Đại biểu Trương Trọng Nghĩa đề nghị cần hủy án, điều tra lại vụ Hồ Duy Hải
Sau quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về vụ án Hồ Duy Hải, đã có nhiều ý kiến trái chiều về quyết định của hội đồng. Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Ngọc Hòa, thành viên Hội đồng thẩm phán (Tuổi Trẻ, ngày 12-5).
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa – Ảnh: Việt Dũng
Sau cuộc trao đổi này, các chuyên gia tiếp tục có ý kiến khác nhau về các luận điểm do ông Bùi Ngọc Hòa đưa ra cũng như nội dung phán quyết của Hội đồng thẩm phán (HĐTP) về vụ án này. Để rộng đường dư luận, Tuổi Trẻ giới thiệu thêm các ý kiến phân tích về tính pháp lý của vụ việc.
* Đại biểu Quốc hội TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA:
Cần hủy án, điều tra lại
Tôi thấy những luận cứ mà HĐTP TAND tối cao đưa ra chưa đủ sức thuyết phục để giải quyết hết những vấn đề được nêu ra bởi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và kháng nghị của Viện KSND tối cao. Khi chưa giải quyết được hết những vấn đề đó thì quyết định giám đốc thẩm sẽ làm nhiều người lo ngại, băn khoăn nhiều điểm.
Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) hiện đang tiếp cận với sự tiến bộ của nền tư pháp của các quốc gia phát triển nhưng theo tôi, quyết định giám đốc thẩm không phát huy được hết những tiến bộ trong đạo luật đó, đặc biệt là nguyên tắc suy đoán vô tội. Mỗi quyết định của tòa giám đốc thẩm vô hình trung sẽ trở thành án lệ hướng dẫn cho công tác tố tụng về sau.
Tuy nhiên, những sai sót về mặt tố tụng trong quá trình điều tra cũng như giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đã rất rõ. Ủy ban Tư pháp đã trực tiếp giám sát toàn bộ hồ sơ vụ án, gặp Hồ Duy Hải trong trại giam, từ đó mới đưa ra nhận định đánh giá. Dựa trên đánh giá của Viện KSND tối cao và Ủy ban Tư pháp thì những sai sót của quá trình điều tra, bản án sơ thẩm, phúc thẩm là nghiêm trọng.
Cần minh định rõ là kháng nghị của Viện KSND tối cao không hề nói Hồ Duy Hải bị oan, mà chỉ nêu ra những vi phạm tố tụng nghiêm trọng nên đề nghị điều tra lại. Khi xét xử vụ án nếu có sai sót nghiêm trọng về mặt tố tụng thì luôn luôn có nguy cơ oan sai, nên việc hủy án điều tra lại là để tránh oan sai.
BLTTHS cũng có những quy định chặt chẽ trong điều tra, thu thập chứng cứ cũng như xét xử. Nếu việc tuân thủ các quy định này không đầy đủ thì phải điều tra lại, để có bản án khác dựa trên cơ sở tuân thủ đầy đủ quy định đó thì sẽ có sức thuyết phục đối với dư luận, với nhân dân, cử tri và cả chính bị cáo.
Trong một vụ án giết người có mấy loại chứng cứ cực kỳ quan trọng.
Thứ nhất, chứng cứ đầu tiên là vật chứng để chứng minh trực tiếp hành vi phạm tội, nhưng quá trình thu thập đã vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Các vật chứng chủ yếu được kết luận là dùng để gây tội đã biến mất.
Thứ hai, dấu vết như máu, vân tay nhưng việc thu thập, xét nghiệm có rất nhiều vấn đề.
Thứ ba, các loại thời gian thời điểm của nghi can, những người khác có liên quan, thời gian thời điểm bị hại tử vong… là yếu tố cần thiết để buộc tội giết người nhưng các yếu tố này trong vụ án Hồ Duy Hải đều có sai sót nghiêm trọng, nên tôi cho rằng cần hủy án điều tra lại.
Về phán quyết của hội đồng giám đốc thẩm cho rằng kháng nghị của viện kiểm sát vi phạm pháp luật, theo tôi, những căn cứ tòa đưa ra cũng chưa thuyết phục. Theo điều 379 BLTTHS, kháng nghị theo hướng có lợi cho bị cáo thì không bị khống chế về thời gian. Kể cả khi bị cáo đã chết vẫn có thể kháng nghị.
Việc Chủ tịch nước quyết định bác hoặc chấp nhận đơn xin ân giảm không tác động đến tính sai đúng của bản án. Nó khác với các quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của chánh án TAND tối cao hay viện trưởng Viện KSND tối cao. Pháp luật cũng không có quy định khi có quyết định bác đơn xin ân giảm tử hình thì chấm dứt các thủ tục tố tụng sau này (nếu có).
Do đó, dù quyết định bác đơn xin ân giảm án tử hình của Chủ tịch nước đối với Hồ Duy Hải đang có hiệu lực thì kháng nghị của Viện KSND tối cao theo hướng có lợi cho bị án này vẫn có thể thực hiện bất cứ lúc nào.
Nguồn: Tuổi trẻ