Gần 400 vận động viên “bơ vơ” cho đến ngày VOV mua bản quyền ASIAD 2018

Cho đến ngày 20/08, 75 quốc gia và vùng lãnh thổ đã mua bản quyền truyền hình ASIAD 2018 nhưng trong danh sách đó tuyệt nhiên không có Việt Nam. Trong khi, nước ta có gần 400 vận động viên đang tranh tài ở 33/40 môn thi đấu của Đại hội thể dục thể thao lớn nhất châu lục này.

Tham gia thi đấu tại Asiad 2018 diễn ra ở Indonesia, đó không chỉ là niềm vinh dự mà còn là trách nhiệm với quốc gia của từng vận động viên. Không chỉ có đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam, chúng ta còn có những vận động viên tài năng được bạn bè quốc tế công nhận như: Ánh Viên (bơi lội), Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Bùi Thị Thu Thảo (nhảy xa nữ) và nhiều vận động viên nổi trội ở các môn thể thao đối kháng taekwondo, karate, wushu…. Tất cả đều mang trên mình màu cờ sắc áo và đang thực hiện một nhiệm vụ mà đất nước giao phó.

KJSM chào giá lên tới 15 triệu USD cho VTV nhưng bây giờ, Đài Tiếng nói VOV Việt Nam chỉ mua với giá 1,5 triệu USD.

Một quốc gia phát triển thường được xem xét ở nhiều góc cạnh và thể thao cũng là một trong những nhân tố đó. Nếu thể thao được xem là một mặt trận thì không thế nào không cần hậu phương vững chắc để giành chiến thắng hoặc thu về những lợi thế nhất định. Vậy các vận động viên của nước ta – những người đang thực hiện nhiệm vụ của quốc gia có hậu phương hay không? Chắc chắn là có, hàng triệu người hâm mộ vẫn luôn đứng sau ủng hộ, khích lệ và sẻ chia với từng vận động viên. Tuy nhiên, thông tin Đài truyền hình Quốc gia Việt Nam (VTV) từ chối mua bản quyền khiến các vận động viên của nước ta có cảm giác bị bỏ rơi và cả các cổ động viên cũng vậy.

Trước khi có thông tin về việc VOV đã thương thảo mua thành công bản quyền Asiad 2018 thì có hàng trăm vận động viên của chúng ta đang thi đấu mà không biết liệu người hâm mộ của họ có được theo dõi và cổ vũ qua truyền hình chính thống hay không? Rồi người nhà của vận động viên cũng sốt sắng đứng ngồi không yên khi con em mình đang thi đấu trên đất khách quê người. Tự hào, phấn khởi bao nhiêu nhưng cuối cùng phải xem lậu ở một kênh nào khác thì thật là đáng buồn và xấu hổ.

Ánh Viên – Kình ngư hàng đầu Việt Nam thi đấu tại vòng loại 400m hỗn hợp nữ Asiad 2018.

VTV lại một lần nữa đưa ra lý do bị ép giá bản quyền nên không mua, thay vì làm tròn trách nhiệm của mình. Một năm trước, khi chưa có thành công của bóng đá nam U23 Việt Nam, bản quyền truyền hình Asiad 18 được chào bán với giá chỉ khoảng 500.000 USD (tương đương khoảng 11 tỷ đồng) nhưng không có đài truyền hình nào của Việt Nam mua. Sau khi Ủy ban Olympic châu Á (OCA) bán bản quyền cho KJSM World Corp (Hàn Quốc) thì giá chào bán của nó ở Việt Nam bị đẩy lên 3 triệu USD và hiện nay là 1,7 triệu USD. Trong khi, đúng ra một đài truyền hình quốc gia cần phải làm việc này để quảng bá hình ảnh đất nước qua thể thao và phụng sự công chúng. Olympic, Asiad, Sea Games khác hoàn toàn với các cuộc thi Hoa hậu, nó không phải là một thương vụ để có thể tính toán chuyện lời lỗ. mà đó là bộ mặt của cả dân tộc Việt Nam. Không thể lấy lý do rằng mình tự chủ tài chính, không được ngân sách chi trả để rồi chối bỏ vị trí và trách nhiệm của mình. VTV nên học tập đài truyền hình quốc gia Bỉ khi họ chấp nhận chịu lỗ để mua bản quyền World Cup 2018 phục vụ người hâm mộ.

