ĐBQH Lê Thanh Vân: Dấu hiệu vi phạm nghiệm trọng của phán quyết giám đốc thẩm

Ông Lê Thanh Vân, ĐBQH chuyên trách của tỉnh Cà Mau, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, xác nhận ông đã có văn bản đề nghị Quốc hội vào cuộc vụ án Hồ Duy Hải.

Ảnh: ĐBQH Lê Thanh Vân (bên trái) và các ĐBQH Trương Trọng Nghĩa, Lưu Bình Nhưỡng đang lên tiếng mạnh mẽ về sai sót trong phiên tòa giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải (Báo Giao thông).
Lý do: Ông Vân cho rằng phiên giám đốc thẩm của TAND Tối cao hôm 6 đến 8-5 có “dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng”.

Trong văn bản gửi đi, ông Vân dẫn Điều 404 BLTTHS, quy định khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội yêu cầu thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó.

“Quan sát cá nhân của tôi thì có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng rồi. Nhưng để chắc chắn thì đầu tiên Quốc hội phải giám sát tối cao. Vậy nên tôi đề nghị hai hình thức giám sát”, ông Vân cho biết.

Một là, Quốc hội ngay kỳ họp sắp tới này, tổ chức riêng một phiên chất vấn công khai, trực tiếp đối với Chánh án TAND Tối cao. Hai là, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập đoàn giám sát riêng, hoặc trên cơ sở báo cáo giám sát của Ủy ban Tư pháp đã tiến hành, nay giám sát bổ sung.

Từ kết quả giám sát ấy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định có yêu cầu Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao xem xét lại bản án hay không.

Hai nhiệm kỳ gần đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ít tiến hành giám sát các vụ án cụ thể, mà chỉ dừng lại ở hình thức giám sát ở cấp Ủy ban Tư pháp. Còn Quốc hội các khóa X, XI thì từng giám sát các vụ án gây tranh cãi, được dư luận quan tâm hồi đó, như: vụ án dân sự tranh chấp hai mẹ con con trâu ở Văn Chấn, Yên Bái; vụ án tử tù Huỳnh Văn Nam ở Đồng Nai 10 năm kêu oan; vụ tranh chấp nhà 15A Thuốc Bắc, Hà Nội…

FB NGUYỄN ĐỨC