Lấy 1.500 tỷ từ ngân sách để xây nhà hát giao hưởng khóc cho dân bị mất đất, cho dân nghèo Thủ Thiêm
Nhà hát dự kiến có hai khán phòng với sức chứa 1.700 chỗ ngồi.
Ủy ban Nhân dân TP HCM vừa trình Hội đồng Nhân dân thành phố chủ trương xây Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2), tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng từ nguồn ngân sách.
Nhà hát được xây với quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ. Thành phố đánh giá công trình này thật sự cần thiết và cấp bách, là biểu tượng văn hóa, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của địa phương. Nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Giám đốc Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch (HBSO) cho biết so với tiêu chuẩn các nhà hát giao hưởng thế giới, quy mô công trình được trình lên Hội đồng Nhân dân ở mức trung bình. “Chúng tôi rất vui vì sau một thời gian dài, trải qua nhiều tranh luận, ấp ủ, dự án tâm huyết về một ngôi nhà cho dòng nghệ thuật hàn lâm ở TP HCM đã dần được hiện thực hóa qua động thái cụ thể”, ông Trần Vương Thạch chia sẻ.
Chủ trương xây nhà hát giao hưởng ở TP HCM đã có từ 20 năm trước. Năm 1993, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP HCM (HBSO) được thành lập. Đến năm 1999, thành phố dự kiến xây nhà hát tại số 23 Lê Duẩn, quận 1 (trụ sở Công ty Xổ số Kiến thiết thành phố) nhưng địa điểm được chọn không phù hợp. Đến cuối năm 2012, UBND TP HCM chấp thuận chủ trương xây nhà hát trong Công viên 23/9, quận 1. Công ty Busmann Haberer, Muller, Inros Lackner (Cộng hòa Liên bang Đức) là đơn vị tư vấn thiết kế. Công trình được giới hạn bởi các tuyến đường Tôn Thất Tùng, Lê Lai và Phạm Ngũ Lão, hướng chính nhìn ra chợ Bến Thành và dự kiến đưa vào sử dụng cuối năm 2015. Tuy nhiên, sau nhiều bàn cãi và phản đối của các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc, kế hoạch này lại một lần nữa không thực hiện được.
Trụ sở làm việc HBSO được bố trí tạm tại tầng hầm Nhà hát TPHCM (trực thuộc Trung tâm Tổ chức biểu diễn và Điện ảnh). Hiện, hầu hết các chương trình nghệ thuật hàn lâm ở TP HCM đều biểu diễn tại Nhà hát Thành phố (số 7 Công trường Lam Sơn, quận 1) – được người Pháp xây dựng từ năm 1898 với quy mô khoảng 500 chỗ ngồi. “Đơn vị chúng tôi phải thuê địa điểm của Nhà hát TP HCM, nhưng tình trạng bị kẹt lịch thường xuyên xảy ra do có quá nhiều nơi thuê điểm diễn này. Chưa kể, hoạt động của HBSO bị phân tán vì không có trụ sở ổn định, khi chuẩn bị những vở lớn hay các chương trình, chúng tôi đều phải đi thuê điểm tập”, ông Trần Vương Thạch cho biết.
(Theo VNExpress)