Dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông và nhiệt điện Vĩnh Tân… có quan trọng bằng sinh mạng của hơn 90 triệu dân?

Thủ tướng khẳng định chúng ta có 15 ngày quyết định Việt Nam thành công hay thất bại trong công cuộc chống dịch. Thay vì các Bộ ngành cùng chung tay đóng góp sáng kiến để cùng Thủ tướng vượt qua thách thức lớn này, thì lại bày thêm chuyện cho Thủ tướng giải quyết. Lệnh là dừng nhập cảnh người nước ngoài, nhưng Bộ LĐTB&XH lại cố tình đề xuất cho nhập để vận hành các dự án trong đó có Cát Linh -Hà Đông và Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Chả lẽ vận hành các dự án hiện nay còn quan trọng hơn cả sinh mạng của gần 100 triệu dân?

Trước đó là Bộ Công thương. Khi có thông tin thị trường xuất khẩu gạo đang ồ ạt xuất khẩu sang nước ngoài, Bộ này đề xuất Thủ tướng dừng xuất khẩu gạo nhằm đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo, góp phần ổn định giá gạo trong nước. Khi chỉ thị dừng xuất khẩu được ban hành vài giờ thì Bộ Công thương bất ngờ đề nghị Thủ tướng cho tiếp tục xuất khẩu gạo, với lý do “Sau khi tiếp nhận phản ánh của một số DN”. Nay Bộ này lại tiếp tục kiến nghị Thủ tướng cho phép được tiếp tục xuất khẩu gạo nhưng có sự kiểm soát số lượng xuất khẩu theo từng tháng.

Chỉ trong vòng chưa đầy 10 ngày nhưng Bộ Công thương có nhiều kiến nghị bất nhất, khiến người đứng đầu chính phủ phải đau cả đầu. Đang căng mình chống dịch, mà còn giải quyết những kiến nghị sáng nắng chiều mưa thế này càng làm cho Thủ tướng thêm kiệt sức. Ấy vậy mà đến nay Bộ Công thương vẫn chưa thấy một ai chịu trách nhiệm trước vấn đề này cả.

 

Rồi nay, lại đến Bộ Lao động, thương binh và xã hội (LĐTB&XH) vừa rảnh rỗi sinh nông nổi. Trong khi VN quyết định tạm dừng nhập cảnh đối với tất cả người nước ngoài và cả người gốc Việt có giấy miễn thị thực vào Việt Nam. Thì mới đây, Bộ này kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến về việc “ưu tiên cho lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là 8.459 lao động”.

Trong số này, có khoảng 2.000 lao động của một số các dự án, công trình trọng điểm quốc gia, dự án áp dụng công nghệ mới của các tập đoàn đa quốc gia như: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông (khoảng 100 người), dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (76 người); dự án LG Display tại Hải Phòng (200 người); Công ty TNHH Samsung Dispaly Việt Nam tại Bắc Ninh (700 người); Công ty TNHH Samsung Elecho-Mechanics Việt Nam và công ty đối tác tại Thái Nguyên (150 người)…Thử hỏi, gần 9.000 lao động nước ngoài này nếu họ mang mầm bệnh vào VN thì sẽ ra sao? VN đang căng mình chống chọi với dịch bệnh mà còn đề xuất nhập khẩu virus vào, đây há chẳng phải là người làm người phá đây sao?

Không phải ngẫu nhiên mà VN cho tạm dừng nhập cảnh, tạm dừng để cắt đứt nguồn lây nhiễm từ bên ngoài. Để cả nước tập trung xử lý nguồn lây nhiễm bên trong. Nếu cắt đứt luôn nguồn từ bên trong, VN sẽ thành công. Có lẽ là bộ ngành trực thuộc chính phủ, thì phải thừa hiểu điều này. Tại sao trong lúc dầu sôi lửa bỏng thế này (Cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn quốc) mà lại có đề xuất chống lại chỉ đạo của Thủ tướng như thế?

Trong số các lao động mà Bộ LĐTB&XH đề xuất cho nhập cảnh, cho thấy có cả dự án Cát Linh – Hà Đông, dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, và Công ty TNHH Samsung Dispaly Việt Nam tại Bắc Ninh…Thiết nghĩ dự án Cát Linh – Hà Đông có gì cấp bách mà phải cho nhập cảnh người nước ngoài ngay lúc này. Liệu khi 100 người này vào VN họ có tiếp tục thi công dự án hay không khi xã hội bị cách ly? Liệu cho nhập cảnh 100 người này vào VN, đường sắt Cát Linh – Hà Đông có hoàn thành trong năm nay hay không? Nếu 100 người này vào VN, để hoàn thành những khâu cuối cùng để khánh thành, thì liệu người dân có dám sử dụng hay không? Nói thật, dự án này trải qua hàng chục năm chậm tiến độ đội vốn vẫn chưa hoàn thành, nay kéo dài thêm một hai năm nữa, có lẽ cũng sẽ chẳng ảnh hưởng đến nền kinh tế Việt Nam.

Còn dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân, có lẽ dự án này cũng giống như dự án Cát Linh – Hà Đông. Nếu không hoàn thành nó trong giai đoạn này có lẽ cũng sẽ chẳng ảnh hưởng đến kinh tế và đời sống của người dân? Bởi hiện tại E'VN vẫn đang cung cấp đầy đủ điện đến cho từng hộ gia đình. Chưa có nhu cầu nhập khẩu điện để phục vụ dân, cả nước cũng đã có hàng chục nhà máy phát điện. Thiết nghĩ để dự án này chậm lại một vài tháng cũng chẳng có ảnh hưởng gì.

Còn 700 người tại Công ty TNHH Samsung Dispaly Việt Nam tại Bắc Ninh. Trước đó, Đại sứ quán Hàn Quốc đề nghị cho 700 kỹ sư Hàn nhập cảnh vào VN mà không cần phải cách lý, để chuẩn bị cho các sản phẩm mới dự kiến ra mắt vào nửa cuối năm. Không biết 700 người này làm ra bao nhiêu tiền cho Samsung tại Việt Nam. Có lẽ với Samsung thì rất nhiều, nhưng chắc 1 điều là phần thuế đóng góp cho ngân sách VN là rất nhỏ, bởi vì Samsung đang được ưu đãi thuế tại VN.

Thiết nghĩ, nếu các dự án cần người nước ngoài vào thực hiện có nhu cầu cấp thiết thì nên cân nhắc. Còn những dự án mà chưa thật sự cần thiết thì không nên cho nhập cảnh người nước ngoài vào VN, điển hình như các dự án trên. Bởi Thủ tướng đã từng nói “Chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ sức khỏe người dân”. Vì vậy chúng ta không thể vì Dự án Cát Linh – Hà Đông, nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân hay Công ty TNHH Samsung Dispaly mà đánh đổi với sinh mạng của gần 100 triệu dân. Thật sự không đáng chút nào.

Tường Lâm