Đánh đổi an ninh mạng lấy vài chỉ số GDP?
Trong khi dự thảo Luật An ninh mạng mới chỉ chạm ngõ được cái gọi là dự thảo thì người ta lại coi nó như là một mối đe dọa khủng khiếp. Tôi chẳng thấy người ta mặn mà trong việc góp ý xây dựng một văn bản Luật tối quan trọng ở thời kỳ mạng Internet bùng nổ thế này. Thay vào đó, họ chỉ muốn dập tắt văn bản này từ trong “trứng nước”. Sao lạ vậy nhỉ?
Mấy ngày nay dư luận đang hỗn loạn, phải nói thực sự là hỗn loạn vì nhiều người hoang mang quá, trong đó chủ yếu là giới kinh doanh, doanh nghiệp. Xin trích dẫn nguyên văn cái dự báo “thần thánh” mà người ta đang quan tâm nhiều, nhưng lại chưa biết cơ sở nào để dự báo những điều trên: “Tính toán của Trung tâm nghiên cứu kinh tế Chính trị Châu Âu (ECIPE) cho thấy, chỉ riêng yêu cầu ‘địa phương hóa’ dữ liệu – tức bắt buộc đặt máy chủ và lưu dữ liệu người dùng tại Việt Nam, sẽ khiến GDP sụt giảm 1.7%”.
Rất tiếc là dân Việt Nam mình xưa nay cứ nghe mấy cái tên trung tâm ở nước ngoài thì tin tưởng lắm. Kiểu như cái văn hóa sính ngoại nó lên cao đến đỉnh điểm rồi. Cứ nói nước ngoài là ai cũng nghĩ nó tiến bộ.
Nhưng mà tôi xin được đặt câu hỏi như thế này nhé. Nếu bạn là một doanh nghiệp nước ngoài, khi bạn muốn đến Việt Nam kinh doanh thì bạn sẽ phản ứng như thế nào khi từ một môi trường kinh doanh đang “tự tung tự tác” thì giờ bị quản lý? Như Facebook và Google đi, hiện nay họ đang được tự do ăn cắp dữ liệu của người dùng Việt Nam mà chẳng ai xử lý được, cũng chẳng ai nghĩ đến việc kiện như các quốc gia châu Âu. Thế nhưng, nếu Luật An ninh mạng ra đời thì các công ty nước ngoài có thể vướng vòng lao lý. Lúc này, ngay chúng ta cũng sẽ nghĩ đến việc họ sẽ tìm các “chiêu trò” để phản ứng lại các dự thảo luật mới này.
Để phản ứng dự thảo luật thì đơn giản thôi. Họ dọa sẽ rút khỏi Việt Nam không kinh doanh nữa để cho dân tình nhảy ngược nhảy xuôi lên đòi Nhà nước không được ban hành luật. Hay giờ họ có thể thuê một tổ chức nào đó làm cái nghiên cứu “đe dọa” rằng GDP của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nhìn vào những cái hướng suy nghĩ đó đi, xin đừng chỉ lên đồng trước bất cứ một số liệu dẫn chứng nào không có căn cứ. Đã đến lúc chúng ta nên tìm thêm nhiều điểm vô lý khác của nó rồi đấy.
Đánh đổi an toàn thông tin lấy GDP?
Không nhầm thì hôm nay ông chủ Facebook đang bị triệu tập ở Châu Âu để điều trần về việc Facebook thu thập trái phép dữ liệu của người dùng. Cho tôi hỏi là bao giờ Việt Nam có thể làm những việc tương tự. Phải chăng, dữ liệu người dùng ở Việt Nam ít, hay vì người Việt chẳng thèm giấu dữ liệu cá nhân.
Thực sự người Việt chúng ta quá “dễ dãi” đấy.
