Covid-19: Nước Mỹ đã lộ ra vết nứt nguy hiểm
Vào ngày 3 tháng 3 năm 2020, Việt Nam chính thức công bố đã sản xuất được bộ kit phát hiện ra vi rút SARS-CoV-2 đạt tiêu chuẩn của WHO, với độ nhạy = 5 copies/phản ứng & độ đặc hiệu = 100%.
Cũng vào thời điểm đó, ở nửa phía bên kia của bán cầu, Thời báo New York đã đăng tải những thông tin không vui. Theo thời báo này, điều mà các nhà khoa học không mong đợi là vết nứt đầu tiên trong hệ thống y tế công cộng Hoa Kỳ khi SARS-CoV-2 thâm nhập, đó là xét nghiệm và chẩn đoán.
Bộ kit của Hoa Kỳ sản xuất đã bộc lộ vết nứt đầu tiên ấy!
Tính đến sáng ngày 4 tháng 3, đã có 112 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, rất có thể còn nhiều trường hợp chưa được phát hiện hoặc chưa rõ nguồn lây; tổng cộng 9 bệnh nhân tử vong, tất cả đều ở bang Washington.
Mỹ đang chiếm giữ tỉ lệ tử vong cao nhất thế giới: 9/112 = 8%
Tiểu bang Washington, nơi được giới truyền thông mô tả giống như “Vũ Hán ở Hoa Kỳ” vì tỉ lệ nhiễm bệnh cao nhất và toàn bộ các ca tử vong đều nằm ở đây. Sáng ngày 1 tháng 3, giờ địa phương, tiểu bang đã đi đầu trong việc công bố tình trạng khẩn cấp, ngay lập tức triển khai những biện pháp mạnh mẽ để cách li và điều trị.
Hiện tại, truyền thông Hoa Kỳ đang chú ý đến bang Kirkland, nơi có một viện dưỡng lão đang bùng phát ổ dịch mới. Hai người đã được chẩn đoán. Một trong số đó là bệnh nhân tuổi 70 đang rơi vào tình trạng nghiêm trọng. Hơn 50 nhân viên và người cao tuổi có triệu chứng về đường hô hấp và thậm chí là viêm phổi. Mười hai trong số 30 lính cứu hỏa và cảnh sát bị cách li sau khi tiếp xúc trực tiếp với bệnh 2 bệnh nhân COVID-19 và những người đang có các triệu chứng giống như cúm.
Thị trường chứng khoán Mỹ đang đỏ rực!
Chiều ngày 3 tháng 3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ủng hộ 100.000 đô la tiền lương quý IV của mình cho Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, để hỗ trợ cuộc chiến chống lại coronavirus. Đây là đợt ủng hộ tiền lương lần thứ 4 của Tổng thống dành cho Bộ này.
Cũng trong buổi chiều này, Trump đến làm việc với Trung tâm nghiên cứu Vắc-xin của Viện Sức khỏe Quốc gia, ông hối thúc các nhà khoa học ở đây “tăng tốc”.
Ngay sau đó, Tiến sĩ Anthony Fauci – giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, đã nói với các thượng nghị sĩ trong phiên điều trần rằng, vắc-xin đang đi đúng hướng và “nhanh nhất theo nghĩa đen mà chúng tôi từng làm”. Fauci cho biết, nếu vắc-xin đang nghiên cứu mà đạt hiệu quả, sản phẩm sẽ có ngay lập tức, nhưng phải mất 1 năm nữa thì công chúng mới có thể sử dụng.
Đêm mùng 3 tháng 3, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, người đang nắm giữ chức vụ tổng chỉ huy lực lượng đặc nhiệm tấn công SARS-CoV-2 của Nhà Trắng, đã công bố tất cả người Mỹ có thể được xét nghiệm vi rút theo chỉ định của bác sĩ, bất kì bác sĩ lâm sàng hoặc cơ quan y tế nào cũng có thể quản lí xét nghiệm. Pence nói thêm rằng, có khoảng 2.500 bộ dụng cụ thử nghiệm được CDC phê duyệt, sẽ được xuất kho vào cuối tuần này.
Từ khi ca bệnh đầu tiên xảy ra ở Washington được xét nghiệm RT-PCR dương tính vào 6 tuần trước, Bộ Y tế Mỹ đã phân tích kĩ cấu trúc di truyền, căn cứ vào đó đưa ra cảnh báo rất có thể coronavirus chủng mới đang lưu hành trong cộng đồng.
