơ bản Trung Quốc biện minh rằng đó là một hành động nhân đạo khi cố gắng có thiện chí với người dân Mỹ. Trong khi một số vấn đề chúng ta đang đối mặt là hậu quả từ chính sách của họ”, ông Wessell nói thêm.
Buộc Ý mua lại đồ y tế đã tặng
Tin tức này được đưa ra sau khi nhiều trang thiết bị y tế mà Trung Quốc đã chuyển đi khắp thế giới nhưng bị lỗi hoặc kém chất lượng. Trung Quốc cũng buộc Ý phải mua lại các trang thiết bị y tế mà Ý đã hỗ trợ cho Trung Quốc vào thời điểm dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại Trung Quốc.
“Khi dịch viêm phổi Vũ Hán lây lan sang Ý, đất nước có dân số già đã chịu tác động nặng nề. Trung Quốc tuyên truyền với thế giới rằng sẽ tặng thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) để giúp Ý ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh”, theo trang Spector đưa tin.
Các báo cáo sau đó chỉ ra rằng Trung Quốc đã bán, không phải tặng, các thiết bị y tế bảo hộ (PPE) cho Ý. Một quan chức Mỹ nói với Spectator rằng điều tồi tệ hơn là: Trung Quốc buộc Ý phải mua lại nguồn cung PPE mà Ý đã cung cấp cho Trung Quốc trong giai đoạn đầu dịch corona bùng phát”.
Quan chức này cho biết, trước khi virus tấn công châu Âu, Ý đã gửi hàng tấn vật tư y tế đến Trung Quốc để giúp chống dịch. Trung Quốc sau đó đã gửi lại một phần, chứ không phải tất cả, các trang thiết bị của Ý và đã tính tiền các mặt hàng đó.
Thủ thuật chiến tranh mới
Trước đó, thiếu tướng Mỹ Robert Spalding, nói trong một cuộc phóng vấn với The Epoch Times rằng, trong khi thế giới đang phải vật lộn với khủng hoảng y tế ngày càng lan rộng, thì Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lại lợi dụng đại dịch này để mở rộng ảnh hưởng của mình trên phạm vi toàn cầu.
Vị thiếu tướng mô tả đây là “cuộc chiến không giới hạn” trên mọi phương diện. Một âm mưu mà các tướng lĩnh quân đội Trung Quốc vạch ra vào cuối những năm 1990 – cuộc chiến tranh không giới hạn – như ông giải thích trong cuốn sách của mình có tên “Stealth War: How China Took Over While America’s Elite Slept” (Tạm dịch: “Chiến tranh tàng hình: Trung Quốc bành trướng ra sao khi giới tinh hoa của Mỹ đang ngủ”). Trong đó đề cập đến việc sử dụng hàng loạt thủ thuật chiến tranh phi truyền thống để đạt được mục tiêu, mà không cần phải tham gia một cuộc chiến thực sự.
“Rất khó để mọi người có thể nắm bắt được sức mạnh của loại hình chiến tranh này bởi vì chúng ta đã quen hình ảnh chiến tranh truyền thống với máy bay, tàu chiến, bom đạn và xe tăng”, Robert Spalding nói.
Theo Lý Minh