Công ty Trung Quốc dối trá về thuốc điều trị virus Corona
Sàn Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải vừa cảnh cáo một công ty công nghệ sinh học Trung Quốc về tuyên bố rằng, họ đang sản xuất một loại thuốc thử nghiệm để điều trị COVID-19.
Dối trá để trục lợi
Đầu tháng 2, Tổ chức Y tế Sinh học BrightGene có trụ sở tại Tô Châu cho biết họ đã nhận được sự chấp thuận của công ty chủ sở hữu Gilead Science để chế tạo ra Remdesivir – loại thuốc duy nhất được cho là có hiệu quả trong điều trị virus Corona chủng mới (theo WHO).
Ngày 12/2, cổ phiếu của BrightGene đã tăng đột biến lên gần 60% sau khi công ty này cho biết họ đã được ủy quyền để sản xuất hàng loạt thuốc Remdesivir.
Một công ty công nghệ sinh học Trung Quốc về tuyên bố rằng họ đang sản xuất một loại thuốc thử nghiệm để điều trị COVID-19. (Ảnh minh họa: Wikipedia)
Theo Viện Virus học của ĐH Alberta Li Li Shing, Remdesivir đã được sử dụng để điều trị virus Ebola, Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) và Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Loại thuốc này cũng có thể có hiệu quả để điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm COVID-19.
Tuy nhiên ngày 1/3, Sàn Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải cho biết BrightGene không hề nhận được sự chấp thuận từ các cơ quan quản lý thuốc Trung Quốc, cũng như từ chủ sở hữu bằng sáng chế thuốc Remdesivir – nhà sản xuất dược phẩm Hoa Kỳ Gilead Science để sản xuất thuốc với số lượng lớn.
Thông tin xác thực này đã khiến cổ phiếu của BrightGene rớt thê thảm, giảm 20% vào ngày thứ Hai (2/3). Những ngày cuối tháng 2, Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch đã cảnh báo các nhà đầu tư về các gian lận của BrightGene liên quan đến tuyên bố rằng, các sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty này có thể được sử dụng để giúp ngăn chặn sự bùng phát của virus Corona:
“Chúng tôi đã biết về một số chương trình khuyến mãi trên Internet, bao gồm cả trên phương tiện truyền thông xã hội, tuyên bố rằng các sản phẩm hoặc dịch vụ của các công ty giao dịch công khai có thể ngăn chặn, phát hiện hoặc chữa trị khỏi virus Corona, và cổ phiếu của các công ty này sẽ tăng giá trị đáng kể vì tuyên bố đó”.
Phương pháp điều trị của Trung Quốc có hiệu quả?
Khi virus Corona lây lan sang khắp châu lục, các nhà khoa học và bác sĩ trên khắp thế giới đang gấp rút tìm cách chữa trị căn bệnh này – COVID-19 – trước khi nó lây nhiễm cho nhiều người hơn, và đặt ra thách thức lớn hơn đối với sức khỏe toàn cầu.
Trung Quốc, “quê hương” của virus Corona đang tìm mọi cách để phát triển các phương pháp điều trị COVID-19 hiệu quả, bao gồm các loại thuốc điều trị và vắc-xin.
Những lời “quảng bá” trên truyền thông Nhà nước rằng, những tiến bộ của các nhân viên y tế Trung Quốc trong việc điều trị bệnh đã mang lại hy vọng cho hơn một nửa số bệnh nhân ở đại lục – nơi dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên vào cuối năm ngoái – đã được xuất viện, giảm số ca bệnh được xác nhận còn lại xuống dưới 35.000.
Trong khi các nước bên ngoài Đại lục đang vật lộn với số ca nhiễm và tử vong tăng cao đột biến, thì số liệu tại Trung Quốc cho thấy tỷ lệ các ca nhiễm và tử vong lại đang giảm xuống một cách kỷ lục.
Trung Quốc đã và đang “chào mời” lời đề nghị cung cấp trợ giúp y tế cho các quốc gia đang đối phó với COVID-19, khi vào cuối tuần trước Ngoại trưởng Vương Nghị đã gửi lời trợ giúp tới các đối tác của mình tại Ý và Iran – hai quốc gia đang bị virus Corona “quần thảo”.