Thời báo New York ước tính quy mô nhiễm COVID-19 ở Tiểu bang Washington có thể dao động từ 150 đến 1500. Tuy nhiên, từ khi dịch bệnh bùng phát cho đến ngày 1 tháng 3, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) mới chỉ xét nghiệm cho 472 người ở Hoa Kỳ, trong đó có hơn một trăm người trở về từ Trung Quốc và hành khách trên con tàu ‘Công chúa Kim Cương – Princess Diamond’.
“Dịch bệnh diễn ra đột ngộtvà nghiêm trọng. Các bệnh viện trên khắp Hoa Kỳ chưa sẵn sàng – bởi vì cho đến tận bây giờ (ngày 2 tháng 3), tôi không nhận được một bộ xét nghiệm nào.” – Matt McCarthy, một bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Lão khoa ở New York Nói như vậy với các phương tiện truyền thông.
Kênh Tin tức và Kinh doanh Hoa Kỳ (CNBC) dẫn lời một số chuyên gia y tế công cộng nói rằng, tốc độ xét nghiệm ở Hoa Kỳ đã diễn ra chậm chạp, “hàng chục phòng thí nghiệm y tế công cộng vẫn đang chờ thiết bị xét nghiệm, đó là một sai lầm của CDC.”
Kit xét nghiệm có sai sót và cực kì thiếu thốn?
Phản ứng của CDC Hoa Kỳ với dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán được đưa ra sớm nhất là vào ngày 7 tháng 1 năm 2020. Cùng ngày, CDC đã ra mắt hệ thống giám sát và báo cáo tình hình coronavirus chủng mới 2019, để cập nhật dữ liệu phòng chống dịch bệnh, các biện pháp liên quan và nguyên tắc hướng dẫn trong thời gian thực.
Ngày 21 tháng 1, sau khi nhận được sự ủy quyền sử dụng tình trạng khẩn cấp của Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA), CDC tuyên bố rằng bộ kit chẩn đoán nhanh sẽ được đưa vào sản xuất. Kể từ đó đến nay, CDC đã cung cấp 200 bộ dụng cụ xét nghiệm đến 50 tiểu bang của Mỹ và 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
Mỗi bộ xét nghiệm có thể thực hiện cho khoảng 800 mẫu.
Vào ngày 12 tháng 2, một tuần sau khi bộ sản phẩm được đưa vào sử dụng, CDC đã đưa ra tuyên bố khẩn cấp về bộ dụng cụ xét nghiệm bị lỗi. Tạp chí Phố Wall trích dẫn một tuyên bố từ Ủy viên FDA Stephen Hahn nói rằng lỗ hổng bắt nguồn từ quá trình sản xuất.
Thời báo New Yorrk viết: “Các nhà khoa học chưa bao giờ tưởng tượng ra điều này khi dự đoán về dịch bệnh. Vết nứt đầu tiên mà virus vương miện mới xâm nhập vào hệ thống y tế công cộng của Mỹ chính xác là: xét nghiệm và chẩn đoán.”
Hàng thông tấn lâu đời nhất thế giới AFP đưa tin, các phòng thí nghiệm y tế công cộng ở các tiểu bang khác nhau đã báo cáo “các vấn đề”, rằng một số xét nghiệm không thể đọc được kết quả.
Theo Michael Mina – nhà dịch tễ học tại Đại học Harvard, lỗi kĩ thuật này không nằm trong dự tính của CDC, bởi “Trong lĩnh vực vi rút, đây không phải là vấn đề khó giải quyết.”
Sau khi sự cố xảy ra, CDC Hoa Kỳ yêu cầu tất cả các phòng thí nghiệm gửi mẫu và kết quả xét nghiệm trở lại trụ sở CDC ở Atlanta, để xác minh lại lần thứ hai.
Một số Thượng Nghị sĩ đã viết thư thỉnh nguyện tới Nhà Trắng để tăng cường giúp đỡ: “Các bệnh viện và phòng thí nghiệm trên toàn nước Mỹ chưa nhận đủ bộ dụng cụ xét nghiệm, trong khi vi rút đang lây lan.” Cựu giám đốc FDA, ông Scott Gottlieb và các quan chức Nhà Trắng khác cũng cảnh báo rằng nếu không có đủ kit sàng lọc, những bệnh nhân mới tiềm năng có thể không được phát hiện kịp thời.
