Đổ xô đi siêu thị, kéo nhau về quê trước lệnh giới nghiêm: Các anh chị đang mang mầm bệnh về gia đình mình, tăng gánh nặng đè lên đất nước

Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Chính phủ và các chính quyền địa phương ban bố lệnh giới nghiêm, hạn chế tụ tập và ra đường nếu không thật sự cần thiết, đồng thời dừng toàn bộ phương tiện giao thông công cộng. “Cách ly xã hội” được đánh giá là biện pháp tối quan trọng trong giai đoạn dịch bệnh bước vào giai đoạn 3, lây nhiễm mạnh mẽ như hiện nay.

Vậy mà, trước giờ lệnh giới nghiêm chính thức có hiệu lực, nhiều người vẫn vô tư đổ xô chen chúc đi siêu thị, tích trữ thực phẩm hoặc đổ xô về các bến xe để kịp chạy trốn trước lệnh cách ly. Xin thưa, hành động của các anh chị chính là đi ngược lại chỉ đạo của Thủ tướng, phá vỡ nỗ lực khoanh vùng dập dịch của các cấp chính quyền và tăng gánh nặng đối với đất nước.

Trong khi Thủ tướng khẳng định đầy đủ nguồn cung lương thực và nhu cầu thiết yếu cho người dân trong mùa dịch, các siêu thị, cửa hàng thực phẩm vẫn mở cửa bình thường, đảm bảo nguồn cung hàng hóa, không để tình trạng khan hiếm hàng xảy ra. Vậy thì cớ gì người dân lại ùn ùn đi mua sắm, tích trữ hàng hóa? Trong giai đoạn nguy hiểm như hiện nay, nếu 1 hoặc vài người trong số hàng nghìn người chen chúc trong các siêu thị hôm qua mang trong mình virus viêm phổi nhưng chưa phát bệnh, thì liệu những người đi mua hàng đứng cùng có an toàn được hay không? Lây nhiễm chéo trong cộng đồng – không phải chúng ta chưa được nghe thấy, vậy mà chỉ vì một phút thiếu suy nghĩ, người ta đã biến chính mình và gia đình trở thành đối tượng có nguy cơ cao.

Tương tự như các anh chị đổ xô về quê để “trốn” lệnh cách ly. Xin thưa, việc tụ tập tại các bến xe, chen chúc nhau trên các chuyến xe đã khiến nguy cơ lây nhiễm của các anh chị cao gấp nhiều lần. Các anh chị sợ bản thân bị dính bệnh, sợ 2-3 tuần tới thành phố giới nghiêm sẽ buồn chán, không được ra đường đi chơi nên vội chạy về quê? Hành động đó có khác nào đang mang mầm bệnh về cho chính gia đình, người thân và địa phương của các anh chị không?

Các lãnh đạo đã nhắc đi nhắc lại rằng, đây là thời điểm cao nhất, quan trọng nhất trong cuộc chiến chống lại, đẩy lùi dịch bệnh Covid mà Việt Nam cũng như toàn thế giới đang tập trung cao độ. Về quê là đi ngược lại với lời kêu gọi: “Đứng yên là yêu nước”. Mọi người hãy ở trong nhà, hạn chế tối đa việc ra đường hoặc dịch chuyển từ nơi này đến nơi khác.

Không phải không có lý do khi Chính phủ yêu cầu mọi người dân “đứng yên”. Bởi việc di chuyển về quê như thế này sẽ dễ dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh. Nếu là người biết suy nghĩ cho cộng đồng, chắc chắn bạn sẽ ở yên ở trong nhà mình, dù buồn chán, dù không được tụ tập đi chơi nhưng điều đó có ý nghĩa vô cùng đối với đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Liệu có ai dám chắc rằng chúng ta không mang bệnh, hoặc những người chúng ta tiếp xúc gần ở siêu thị, bến xe hôm qua không nhiễm Covid-19 không? Một anh phi công trong thời gian ủ bệnh đi đến quan bar đã khiến gần 20 người khác nhiễm bệnh, đó là chưa kể hơn trăm người, nhiều trong số đó đang trong thời gian ủ bệnh, có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Vậy thì hành động của các anh chị còn nguy hiểm dường nào?

Một bệnh nhân số 17, số 34 vô tư tiếp xúc nhiều người trong thời gian ủ bệnh đã kéo theo hàng chục người dương tính Covid-19 và hàng nghìn người cách ly nhiều tuần liền. Một bệnh nhân số 100 trong thời gian ở nhà cách ly trốn đi lễ 5 lần/ngày đã khiến hàng nghìn người khác rơi vào diện nguy hiểm. Đã có quá nhiều bài học, thế nhưng dường như chúng ta vẫn chưa rút kinh nghiệm, vẫn chưa tự giác đặt bản thân vào “thời chiến” như lệnh của Thủ tướng và yêu cầu của chính quyền địa phương, vẫn vô tư trước cơn đại dịch toàn cầu.

Hy vọng, tình hình sắp tới không quá tồi tệ.

Lan Anh