Tôi cảm thấy nước mình thua thiệt nhiều quá, giờ tôi có muốn kiện Facebook hay Google ăn cắp dữ liệu của mình thì cũng thật khó khăn. Các bạn đừng nghĩ dữ liệu cá nhân là thứ vô nghĩa, nó là thứ kiếm ra tiền đấy ạ. Hôm trước tôi lên mạng tìm kiếm một đồ vật để mua, tra cứu địa chỉ du lịch để đi nghỉ,… thì ngay ngày hôm sau mở Internet ra là toàn những quảng cáo về đồ tôi sắp mua, nhà nghỉ, khách sạn nơi tôi sắp đi du lịch,… Ơ hay, họ đang được tự ý lấy dữ liệu tôi sử dụng để làm giàu này. Đấy, cá nhân tôi đã bị lợi dụng cho họ làm giàu như thế.
Còn về mặt quốc gia thì sao?
Không có mặt trận an ninh mạng thì một quốc gia sẽ tồn tại như thế nào trong cái thời kỳ 4.0 mà mọi thứ đều có Internet như thế này. Bạn sẽ nghĩ sao nếu các hệ thống Internet ở Việt Nam một ngày nào đó sẽ bị điều khiển toàn bộ từ nước ngoài. Vâng, họ có thể kiểm soát hoàn toàn các hoạt động của quốc gia mình bằng cách xâm nhập trên mạng Internet.
Ở một phương diện khác, họ có thể thu thập mọi bí mật quốc gia thông qua môi trường mạng. Chính phủ điện tử, thành phố thông minh ư? Hãy nghĩ xem nếu không có an ninh mạng thì dữ liệu dân cư, dữ liệu hạ tầng, chính sách phát triển đều có thể bị ăn cắp với một “phím enter”.
Thế đấy, GDP phát triển thêm 1,2% nhưng mỗi công dân bị lợi dụng làm công cụ kiếm tiền cho doanh nghiệp nước ngoài… Cái thứ mà các nước phát triển họ đang quý trọng hơn tiền bạc rất nhiều thì ở Việt Nam chúng ta đang thực sự coi nhẹ. Sao lại thế nhỉ?
Doanh nghiệp không an toàn, xin đừng làm công nghệ!
Ngoài cái GDP, thì họ lại đang kêu gào nếu có Luật An ninh mạng thì doanh nghiệp vướng thêm nhiều điều kiện kinh doanh. Mà Việt Nam đang cố gắng cắt giảm điều kiện kinh doanh thì giờ tăng làm sao được?
Xin thưa là điều kiện kinh doanh có thể sẽ tăng khi có Luật An ninh mạng nhưng chỉ có những doanh nghiệp liên quan đến công nghệ thông tin mới phải chấp hành thôi. Ơ thế mấy cái điều kiện về an toàn thông tin cho khách hàng mà doanh nghiệp công nghệ thông tin không đáp ứng được thì kinh doanh làm cái gì?
Tôi lấy ví dụ thế này, ở Việt Nam có công ty Bkav cho ra mắt sản phẩm điện thoại thông minh Bphone, chiếc điện thoại được quảng cáo là sản xuất chính tại Việt Nam, do chính người Việt sáng tạo. Nhưng, cái mà tôi quan tâm hơn là họ quảng cáo, đây là điện thoại bảo mật nhất thế giới. Vâng, chưa cần có Luật An ninh mạng thì đã có những nhà sản xuất tập trung bảo vệ an toàn mạng cho khách hàng của mình rồi. Thử hỏi, họ có cảm thấy khó khăn với mấy cái điều kiện kinh doanh về an ninh mạng không? Xin thưa là điều kiện kinh doanh đó không khó, cũng không cản trở doanh nghiệp đâu ạ.
Tôi chỉ nghĩ thế này, có những doanh nghiệp làm ăn chộp giật nào đó, điều kiện kinh doanh đáp ứng không được quay sang hối lộ, đi cửa sau để cơ quan quản lý nương tay, nhắm mắt cho qua thì mới tốn kém thôi.
Khép lại cái câu chuyện làm Luật An ninh mạng đến đâu, làm như thế nào, xin khẳng định lần nữa là phải có Luật An ninh mạng ra đời. Đừng có cố tình xóa bỏ sự ra đời của nó chỉ vì lợi ích nhỏ nhen nào đó. Cũng xin đừng đánh đổi an toàn thông tin quốc gia bằng vài cái viễn cảnh phát triển kinh tế “vô căn cứ”.
(Theo Bút Danh)