Kính thưa Bộ Giao thông: Máy bay về trễ!

Bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm với đất nước về thực trạng này, cụ thể nhất là không giải cứu được sân bay Tân Sơn Nhất.

Các báo đưa tin 15 tàu bay xếp hàng chờ cất cánh rời Tân Sơn Nhất ngày giáp Tết.

Không xếp hàng sao được vì Tân Sơn Nhất có hai đường băng song song nhưng không thể độc lập cất hạ cánh, mà phải chờ đường bên này máy bay hạ cánh an toàn, máy bay đường bên kia mới được cất cánh.

Điều này cho thấy, các hãng máy bay có nỗ lực đằng trời mà hạ tầng hàng không thế này thì chuyện delay sẽ còn tệ hại hơn. Không cần tới ngày Tết, bình thường cũng vậy thôi, lên tàu bay đúng giờ, nhưng chờ để được cất cánh mất cả tiếng đồng hồ.

Bị giam trên máy bay cả giờ, sốt ruột vì phải nhích từng mét từ sân đỗ ra đường băng, hành khách không phát điên mới là chuyện lạ.

Máy bay không cất cánh đúng giờ đương nhiên về trễ ở sân bay điểm đến, cho nên mới thường có thông báo xin quý khách thông cảm “máy bay về trễ”. Hành khách bức xúc vì mấy chữ rất “lạnh lùng” đó, nhưng đúng là không thể giải thích dông dài được. Các hãng máy bay chịu thiệt hại vì “máy bay về trễ”, cũng chẳng biết kêu ai và cũng chẳng dám kêu.

Các hãng hàng không chịu tiếng mang lời, nhưng phải chịu đựng. Vì họ chỉ cố gắng tổ chức thật tốt các công đoạn khai thác thuộc hệ thống của họ, còn những quy trình thuộc cảng hàng không thì ngoài tầm kiểm soát.

Ngay cả việc tư nhân muốn bỏ tiền đầu tư các dự án hạ tầng hàng không cũng không phải dễ.

Họp, họp và họp. Có không biết bao nhiêu cuộc họp bàn về giải cứu quá tải, ùn tắc trong sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng kết quả cũng là quá tải.

Tư nhân năng động, thêm nhiều hãng hàng không tham gia thị trường, đội tàu ngày càng tăng thêm, nhưng hạ tầng vẫn không cải thiện được nhiều.

Sân bay Tân Sơn Nhất với công suất 28 triệu khách nhưng năm 2019 phục vụ 40 triệu khách. Năm 2020 và những năm tới sẽ như thế nào chắc ai cũng lường trước được. Như vậy, chuyện máy bay xếp hàng chờ cất cánh không chỉ dừng lại 30 – 60 phút, mà có thể dài hơn, chuyện “máy bay về trễ” sẽ còn căng thẳng hơn.

Người dân đi máy bay ngày càng nhiều, đó là quy luật phát triển tất yếu. Nếu không xây dựng hạ tầng hàng không đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đồng thời tác động tích cực đến phát triển ngành hàng không và kinh tế của đất nước, thì đó là trách nhiệm của các nhà lãnh đạo.

Bộ Giao thông Vận tải phải chịu trách nhiệm với đất nước về thực trạng này, cụ thể nhất là không giải cứu được sân bay Tân Sơn Nhất.

(Nguồn: Lao động)