Hỏi thực lòng: Người dân có muốn đồng hành cùng Chính phủ phòng chống dịch hay không?

“Đến ngày 15/04, nếu còn phát sinh ổ dịch thì không thể dừng thực hiện việc cách ly xã hội, phải tùy tình hình để đưa ra phương án ứng phó nên chưa thể nói trước,” ông Mai Tiến Dũng Bộ trưởng, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ khẳng định. Vậy là việc cách ly toàn xã hội có thể kéo dài hơn 15 ngày, vì đâu nên nổi?

 

Chỉ thị 16 của Thủ tướng yêu cầu cách ly xã hội trong 15 ngày từ 1/4 đến 15/4 vì đây là khoảng “thời gian vàng” ngăn dịch bệnh lây lan. Thực tế sau 10 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, thì số ca mắc mới mỗi ngày giảm đi, nhiều thời điểm ít hơn số ca được công bố khỏi bệnh. Nếu cứ đà này có lẽ VN sẽ chống dịch thành công. Thế nhưng đâu đó vẫn còn nhiều địa phương có tình trạng bất hợp tác, dù chỉ thị cách ly toàn xã hội chưa hết hiệu lực.

Trong khi Hạ Long chấp hành tốt chỉ thị của chính phủ, hạn chế người dân ra đường lúc 22h đêm, bêu tên người dân đi chợ quá 2lần/ngày, xử phạt người dân ra đường khi không có nhu cầu cần thiết. Thì tại Hà Nội và TP.HCM 2 ngày gần đây, lượng người dân đổ ra đường ngày càng nhiều, tình trạng tập trung đông người bắt đầu xuất hiện như chưa hề có cuộc giãn cách xã hội! Vì sao những ngày đầu người dân thực hiện rất tốt, nhưng sau đó thì lại bất tuân? Phải chăng người dân bắt đầu ảnh hưởng và bị thiệt hại về kinh tế, mọi nguồn dự trữ đã bắt đầu cạn kiệt nên mới đổ ra đường kiếm duy trì cuộc sống?

Nếu vì lý do này, thiết nghĩ Chính phủ nên hỗ trợ người dân bằng cách giảm giá tiền điện, nước, ngân hàng không khoanh nợ, giãn nợ cho khách hàng… nếu không thì sắp tới người dân sẽ ra đường nhiều hơn nữa vì họ không thể ngồi yên chờ chết, thì lúc đó mọi nỗ lực từ trước đến nay sẽ đổ ra sông, ra biển.

Thiết nghĩ mọi người nên tiết kiệm lại một chút, ăn uống chi tiêu ít lại một chút để hạn chế ra đường, thì chắc chắn 15 ngày sẽ không vấn đề gì. Nếu cứ ra đường lúc này, nhở mình hay người thân của mình bị nhiễm thì sẽ tốn thời gian điều trị, tốn chi phí thuốc men, viện phí, sau bệnh sức khỏe giảm sút…Không chỉ vậy nếu số ca bệnh tăng lên mà không giảm đi thì thời gian cách ly sẽ không là 15 ngày mà có thể là một vài tháng, thì lúc đó người dân thì thiệt một nhưng chính phủ thì thiệt mười chính vì thế mọi người hãy vì xã hội mà ở nhà.

Còn nếu không phải vì lý do trên mà người dân đổ xô ra đường chỉ để tụ tập này nọ bất chấp dịch bệnh, thì sẽ rất nguy hiểm. Chúng ta nên hạn chế nhu cầu cá nhân, ở đâu hãy ngồi yên đấy. Đừng biến mình thành “con sâu làm rầu nồi canh” trong khi mọi người đang chấp hành tốt. Chúng ta hãy ý thức rằng nếu nhiễm bệnh người khổ cực nhất chính là bản thân và người thân của mình, chứ không phải ông công an khó chịu hay chú dân phòng vất vả ngoài kia. Càng không phải là những người ra lệnh giãn cách, xử phạt hay bắt chúng ta phải tuân theo quy tắc cộng đồng.

Chúng ta cũng nên nhớ, bệnh nhân nhiễm covid chết đi không được nhìn người thân, họ chết trong đau đớn và cô đơn…Vậy thử hỏi 1 tuần nữa thôi tại sao lại không cố gắng chứ? Tiền dễ kiếm nhưng sinh mạng con người mất đi không bao giờ kiếm lại được, xin hãy trân trọng mạng sống của mình và hãy nghĩ cho những bác sĩ, y tá, điều dưỡng, họ đang chiến đấu với tất cả những gì họ có để giành lại mạng sống cho mọi người.

Đừng ỉ lại khi VN chưa có ca tử vong, hiện nay hệ thống y tế và trang thiết bị ở VN còn thiếu thốn, tiền bạc luôn giật gấu vá vai thì nếu dịch bùng phát, lây lan diện rộng có lẽ những con số nhiễm và tử vong cũng kinh hoàng ám ảnh không kém so với Mỹ hiện nay.

Trước tình hình khẩn cấp trên, mới đây đích thân Thủ tướng yêu cầu các lực lượng chức năng, đặc biệt là lực lượng công an xử lý nghiêm những người không thực hiện cách ly toàn xã hội, không đeo khẩu trang, không có việc cần thiết nhưng vẫn ra đường. Thiết nghĩ nếu ai ra đường mà không thực sự cần thiết, thì nên tóm họ vào khu cách ly. Sau đó thu tiền cách ly, tiền xét nghiệm, tiền chữa bệnh (nếu có bệnh). Chứ giờ đi cách ly, chữa trị đều miễn phí nên một số người tâm lý bị bệnh chả mất gì, đâm ra chủ quan.

Còn 5 ngày nữa để thực hiện yêu cầu này, nếu đủ thời gian chứng minh Việt Nam kiểm soát tốt, không để bùng phát dịch bệnh thì sẽ ngừng cách ly xã hội. Nhưng nếu tiếp tục còn nguy cơ lây lan, thì vẫn phải kéo dài bởi cách ly hiện nay là giải pháp căn cơ, tối ưu, hiệu quả. Thiết nghĩ giờ hãy hợp tác cùng Chính phủ, hãy chỉ ở nhà cho đến hết thời gian quy định, thậm chí là phải cận trọng cho đến khi có thuốc hay vắc xin đặc trị. Xin đừng chủ quan, đừng vội lơi tay mọi người ạ! Chúng ta chưa thắng trận chiến này đâu…

Tường Lâm