Giám đốc công an khó lên thứ trưởng vì không được phong hàm tướng

 Bộ trưởng Công an Tô Lâm nêu hàng loạt vướng mắc trong bố trí nhân sự do GĐ công an tỉnh chỉ mang hàm tá. Vì vậy, dù GĐ công an tỉnh có được quy hoạch lên thứ trưởng thì cũng không bao giờ được.

Chiều nay, UB Thường vụ QH cho ý kiến về dự án luật Công an nhân dân sửa đổi. Đề xuất quy định GĐ công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ loại 1 có cấp bậc cao nhất là Thiếu tướng gây nhiều tranh cãi.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt cho biết, đề xuất này được một số thành viên ủy ban đồng tình nhưng đề nghị bổ sung tiêu chí địa lý hành chính, tình hình an ninh…

Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt
Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Võ Trọng Việt

Tuy nhiên, một số thành viên khác lại không đồng tình vì cho rằng, quy định chưa phù hợp với trần quân hàm của cơ quan quân sự cấp tỉnh theo quy định của Bộ Chính trị. Việc quy định đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I không căn cứ vào tình hình an ninh trật tự. Quá trình thực hiện, số lượng tỉnh, thành phố được phân loại I có thể tăng lên dẫn đến số lượng cấp tướng tăng.

“Ủy ban thấy rằng đây là vấn đề hệ trọng nên đề nghị báo cáo Bộ Chính trị xin ý kiến”, ông Việt nói.

Thiếu tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam cho biết quan điểm của Bộ Quốc phòng là “cần cân nhắc đề xuất nêu trên” vì như vậy không phù hợp với quân hàm của Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh.

Ông Tiến cho rằng, GĐ công an tỉnh và chỉ huy trưởng quân sự đều là thường vụ tỉnh, thành uỷ, chỉ chênh nhau 3 tuổi, và Bộ Chính trị cũng quy định hai chức danh này có cùng quân hàm như nhau.

“Hiện nay trong quân đội cấp bậc tương đương như cấp tỉnh rất nhiều, như Sư đoàn, nếu giải quyết hết lên cấp tướng thì nhiều tướng quá. Quan điểm của Bộ Quốc phòng tới đây là dù có sửa luật Sĩ quan thì chỉ huy cấp tỉnh cũng không quy định hàm cấp tướng”, ông Minh nói.

Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng cho rằng, luật Công an nhân dân năm 2014 quy định chỉ 2 thành phố lớn có cấp tướng. “Toàn quốc khoá trước toàn tướng, nhưng quê tôi Lào Cai hay Sơn La không có tướng mà anh em vẫn làm tốt, có ai phàn nàn gì đâu”, bà Phóng dẫn chứng.

Chủ tịch QH tâm tư thay cho anh em

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu thực tế từ Cần Thơ, GĐ Công an tại đây có 4.000 quân trong tay, mang hàm đại tá. Bà so sánh với 1 cục trưởng trên Bộ chỉ 100-200 quân thì có thể lên đến cấp trung tướng. 

“Một số tỉnh có biên giới trên biển như Quảng Ninh, rộng lớn như Thanh Hoá, hay tấp nập như Đà Nẵng, GĐ công an giữ mấy nghìn quân mà chỉ là đại tá, bản thân tôi tâm tư thay cho anh em”, bà Ngân dẫn dụ.

Theo Chủ tịch QH, vấn đề này đã được tranh luận trong quá trình xây dựng luật Công an nhân dân và sĩ quan quân đội nhân dân năm 2014 và có nhiều ý kiến khác nhau nên phải báo cáo Bộ Chính trị. Lúc đó Bộ Chính trị đã thống nhất cấp bậc công an và quân đội ở địa phương (tỉnh và huyện) tương đương nhau, nên giờ muốn thay đổi phải báo cáo Bộ Chính trị.

“Nếu Bộ Chính trị đồng ý với thay đổi này thì có sửa luật Sĩ quan quân đội để đảm bảo sự tương thích hay không, đó là vấn đề”, bà Ngân băn khoăn.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm
Bộ trưởng Công an Tô Lâm

Bộ trưởng Tô Lâm cho biết ở Hà Nội, Phó GĐ công an cũng là Thiếu tướng, trong khi các tỉnh thì GĐ công an, thường vụ cấp uỷ, ĐBQH chỉ là đại tá. 

Theo ông, bộ máy mới của ngành công an thì giám đốc địa phương sẽ quy hoạch lên Thứ trưởng, Thứ trưởng có quân hàm lên đến Thượng tướng, trong khi giám đốc địa phương chỉ đại tá thì không bao giờ lên được.

Hay trong luân chuyển cán bộ, Cục trưởng muốn lên Thứ trưởng phải đi làm GĐ địa phương, mà cục trưởng là trung tướng thì không thể đi địa phương được vì quân hàm chỉ lên đến đại tá. 

“Ngay trong QH, kỳ tới các đồng chí yêu cầu muốn đưa cán bộ sang phải là ĐBQH và sĩ quan cấp tướng. Như vậy sẽ rất khó vì cơ cấu ĐBQH chủ yếu là Giám đốc địa phương, địa phương thì không có cấp tướng. Ở Bộ thì chỉ có Bộ trưởng và một người nữa là đại biểu. Đó là bất cập của luật hiện hành mà Bộ đang phải xử lý”, Thượng tướng Tô Lâm cho hay.

Bộ trưởng Công an khẳng định không đặt vấn đề lực lượng công an tương thích với quân đội vì nhiệm vụ và bố trí lực lượng công an khác với quân đội.

Ông dẫn chứng, cấp tướng quân đội có 415 người, gồm 3 đại tướng, 18 thượng tướng, 81 trung tướng, còn lại là thiếu tướng. Trong khi đó Công an quy định cao nhất là 205 tướng với một đại tướng, 6 thượng tướng, dự luật quy định xin nhiều nhất đến 40 trung tướng, như vậy thì cũng chưa bằng nửa của quân đội. 

Phó chủ tịch QH Đỗ Bá Tỵ cho rằng số lượng công an và quân đội không thể như nhau nên không thể dùng từ tương thích mà đó là tương ứng.

Chốt lại, Chủ tịch QH đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến để hoàn chỉnh dự thảo, UB Quốc phòng An ninh thẩm tra lại trước khi dự luật được trình ra QH tại kỳ họp khai mạc ngày 21/5 tới.

Thu Hằng