Rạn nứt trong quan hệ Mỹ – Hàn

Mỹ đơn phương đình chỉ các chương trình tập trận với Hàn Quốc, nêu lên khả năng rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên; Seoul từ chối đề nghị của Washington đòi Hàn Quốc chia sẻ gánh nặng quân sự trong vùng Đông Bắc Á và thái độ vồ vập của tổng thống Trump với lãnh đạo Bắc Triều Tiên sau thượng đỉnh Singapore, đó là những dấu hiệu đe dọa trục Mỹ-Hàn.

media
Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, James Mattis (T) bắt tay đồng nhiệm Hàn Quốc, Song Young-moo, nhân chuyến thăm Seoul ngày 28/06/2018. Chung Sung-Jun/Pool via REUTERS

Trong thông cáo chung kết thúc buổi làm việc trong vài giờ đồng hồ tại Seoul ngày 28/06/2018, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ, tướng James Mattis và đồng nhiệm Hàn Quốc Song Young Moo cho biết : Đôi bên cùng đồng ý tin tưởng vào thiện chí giải trừ vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng nhưng đồng thời đòi chế độ Kim Jong Un đưa ra những “biện pháp cụ thể và không thể đảo ngược” về tiến trình phi hạt nhân hóa báo đảo Triều Tiên. Đây là một trong những điều kiện quan trọng mở đường cho việc xóa bỏ cấm vận Bắc Triều Tiên.

Về quan hệ giữa hai đồng minh truyền thống Mỹ-Hàn thời kỳ hậu thượng đỉnh Singapore, bộ trưởng Quốc Phòng hai nước đồng ý “tiếp tục hợp tác một cách chặt chẽ” để đem lại hòa bình cho khu vực này. Seoul và Washington cam kết “tiếp tục củng cố hợp tác và trao đổi chiến lược”. Liên quan đến các chương trình tập trận chung trong tương lai, hai ông Mattis và Song cho biết sẽ “quyết định sau” và điều đó còn tùy thuộc vào tiến triển phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng.

Hãng tin Hàn Quốc Yonhap chú trọng đến tuyên bố quan trọng của lãnh đạo Lầu Năm Góc đó là “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục sử dụng tất cả những khả năng ngoại giao và quân sự” để bảo đảm cho một nước “Hàn Quốc vững mạnh”. Trong số các biện pháp này, có cả biện pháp “duy trì như hiện tại quân số lính Mỹ trên bán đảo Triều Tiên”.

Tuy nhiên theo giới quan sát đằng sau những tuyên bố mạnh mẽ đó, đã có một sự rạn nứt giữa Hàn Quốc với đồng minh Hoa Kỳ. Dấu hiệu thứ nhất là đúng vào lúc ông Mattis có mặt tại Seoul thì Hàn Quốc thông báo “từ chối” yêu cầu của Mỹ đòi chính quyền của tổng thống Moon Jae In chia sẻ thêm gánh nặng quân sự, do Washington đã triển khai nhiều vũ khí chiến lược tới bán đảo Triều Tiên.

Vào đầu tuần, hai phái đoàn Mỹ và Hàn Quốc họp tại Seoul, đàm phán về Hiệp Định Chia Sẻ Chi Phí Quân Sự lần thứ 10 – SMA, thỏa thuận này bắt đầu có hiệu lực vào năm 2019. Từ năm 1991, Seoul đồng ý đài thọ một phần phí tổn cho việc hơn 28.000 lính Mỹ đóng quân tại Hàn Quốc. Trong tài khóa 2017, Seoul đóng góp 861 triệu đô la. Con số này cao hơn rất nhiều so với hiệp định SMA đầu tiên được ký kết vào năm 1991.

Dấu hiệu thứ nhì cho thấy Washington và Seoul đang có bất đồng liên quan đến việc tổng thống Trump vội vã thông báo ngưng tập trận chung với Hàn Quốc. Tuyên bố này được đưa ra ngay tại Singapore hôm 12/06/2018 sau cuộc tiếp xúc lịch sử với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un. Seoul ngỡ ngàng vì quyết định của Nhà Trắng.

Bên cạnh đó tổng thống Trump cũng khen ngợi ông Kim Jong Un hết lời và tin rằng từ sau thượng đỉnh Singapore, “tên lửa và hạt nhân Bắc Triều Tiên không còn là một mối đe dọa”. Tổng thống Trump còn lạc quan nói với báo chí rằng số lính Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc sẽ chóng “trở về với gia đình”, Hoa Kỳ giảm được gánh nặng quân sự trong khu vực Đông Bắc Á này.

Nhưng rồi chỉ 10 ngày sau thượng đỉnh Singapore, cũng tổng thống Hoa Kỳ đã nói ngược lại với tuyên bố này để thuyết phục Quốc Hội Mỹ duy trì cấm vận với Bình Nhưỡng.

Dù vậy, Washington tuần trước thông báo ngưng cuộc tập trận gìn giữ hòa bình Freedom Guardian và “đình chỉ vô hạn định” các chương trình diễn tập khác với Hàn Quốc. Tới nay Bình Nhưỡng luôn coi các cuộc tập trận Mỹ-Hàn là một hành vi khiêu khích và là một mối đe dọa trực tiếp nhắm vào Bắc Triều Tiên.

Sau cùng, việc tổng thống Trump vội vàng thông báo ngưng tập trận với Hàn Quốc và nêu lên khả năng rút quân khỏi bán đảo Triều Tiên làm mất đi một lá bài quan trọng để Seoul mặc cả với Bình Nhưỡng về tương lai bán đảo Triều Tiên.

Trong bối cảnh đó một cựu chuyên gia của bộ Quốc Phòng Mỹ ông James Schoff cho rằng, Seoul ngày càng nghi ngờ về mức độ đáng tin cậy của đồng minh Hoa Kỳ. Seoul được Mỹ thông báo tới mức độ nào về tiến trình đàm phán giữa Washington với Bình Nhưỡng đang do ngoại trưởng Pompeo tiến hành ? Donald Trump sẵn sàng nhượng bộ Kim Jong Un đến đâu ? Họ mặc cả với nhau những gì ?

Đó là tất cả những câu hỏi mà chưa ai có thể giải đáp và chính điều đó đang gây chia rẽ giữa hai đồng minh lâu đời là Hàn Quốc và Hoa Kỳ. Nếu đúng là như vậy, chỉ riêng trên điểm này Bắc Triều Tiên đã ghi được một bàn thắng quan trọng.

(Theo RFI)