Đang đối phó với dịch viêm phổi, VN chuẩn bị dùng radar quân sự đối phó dịch châu chấu
Việt Nam có thể phải đối phó với dịch châu chấu đang di chuyển từ Ấn Độ, Pakistan sang hướng Đông với nhiều phần đến tận Việt Nam tàn phá mùa màng, cây cỏ.
Nhiều ngày vừa qua báo chí trong nước từng đề cập nguy cơ này.
Đến hôm Thứ Hai 16 Tháng Ba, tờ Dân Trí lập lại một đề nghị của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn CSVN một cách đối phó với hàng triệu con châu chấu hiện đã và đang tàn phá tại một số quốc gia Trung Đông, Châu Phi, Nam Á. Nguy cơ chúng di chuyển về hướng đông đến tận Việt Nam là rất có thể xảy đến.
Theo đề nghị vừa kể, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn “có thể phải trao đổi với Bộ Quốc phòng xác định khả năng sử dụng radar quân sự phát hiện, xác định hướng và đo kích thước đàn châu chấu sa mạc có nguy cơ tiến vào Việt Nam,… đồng thời đề xuất kế hoạch ứng phó” khi dịch châu chấu này di chuyển đến đây.
Theo nguồn tin trên, Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn dẫn thông tin từ FAO cho biết, dịch châu chấu sa mạc Schitocera gregaria bắt nguồn từ Tháng Năm đến Tháng Sáu năm 2019 tại Yemen, Ả Rập Xê Út và phía Tây Nam Iran, sau đó di cư đến phía Bắc Somalia, Ethiopia, Kenya và khu vực biên giới Ấn Độ – Pakistan từ Tháng Bảy đến Tháng Mười Hai, 2019.
Hồi giữa Tháng Hai 2020, cơ quan Lương Nông Quốc Tế (FAO) của LHQ báo động dịch châu chấu đe dọa khủng hoảng lương thực tại một số nước Châu Phi như Ethiopia, Kenya, Uganda, Tanzania and Somalia. FAO yêu cầu quốc tế trợ giúp khẩn cấp để các quốc gia này tránh được thảm kịch chết đói đang đến gần với hàng triệu người.
Các biện pháp như xịt thuốc diệt côn trùng hiện được áp dụng nhưng không đủ tác dụng khi hàng tỉ con châu chấu sinh sản quá nhanh, quá nhiều. FAO tiên đoán đến Tháng Sáu tới đây đàn châu chấu khắp nơi có thể đông gấp 500 lần, đ.e d.ọa an ninh lương thực đối với rất nhiều quốc gia trên hướng di chuyển của chúng.
Chỉ riêng tại Kenya, người ta ước lượng đã có khoảng 200 tỉ con châu chấu mà mỗi con có khả năng ăn một trọng lượng lá cây bằng sức nặng của nó. Tính ra, tương dương với sức ăn của 84 triệu người trong một ngày, theo tài liệu phúc trình của Liên Hiệp Quốc. Một viên chức FAO sau khi đi thăm Somalia kể rằng một đàn châu chấu có thể kéo dài tới 460 dặm với 40 triệu con tới 80 triệu con chỉ trong phạm vi nửa dặm.
Phần lớn các quốc gia Châu Phi đang bị dịch châu chấu tàn phá. Chúng phát triển nhanh bất thường tới một số quốc gia khu vực Trung Đông và tới các nước Nam Á như Pakistan, Ấn Độ từ Tháng Giêng đến giữa Tháng Hai, 2020. Người ta tin rằng đợt dịch châu chấu bây giờ phát khởi từ Yemen ba tháng trước đây. Tại Ấn Độ, dịch châu chấu đã tàn phá khoảng 350,000 hécta đất nông nghiệp.
Hồi cuối tháng trước thấy có tin chuyên viên Trung Quốc đề nghị gửi một quân đoàn vịt với 100,000 con sang nước Pakistan giúp đối phó với dịch châu chấu.
Một nhà khảo cứu tên Lu Lizhi của Viện Khoa Học Nông Nghiệp tỉnh Triết Giang nói với tạp chí Times là một con vịt có thể ăn đến 200 con châu chấu mỗi ngày, hiệu quả hơn là đối phó với dịch bằng hóa chất. Tuy nhiên, sau đó báo chí địa phương nói nhà cầm quyền Trung Quốc bác bỏ kế hoạch đó.
Theo tờ Dân Trí, “Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đã chỉ đạo Cục Bảo Vệ Thực Vật yêu cầu các Chi Cục Trồng Trọt và Bảo Vệ Thực Vật ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Tây Bắc (nơi có khả năng, dự kiến đàn châu chấu có thể di chuyển qua) theo dõi sát về tình hình phát sinh gây hại, phát hành tài liệu hướng dẫn các Chi cục nhận diện đối với châu sa mạc và biện pháp phòng chống.”
Đồng thời “Trao đổi với Bộ Quốc Phòng xác định khả năng sử dụng radar quân sự phát hiện, xác định hướng và đo kích thước đàn châu chấu khi chúng di chuyển và sử dụng dụng máy bay phun thuốc bảo vệ thực vật trong trường hợp dịch trên diện rộng.” Hiện Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn đang “xây dựng kế hoạch dự trữ quốc gia thuốc trừ châu chấu…”
Dịch châu chấu chưa tới nhưng nông dân Việt Nam tại một số tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên đang đối diện với hạn hán và nước biển xâm nhập sâu vào sông rạch nội địa. Không những đồng ruộng nứt nẻ, cây cối chết khô mà hàng trăm ngàn người đang thiếu cả nước uống.
Nguồn: Người việt