“Có người muốn mua Chánh VP Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu 1-2 triệu USD để bỏ qua vụ Thuận Phong”

Ông Trần Hùng – nguyên Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) – Phó cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) trải lòng về quá trình đấu tranh với Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại Thuận Phong sản xuất phân bón giả.

Ông Trần Hùng cho biết, đây là vụ việc phức tạp, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Nếu không sớm khởi tố Công ty Thuận Phong về tội sản xuất phân bón giả thì “chúng ta sẽ có tội với 60 triệu nông dân Việt Nam”.

Được biết, ông là người tham gia ngay từ đầu khi Công ty Thuận Phong bị tố giác sản xuất phân bón giả. Vậy sau khi tiếp nhận tố giác, Tổ công tác của Ban chỉ đạo 389 đã làm gì thưa ông?

Có thể nói, ngay từ đầu, anh Phan Anh Minh, Phó Giám đốc Công an TP. HCM đã hỗ trợ, giúp đỡ rất nhiều. Tôi cho rằng anh Minh là “một người khó có thể mua”, “một người hết sức ngay ngắn”. Khi biết Ban chỉ đạo 389 vào cuộc, anh Minh nói: “Bây giờ em làm ở 389, do Thủ tướng làm Trưởng ban, em làm sao phối hợp với Trung ương để chỉ đạo TP. HCM. Gần như bọn anh bị tê liệt, không được phép vào khám các kho thuộc quân đội quản lý”.

Bao nhiêu năm, đất quanh sân bay Tân Sơn Nhất người ta cho thuê. Có thể vì người ta không để ý, cứ tin tưởng cấp dưới mới dẫn đến có tình trạng như vậy.

Thưa ông, vậy tại sao Công ty Thuận Phong lại thuê kho trong khu vực quân đội quản lý mà không thuê các kho ở các khu công nghiệp lân cận có mức giá rẻ hơn?

Rất dễ lý giải, đó là vì nếu thuê bên ngoài, rất dễ bị các lực lượng kiểm tra, xử lý nếu có dấu hiệu làm hàng gian, hàng giả. Doanh nghiệp “trốn” trong khu quân đội cứ nghĩ là sẽ “an toàn” hơn, cứ nghĩ là sẽ “không bị phát hiện”.

Do đó, khi Tổ công tác 389 phát hiện vào kho của Công ty Thuận Phong khám, bắt hết thì lãnh đạo rất tin tưởng, từ đó không có vùng cấm. Khi nhận tin nhắn tố giác về Công ty Thuận Phong, tôi thấy có cơ sở, lập tức báo cáo với lãnh đạo Ban 389. Ngay buổi tối hôm đó, Tổ công tác 389 vào xác minh, thẩm tra và thấy tin nhắn tố giác về Công ty Thuận Phong là đúng.

Sáng hôm sau, Tổ công tác 3 người quay lại xác minh tiếp. Tôi vào tận bờ rào quân đội, nhập vai để được vào. Tôi thấy cả một kho rất lớn, mọi thứ rất chính xác như tin nhắn tố giác. Sau đó, tôi làm báo cáo, lãnh đạo cấp trên duyệt và đề nghị làm việc với Bộ Quốc phòng để vào khám.

Như ông nói thì kế hoạch kiểm tra và khám kho phân bón của Công ty Thuận Phong được chuẩn bị kỹ lưỡng?

Đúng vậy, kế hoạch được Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phê duyệt. Sau đó, tôi báo với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai chuẩn bị sẵn cho một đội đặc nhiệm (gồm Viện KSND tỉnh, Sở NN&PTNT, Thanh tra, Công an môi trường, Công an kinh tế…) chuẩn bị sẵn để Tổ công tác 389 phối hợp kiểm tra, tránh không để xảy ra việc bao che.

Đúng giờ, Thiếu tướng Nguyễn Đình Được, Phó Chánh Thanh tra, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 1389 Bộ Quốc phòng theo lệnh của Bộ Quốc phòng cho phép Đoàn kiểm tra vào khám thì phát hiện tại chỗ một kho đang sản xuất phân bón giả.