Trước ngày 20/08, hàng triệu người hâm mộ thể thao phải xem lậu Asiad 2018.

Tất nhiên, chúng ta cũng không thể trút bỏ hết trách nhiệm cho VTV được. Tại sao các đài truyền hình khác cũng để “nước đến chân mới nhảy” rồi bị ép giá? Các nhà đài của nước ta nghèo đến độ không có vài triệu USD để mua bản quyền tại một giải đấu cấp châu lục – nơi có rất nhiều vận động viên của nước mình tham dự hay sao? Có lẽ, trước đó, không một đài truyền hình nào có khái niệm “sát cánh” cùng những cá nhân đang thực hiện nhiệm vụ quốc gia kia. Và thi đấu là chuyện của vận động viên, còn thương vụ lời lỗ mới là là chuyện của họ.

Có lẽ, câu chuyện bản quyền bị ép giá cũng phần nào do sự canh tranh đến độ mù quáng của nhiều đài truyền hình tại Việt Nam, từ VTV, VTC cho đến K+,… Thay vì đoàn kết để chống bị làm giá, các nhà đài lại cảm thấy thỏa mãn vì đã mua được bản quyền với giá này, giá kia. Đơn cử việc KJSM bán cho VTC bản quyền trận đấu Ngoại hạng Anh ngày Thứ Bảy và họ sẽ bán gói bản quyền khác giá cao hơn cho K+ để độc quyền các trận đấu vào ngày Chủ Nhật. Phải chăng vì có sự cạnh tranh ngầm, thiếu đoàn kết giữa các nhà đài nên các công ty trung gian mới có cơ hội lợi dụng và lật lọng giá cả? Như trong vụ thương thảo bản quyền Asiad lần này, KJSM chào giá lên tới 15 triệu USD cho VTV nhưng bây giờ, Đài Tiếng nói VOV Việt Nam chỉ mua với giá 1,5 triệu USD. Có thể thấy, KJSM cũng là một “tay lái buôn” chẳng phải vừa nếu không muốn nói là quá gian xảo.

TAĐối tác kiên quyết không hại mức giá bán bản quyền Asiad 2018, khiến VTV buộc phải “nói không” với giải đấu này.

May mắn cho người hâm mộ thể thao Việt Nam là cuối cùng VOV đã mua được bản quyền Asiad 2018. Việc có được nó không thể thiếu vai trò đồng hành của doanh nghiệp, trong trường hợp này tiếp tục là sự hỗ trợ quý báu trên cả tuyệt vời của Tập đoàn Vingroup và cũng là của người đàn ông hào phóng ẩn sau các quyết định giúp hàng triệu tín độ bóng đá Việt thở phào nhẹ nhõm ở nhiều giải đấu quốc tế lớn trước đây.

Từ hôm nay, các vận động viên Việt Nam sẽ không bị “bỏ rơi” và “bơ vơ” bởi những cảm xúc thắng thua giống như những con buôn của các đài truyền hình và KJSM nữa. Hàng triệu người dân đang xem lậu Asiad qua máy tính, điện thoại, màn hình chiếu trong quán cà phê cũng không phải xấu hổ vì hành vi vi phạm bản quyền nữa. Tin rằng, sau sự việc này, các đài truyền hình Việt Nam nói chung và VTV nói riêng đã có một bài học kinh nghiệm sâu sắc trong việc bảo vệ danh tiếng của đài, hình ảnh của quốc gia và sự phát triển của nền thể thao nước nhà.

Bạn đọc Hải Châu