Vào ngày 26 tháng 2, một phát ngôn viên của CDC tại Hoa Kỳ đã công khai thừa nhận bộ xét nghiệm có vấn đề, chính ông đang làm việc với FDA để sản xuất bộ xét nghiệm mới. Ngoài ra, CDC đã phê duyệt sáu phòng thí nghiệm y tế công cộng có thể tự tiến hành xét nghiệm. Đối với các tiểu bang còn lại, sử dụng bộ dụng cụ CDC mới, hoặc sử dụng bộ công cụ hiện tại nhưng phải gửi mẫu và kết quả cho CDC để xác minh thứ cấp.
Trang tin tức Politico cho biết, vào ngày 1 tháng 3 Bộ Y tế Mỹ đã mở một cuộc điều tra về sự cố “khiếm khuyết kit”, trong đó có xem xét vấn đề tại sao CDC khăng khăng sản xuất bộ xét nghiệm riêng thay vì sử dụng sản phẩm do Tổ chức Y tế Thế giới phân phối.
Hoa Kỳ có nên mở rộng đối tượng làm xét nghiệm?
Tờ báo Washington Post đăng tải ý kiến của một bác sĩ cấp cứu tại Trường Y Johns Hopkins ở Hoa Kỳ. Theo chuyên gia này: “Các tiêu chuẩn xét nghiệm quá nghiêm ngặt. Tôi đã nghe từ nhiều đồng nghiệp rằng họ đề nghị bệnh nhân nghi ngờ xét nghiệm nhưng đã bị từ chối.”
CDC đưa ra 3 tiêu chuẩn để chỉ định xét nghiệm:
1. Người bị sốt hoặc có triệu chứng của bệnh đường hô hấp dưới, có tiếp xúc gần với người bị nhiễm đã được chẩn đoán mắc bệnh trong vòng 14 ngày;
2. Người bị sốt hoặc có triệu chứng của bệnh đường hô hấp dưới, cần phải nhập viện và có tiền sử đến từ vùng dịch bệnh trong vòng 14 ngày;
3. Người bị sốt hoặc có triệu chứng của bệnh đường hô hấp dưới cấp tính nghiêm trọng (như viêm phổi, suy hô hấp cấp tính) cần nhập viện và không có chẩn đoán khác phù hợp.
Tuy nhiên, đã xảy ra trường hợp nằm ngoài 3 tiêu chuẩn trên, đó là “Bệnh nhân Số 15”.
Ca bệnh là người đàn ông 65 tuổi, không có tiền sử tiếp xúc hay đi lại qua vùng dịch tễ, được chuyển đến Trung tâm Y tế Davis thuộc Đại học California, vào ngày 19 tháng 2 năm 2020. Bệnh nhân bị viêm phổi rất nặng phải đặt ống nội khí quản. Bệnh viện đã yêu cầu được cung cấp 1 bộ xét nghiệm từ CDC Hoa Kỳ, nhưng bị từ chối, lí do vì bệnh nhân không đủ 3 tiêu chuẩn khuyến cáo của CDC.
Cho đến ngày 23 tháng 2, bằng các nào đó bệnh nhân được xét nghiệm, ngày 26 tháng 2 kết quả SARS-CoV-2 dương tính.
Bình luận về sự kiện này, Thời báo New York cho biết CDC xác định sẽ mở rộng năng lực sản xuất bộ kit thử và tăng số lượng người được xét nghiệm. Theo Stephen Hahn – Giám đốc FDA Hoa Kỳ, với sự giúp đỡ của các công ti tư nhân và trung tâm học thuật, Hoa Kỳ có thể hoàn thành 1 triệu xét nghiệm chẩn đoán trước ngày 9 tháng 3.
Nhưng chi phí xét nghiệm cao: đó là vấn đề nan giải!
Ở Mỹ, “công chúng sợ xét nghiệm”, bởi vì nó quá đất!
Tờ báo điện tử Business Insider đã nêu vấn đề như vậy trong bài viết về một người Mỹ đến bệnh viện làm xét nghiệm kiểm tra SARS-CoV-2, kĩ thuật xét nghiệm cả bằng ngoáy họng tăm pôn và mẫu máu, tổng số tiền phải chi trả là 3.270 đô la. Người đàn ông đó có bảo hiểm, được thanh toán tối đa, nhưng vẫn phải bỏ ra 1.400 đô la tiền túi.