Lúc đó, Phó giám đốc Công ty Thuận Phong chạy ra nói: “Anh ơi anh có phải anh Trần Hùng không ạ?”. Tôi trả lời: “Vâng, tôi Trần Hùng đây, có việc gì không?”. Cậu Phó giám đốc nói: “Xin phép anh là em muốn gặp riêng”. “Anh cứ nói đi có việc gì không?”. “Tôi là Thích, Phó giám đốc phụ trách sản xuất, báo cáo anh là Tổng giám đốc đang trên đường về có nói với tôi là biếu các anh 70 triệu để uống cà phê”.

Tôi cười nói với anh Được: “Báo cáo thiếu tướng, Phó giám đốc Công ty Thuận Phong nói là biếu anh em 70 triệu uống cà phê. Tiền nhiều thế này thì uống cà phê bao giờ cho hết!”. Thiếu tướng Được quay ra nói: “Ông định hối lộ à?”. Lúc đó, Thích rối rít nói xin lỗi và trả lời: “Không, không ạ!”.

Quá trình khám xét tại Công ty Thuận Phong diễn biến thế nào thưa ông?

Trong khi đang làm việc thì một thành viên Đoàn kiểm tra hô lên: “Anh ơi chúng nó hủy chứng cứ”. Lúc đó, thấy dưới kho có đám cháy bốc lên. Tôi chợt nghĩ: “Thôi chết rồi, nó đốt tài liệu”. Trong đầu tôi nghĩ là nó đang tiêu hủy hóa đơn chứng từ. Lập tức, tôi đề nghị đoàn chạy xuống ngay.

Tôi chạy xuống thì hóa ra là nó đốt màng co, tem hóa chất của công ty khác. Những cuộn màng co nhựa, tôi bắt kéo ra, dội nước vào để thu lại chứng cứ. Dũng (thành viên đoàn công tác) hô: “Em kiểm tra rồi anh ơi, họ đang sản xuất phân bón giả này”. Lúc đó có 3 công nhân, 2 nam 1 nữ đang ngồi. Tôi nhìn thấy họ đang dán mác “Made in USA”.

Theo kinh nghiệm, tôi biết đấy là giả nguồn gốc xuất xứ (giả nội dung, giả công dụng, hình thức, tem nhãn, bao bì…). Lúc đó tôi nói: “Như thế này là giả tem nhãn, sau đó làm như là tem nhập khẩu”. Thấy vậy, anh đội trưởng công an nói: “Thôi thế này thì bắt ngay quả tang tại chỗ”.

Đúng lúc đó thì Khiếu Mạnh Tường – Tổng giám đốc Công ty Thuận Phong về. Khi nghe công an nói: “Bắt ngay Tổng giám đốc này vì chỉ đạo nhân viên làm hàng giả”, Tường run lẩy bẩy. Sau đó, tôi chỉ đạo tách 3 nhân viên của Công ty Thuận Phong ra để viết bản tường trình, lập biên bản bắt quả tang. Có một cô nhân viên trông rất tội, làm việc lâu rồi. Cô nói là không biết chữ, không biết ký nên phải để cô ta điểm chỉ. Tôi thấy lạ là người ta dốt đến trình độ không biết chữ mà lại được tuyển vào để làm hàng Mỹ nhập khẩu!

Đang lập biên bản để giao hết bằng chứng cho công an, chừng nửa tiếng sau có một cú điện. Sau đó, có người giới thiệu là Phó Phòng Cảnh sát Kinh tế chạy đến. Gặp tôi, vị Phó Phòng Cảnh sát Kinh tế nói: “Thôi việc này chưa bắt quả tang được, cứ bình tĩnh để xem”.

Tôi liền gọi cho anh Tám Khánh (ông Nguyễn Văn Khánh – Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai). Tôi nói với anh Khánh: “Trong khi anh em công an đang bắt quả tang tại chỗ cả một nhà máy phân bón giả đang in ấn, đóng gói, tự nhiên có anh tới xưng là cảnh sát kinh tế cho lệnh dừng lại”. Lập tức, tôi chuyển máy cho anh Khánh nói chuyện rồi vị Phó Phòng Cảnh sát Kinh tế cứ thế “dạ dạ, vâng vâng”.

