Hồng Kông : Do đâu người dân thắng được trận đấu chống dự luật dẫn độ ?
Dù phong trào đấu tranh chống dự luật cho phép dẫn độ qua Trung Quốc chưa chấm dứt, nhưng phải công nhận rằng trong cuộc đọ sức này, người biểu tình Hồng Kông đã giành được một chiến thắng rõ rệt, với việc trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga hôm 15/06/2019 phải đình chỉ vô thời hạn kế hoạch thông qua dự luật gây tranh cãi, sau hàng loạt cuộc xuống đường rầm rộ của người dân.
Câu hỏi được nhiều người đặt ra là do đâu mà lần này phong trào đòi dân chủ lại thành công, trong khi mà cách nay 5 năm, vào năm 2014, những cuộc biểu tình đòi dân chủ « Occupy Central » đã bị chính quyền thẳng tay đàn áp và hoàn toàn thất bại.
Giới phân tích đã nêu lên nhiều lý do, nhưng một trong những nguyên nhân được nhiều người nhấn mạnh là việc chính quyền Bắc Kinh đã nhanh chóng bỏ rơi chính quyền đặc khu Hồng Kông trên hồ sơ dự luật dẫn độ, ngay sau khi thấy dư luận Hồng Kông sôi sục, đặc biệt là với cuộc biểu tình hôm Chủ Nhật 09/06, huy động được cả triệu người.
Dĩ nhiên là thoạt đầu, khi trưởng đặc khu Hồng Kông đưa ra dự luật dẫn độ, Bắc Kinh đã hoàn toàn tán đồng. Thế nhưng, khi tình hình xấu đi do phong trào phản đối của người dân ngày càng mạnh, chính quyền Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền Hồng Kông lùi bước vì không thể để cho tình hình xấu đi thêm trong bối cảnh Bắc Kinh đang phải đối phó với những hồ sơ hệ trọng hơn nhiều.
Báo chí Hồng Kông khẳng định rằng trước khi loan báo quyết định đình chỉ dự luật dẫn độ, trưởng đặc khu Hồng Kông, Lâm Trịnh Nguyệt Nga, hôm 15/06 đã kín đáo đến Thâm Quyến thỉnh thị ý kiến của Ủy Viên Ban Thường Vụ Bộ Chính Trị Đảng Cộng Sản Trung Quốc chuyên trách vấn đề Hồng Kông.
Các nhà quan sát được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post tham khảo đều cho rằng Trung Quốc đã bật đèn xanh cho lãnh đạo Hồng Kông lùi bước, vì không muốn bị vướng vào một cuộc khủng hoảng chính trị lớn ở Hồng Kông, vào lúc đang phải tập trung đối phó với cuộc chiến thương mại và công nghệ với Mỹ.
Trung Quốc lo sợ phản ứng của giới kinh doanh
Trung Quốc đặc biệt lo ngại khi thấy cộng đồng kinh doanh tại Hồng Kông không tán đồng dự luật dẫn độ và đã ít nhiều cho thấy thái độ ủng hộ những người biểu tình.
Hai tập đoàn đa quốc gia quan trọng là HSBC và Standard Chartered chẳng hạn, đã áp dụng chế độ giờ làm việc linh hoạt vào thứ Tư 12/06, khi phong trào phản đối dự luật dẫn độ kêu gọi tổng đình công. Để so sánh, vào năm 2014, Phòng Thương Mại Hồng Kông và của một số quốc gia khác đã công khai chống lại chiến dịch bất tuân dân sự, cảnh báo về những tác động tiềm tàng đối với kinh tế.
Đối với Bloomberg, đúng là từ ngày được trả về Trung Quốc vào năm 1997 đến nay, tầm quan trọng của Hồng Kông ngày càng giảm sút. Năm 1997, trọng lượng của đặc khu này đối với Trung Quốc là khoảng 16%, vào năm ngoái 2018, tỷ lệ này còn không đầy 3%.
Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là vai trò của Hồng Kông không còn cần thiết nữa, và đặc khu kinh tế vẫn là một cửa ngõ để Trung Quốc tiếp cận thị trường vốn toàn cầu.
Giới ngân hàng quốc tế vẫn tin tưởng Hồng Kông trong tư cách là nơi ký kết các thỏa thuận với các công ty Trung Quốc vì nơi này có hệ thống pháp lý độc lập, chính quyền tương đối trong sạch, với các quyền tự do dân sự, trong đó có tự do thông tin. Bất cứ điều gì làm mất đi những lợi thế đó sẽ xua đuổi giới doanh nhân và tài chính quốc tế, đe dọa vai trò trung tâm tài chính toàn cầu của Hồng Kông.
Rõ ràng là Trung Quốc đã thấy rằng so với các thiệt hại kinh tế và tài chính một khi dự luật dẫn độ được thông qua, thì lợi ích chính trị của việc khống chế chặt chẽ Hồng Kông quả là không đáng kể. Hơn nữa, theo Bloomberg, sở dĩ Bắc Kinh dễ dàng bỏ rơi lãnh đạo Hồng Kông, đó là vì dự luật dẫn độ, dù được Trung Quốc tán thành, nhưng không hoàn toàn xuất phát từ chỉ đạo trực tiếp của Bắc Kinh.