Tuy nhiên có một thực tế rõ ràng là, hầu hết những người đã hồi phục thường chỉ bị các triệu chứng nhẹ của bệnh, nhưng tỷ lệ tử vong ở người già và những người bị nhiễm trùng tiến triển đến giai đoạn bệnh nặng vẫn còn rất cao. Đây chính là điều mà truyền thông Nhà nước Trung Quốc tránh né đề cập đến.
Tại Trung Quốc, tỷ lệ tử vong chung của những người nhiễm bệnh là khoảng 2,3%. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu về các mẫu ban đầu được công bố trên The Lancet, Tạp chí Y khoa nổi tiếng có trụ sở tại Anh tuần trước, căn bệnh này đã giết chết 61,5% bệnh nhân nguy kịch.
Dù các quan chức Trung Quốc tỏ ra “lạc quan” trước số liệu các ca nhiễm mới lẫn tỷ lệ tử vong giảm vì COVID-19, nhưng những phát biểu có tính quan ngại thường lại được công bố từ Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc:
“Một trong những điểm chính chúng tôi đang cố gắng làm vào lúc này là giảm số lượng bệnh nhân có tình trạng tiến triển đến giai đoạn bệnh nặng và cải thiện tỷ lệ sống sót của những người đã đạt đến giai đoạn đó”, một chuyên gia nói. “Để làm điều này, chúng tôi cần hiểu loại thuốc nào sẽ hữu ích.”
Theo dữ liệu mới nhất về quyền Đăng ký thử nghiệm lâm sàng Trung Quốc, cho đến nay, có 293 thử nghiệm lâm sàng về khả năng chống lại các loại virus Corona mới. Bất chấp logic thông thường là “nhiều thử nghiệm hơn, cơ hội thành công cao hơn”, một số chuyên gia đã bày tỏ lo ngại về số lượng thử nghiệm tuyệt đối: “Thực tế là các loại thuốc được sử dụng trong một số thử nghiệm thực tế không có khả năng có hiệu quả trong điều trị bệnh này”, một bác sĩ tại một viện nghiên cứu hàng đầu ở Bắc Kinh yêu cầu nặc danh tiết lộ với tờ Al Jazeera.
Chưa có thuốc điều trị COVID-19
Cho đến nay, trong số tất cả 293 loại thuốc hoặc sự kết hợp của các loại thuốc đang được thử nghiệm, chưa có loại thuốc nào cho phép các nhà khoa học xác định tính hiệu quả thực sự của chúng đối với COVID-19. Duy nhất có Remdesivir, một loại thuốc chống virus do Công ty dược phẩm Gilead của Hoa Kỳ sản xuất nhằm mục đích chống lại virus Ebola.
“Hiện tại chỉ có một loại thuốc mà chúng tôi nghĩ rằng có thể có hiệu quả thực sự và đó là Remdesivir”, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Bruce Aylward nói tại cuộc họp báo tại Bắc Kinh sau khi đến thăm trung tâm dịch bệnh ở Vũ Hán.
Loại thuốc này đã xuất hiện lần đầu tiên trong cuộc chiến chống lại COVID-19 vào đầu tháng 2, khi một báo cáo được công bố trên Tạp chí Y học New England cho biết, Remdesivir được sử dụng để điều trị cho bệnh nhân xuất viện đầu tiên ở Mỹ.
Hai ngày sau, Bệnh viện Hữu nghị Trung Quốc – Nhật Bản tại Vũ Hán cũng bắt đầu thử nghiệm lâm sàng, và sẽ cho kết quả dự kiến vào tháng 4. Công ty dược phẩm Gilead cho biết vào ngày 26/2, họ đã khởi xướng hai nghiên cứu ở giai đoạn cuối để kiểm tra tính an toàn và hiệu quả của Remdesivir cho gần 1.000 bệnh nhân mắc COVID-19 tại các trung tâm y tế trên khắp châu Á, cũng như ở các quốc gia khác có số ca chẩn đoán cao.
Tuy vậy cho đến nay, không có loại thuốc nào trong số này kể cả Remdesivir được chứng minh là có thể áp dụng chữa trị chung cho mọi bệnh nhân đang chống chọi lại sức tàn phá của virus Corona chủng mới.
(Nguồn: ntdvn)