Vào ngày 2 tháng 3, Thời báo New York đăng tải bài viết công dân Hoa Kỳ Frank Wucinski và cô con gái 3 tuổi của mình, Annabel, nằm trong số hàng chục người Mỹ được chính phủ đưa máy bay chở về nước từ Vũ Hán đồng thời kiểm tra phát hiện nhiễm SARS-CoV-2.
Vợ của Wucinski chưa có quốc tịch Mỹ, nên cô vẫn phải ở lại Trung Quốc, các bác sĩ chẩn đoán cô bị viêm phổi Covid-19. Trước đó, cô đã chăm sóc người cha bị nhiễm bệnh, ông mới qua đời.
Vào ngày 1 tháng 3: Wuncinski nhận được hóa đơn y tế 3.918 đô la.
“Trong thời gian cách li, con gái và tôi đã điều trị hai lần tại bệnh viện, mỗi lần kéo dài 3 hoặc 4 ngày. Lí do là một quan chức đã nghe thấy con gái tôi bị ho. Xét nghiệm vi rút âm tính. Khi chúng tôi trở về nhà, chúng tôi đã nhận được chồng hóa đơn y tế, bao gồm viện phí, tiền chi cho bác sĩ X quang, tiền trả cho công ti vận chuyển cứu thương “.
Giáo sư luật y tế toàn cầu Lawrence Gostin thuộc Đại học Georgetown cho biết: “Chi phí cao như vậy có thể khiến bệnh nhân thận trọng khi tìm kiếm phương pháp điều trị cần thiết”.
Hoa Kỳ là một quốc gia luôn phải đối phó với dịch bệnh cúm và giống như cúm: mỗi năm ước tính có từ 19 – 26 triệu công dân bị mắc, cướp đi sinh mạng của hơn chục ngàn người. Có thể nói, CDCcùng với Bộ Y tế và Chính phủ Mỹ luôn làm tốt công tác phòng chống dịch, mà đại dịch COVID-19 này cũng không là ngoại lệ.
Nhưng chắc chắn COVID-19 không hề đơn giản!
…
Việt Nam, đến thời điểm hiện tại vẫn đang kiểm soát tốt tình hình, luôn nhận được sự hỗ trợ tốt nhất từ WHO về mọi mặt, trong đó có cả những bộ kit xét nghiệm. Mỹ cũng đồng hành, CDC rất nhiệt tình giúp đỡ Việt Nam cả về kit lẫn kĩ thuật, điều đó góp phần rất quan trọng trong trận thắng mở màn của chiến dịch phòng chống COVID-19 ở nước ta.
Rõ ràng, sự khó khăn của Mỹ hôm nay là bài học lớn cho Việt Nam, để chúng ta không được phép chủ quan trước dịch bệnh. Việt Nam đã đủ khả năng sản xuất kit xét nghiệm SARS-CoV-2, với độ nhạy 5 copies/ phản ứng & độ đặc hiệu 100% theo chuẩn WHO, đó là niềm vui lớn giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trong thời gian tới.
Cá nhân tôi rất hài lòng với ý thức phòng chống dịch của người dân Việt!
Chỉ số rất rất ít người, không đáng kể, là đang có sự chủ quan lơ là, không tuân thủ đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, chưa có tinh thần trách nhiệm với bản thân và cộng đồng; nhưng tôi tin sẽ có sự thay đổi lớn ở nhóm người này.
Một trận mang theo sấm chớp, mưa đá và giông lốc lớn chưa từng có diễn ra hôm qua và hôm nay, ở khu vực phía Bắc của Việt Nam, nó cũng giống như những gì diễn ra đêm giao thừa; lại báo hiệu điều tốt, khi mà từ chủ nhật tới trở đi nền nhiệt miền Bắc có thể lên tới 30 độ và độ ẩm khá cao, sẽ giúp hạn chế bớt khả năng lây lan của vi rút.
Và nữa, bộ gen người Việt, theo tôi rất có thể mang những đặc tính ít phù hợp với SARS-CoV-2.
theo BS. TRẦN VĂN PHÚC