Lỡ bắt rồi phải xử một tội nào đó?
Phó Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ Lê Thị Thu Ba phản ánh do chưa rõ nguyên tắc suy đoán vô tội mà có trường hợp lỡ bắt rồi nên phải xử, phải tuyên phạt cho tương xứng.
UB Thường vụ QH hôm nay thảo luận dự thảo bộ luật Tố tụng hình sự sửa đổi sau khi được ĐBQH cho ý kiến tại kỳ họp vừa rồi. UB Tư pháp QH cho rằng nội dung nguyên tắc “suy đoán vô tội” trong dự thảo còn chung chung, chưa đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp.
UB này muốn điều chỉnh thành: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định và có bản án kết tội của tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không có tội”.
Viện trưởng Viện kiểm sát NDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, bên cạnh nguyên tắc suy đoán vô tội, cơ quan soạn thảo còn bổ sung nguyên tắc xử lý có lợi cho đương sự.
“Nếu không có đủ căn cứ chứng minh là tội nặng thì phải quyết có tội nhưng tội nhẹ. Nếu không đủ ở khoản cao thì phải xử ở khoản thấp”, ông Nguyễn Hòa Bình nói.
Cũng lưu ý điểm này, Chủ nhiệm UB Pháp luật Phan Trung Lý muốn luật toát lên yêu cầu nguyên tắc suy đoán vô tội phải xuất phát từ suy nghĩ của tất cả những người tiến hành tố tụng, đặc biệt là điều tra.
“Từ khi điều tra phải chú ý đến những tình tiết ngoại phạm, bằng chứng không phạm tội. Đồng thời cấm hoặc tìm cách hạn chế chuyện ngay từ đầu đã ấn tượng, xác định đây là tội phạm, cố tình thu thập chứng cứ, củng cố hồ sơ để chứng minh có tội. Trong thực tiễn, những trường hợp không theo nguyên tắc này thường có vi phạm, dẫn đến oan sai, mà vụ Nguyễn Thanh Chấn là điển hình”, ông Lý nói.
Bà Lê Thị Thu Ba, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp TƯ, ủng hộ làm rõ nguyên tắc này trong bộ luật để khắc phục tình trạng phổ biến hiện nay là chỉ tập trung chứng minh tội phạm.
“Thậm chí có những trường hợp lỡ bắt rồi, vẫn phải xử một tội nào đó, tuyên một hình phạt nào đó cho tương xứng”, bà Thu Ba phản ánh.
Không để “góc tối” khi ghi âm, ghi hình hỏi cung
UB Tư pháp cũng tiếp thu ý kiến ĐB về sự cần thiết của việc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung để đảm bảo minh bạch, bảo vệ bị can, chống bức cung, nhục hình, bảo vệ người hỏi cung khỏi bị vu cáo.
Nhận thấy việc trang bị là hoàn toàn khả thi, dự thảo bộ luật được điều chỉnh theo hướng: “Việc hỏi cung bị can tại cơ sở giam giữ hoặc tại trụ sở cơ quan điều tra được ghi âm, ghi hình, trừ trường hợp do trở ngại khách quan mà không thể ghi âm, ghi hình được thì phải nêu rõ lý do trong biên bản hỏi cung”.
Ông Phan Trung Lý ủng hộ việc này, thậm chí yêu cầu thêm: Cần mở rộng phạm vi phải ghi âm, ghi hình đến mọi địa điểm có thể tiến hành điều tra, hỏi cung, bao gồm cả nơi ở của bị can.
“Dù biết là đa số điều tra viên là tốt, tuân thủ pháp luật nhưng vẫn cần dự liệu và có biện pháp ngăn ngừa, đề phòng. Đặc biệt là bố trí thiết bị ghi âm, ghi hình sao cho bao quát hết nơi hỏi cung, không để có những góc tối”, Chủ nhiệm UB Pháp luật QH nói.
Bà Thu Ba thì muốn nếu do trở ngại khách quan không ghi âm, ghi hình được thì ngoài việc ghi rõ trong biên bản về nguyên nhân, còn cần đảm bảo có mặt luật sư hoặc kiểm sát viên trong lúc hỏi cung.
Các biện pháp điều tra đặc biệt lại có những ý kiến khác nhau. Viện trưởng Nguyễn Hòa Bình cho biết trên thế giới có 11 biện pháp, nhưng liên quan đến quyền con người nên khi quy định vào bộ luật, VKS chỉ chọn 5 biện pháp phổ quát nhất mà cả LHQ cũng áp dụng.
Nhưng UB Tư pháp đề nghị chỉ giữ 3 biện pháp là ghi âm, ghi hình bí mật; nghe điện thoại bí mật; và thu thập bí mật dữ liệu điện tử. UB cũng đề nghị áp dụng các biện pháp này kể từ khi khởi tố vụ án.
Viện trưởng VKS NDTC không đồng tình: Có những trường hợp phải áp dụng trước khi khởi tố vụ án thì mới bắt được tội phạm, ví dụ trong các vụ bắt cóc tống tiền.
Chủ tịch HĐ Dân tộc Ksor Phước cũng lấy ví dụ các vụ án tham nhũng: Ngay khi có tin báo tố giác tội phạm rằng sắp có một cuộc trao đổi lớn, nếu áp dụng các biện pháp bí mật thì có thể bắt quả tang tội phạm.
Nên cho kiểm ngư quyền điều tra
Viện trưởng VKS NDTC Nguyễn Hòa Bình tiếp tục tha thiết đề nghị bổ sung thẩm quyền điều tra cho lực lượng kiểm ngư: “Biển thì mênh mông, bộ đội biên phòng chỉ ở sát bờ. Đã có cảnh sát biển nhưng kiểm ngư cũng là lực lượng được đầu tư rất tốn kém mà lại chưa có quyền tư pháp. Ngư dân Quảng Ngãi đi biển biết rõ ngư chính Trung Quốc có quyền bắt tàu nước ngoài lớn như thế nào”.
Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho biết thêm: Các nước Australia, New Zealand cũng cho kiểm ngư quyền hành lớn, thậm chí có thể truy tố, tịch thu, tiêu hủy các phương tiện phạm tội trên biển.
Do còn nhiều ý kiến khác nhau, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết dự thảo bộ luật Tố tụng hình sự sẽ tiếp tục được thảo luận ở hội nghị ĐBQH chuyên trách tháng sau.
(Theo Báo mới)