Tôi và thiếu tướng Nguyễn Đình Được cảm thấy rất bức xúc vì có dấu hiệu tiêu cực, bao che. Sau đó tôi làm hồ sơ, biên bản chốt ngay tại chỗ. Khiếu Mạnh Tường – Giám đốc Công ty Thuận Phong phải ký xác nhận đã sản xuất hàng giả.

Hôm đó, sự việc diễn ra từ 9h sáng đến 7h45 tối mới kết thúc. Cá nhân tôi báo cáo thường xuyên với anh Đinh Tiến Dũng (Bộ trưởng Tài chính), anh Đinh Quốc Thái (Chủ Tịch UBND tỉnh Đồng Nai), anh Nguyễn Văn Khánh (Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai).

Ông Khiếu Mạnh Tường – Giám đốc Công ty Thuận Phong làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành Ảnh: Tư liệu

“Muốn mua tôi 1-2 triệu USD để bỏ qua vụ việc”

Theo ông, nguyên nhân vì sao vụ việc Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả đã quá rõ ràng nhưng đến nay vẫn chưa bị khởi tố, phải chăng phía sau có “thế lực” bảo kê, bao che?

Cá nhân tôi cho rằng, bằng chứng việc Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả đã quá rõ ràng. Để góp phần làm sáng tỏ vụ việc, vừa qua, nhiều lãnh đạo công ty luật cũng đã có văn bản gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ kiến nghị khởi tố Công ty Thuận Phong tội sản xuất phân bón giả. Các công ty luật này cũng ủng hộ, tư vấn miễn phí cho bà con nông dân, Hiệp hội Phân bón Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam.

Liên quan đến vụ việc, 6 Bộ đều cho rằng Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả, trừ tỉnh Đồng Nai là bao che đến cùng và đại diện Cục C46 đã báo cáo không chính xác vụ việc với lãnh đạo Bộ Công an…

Tại một cuộc họp liên quan đến vụ việc của Công ty Thuận Phong, trước một lãnh đạo Bộ Công an, tôi đã nói rõ mình là người được lệnh kiểm tra của lãnh đạo Chính phủ và Bộ Quốc phòng. Tôi cũng nói thẳng luôn, chính anh Phan Anh Minh – Phó giám đốc Công an TP. HCM đã phát biểu trước Hội nghị rằng: “Đồng chí Trần Hùng phải lưu ý, có thông tin nói rằng nó muốn mua đồng chí từ 1-2 triệu USD. Nếu không được, sẽ bắn chết! Chính vì vậy, khi tôi đi kiểm tra, Bộ Quốc phòng đã cho 2 đồng chí bảo vệ không rời 5m. Nói như thế để thấy, nghiêm trọng như thế mà tôi còn không ngại”.

Như ông nói thì có người đã tiếp cận để mua chuộc, hòng để ông ngó lơ vụ việc Công ty Thuận Phong sản xuất phân bón giả?

Đúng vậy. Sau đó, chúng nhờ nhiều người ở các bộ ngành bám theo tôi liên tục. Có người còn đến nhà đưa cho tôi 1 bọc tiền. Thậm chí, đòi xin vào nhà, nhưng tôi không cho. Tôi trả lời thẳng người đưa tiền là: “Anh không có chức vụ quyền hạn gì. Đây là một trong những hành vi vi phạm đạo đức rất nghiêm trọng của Công ty Thuận Phong nên theo anh, em hãy cất tiền đi không thì sẽ được cho là hành vi đưa hối lộ”.

Chưa dừng lại, lần sau chúng tiếp tục nhờ một cậu luật sư học cùng với tôi đến gặp. Khi nghe đề cập, tôi biết là để nhờ vả việc gì rồi. Nói thật, tôi ghi âm đầy đủ và cho trợ lý đi cùng. Sau một hồi nói chuyện, cậu luật sư ngỏ ý muốn nói chuyện riêng 2 người. Cậu ta nói rằng: “Cậu ơi, một mình cậu không làm được đâu. Tôi biết tính cậu rồi, nhưng thế lực của bọn nó to kinh khủng, cậu động vào là hy sinh đấy. Tất cả ở tỉnh nó mua được hết rồi, đồng nghiệp cậu nó cũng mua rồi, còn mỗi cậu thôi. Nó biết tôi thân với cậu nên nhờ tôi đưa cậu 1 tỷ trước uống cà phê, còn 5 – 10 tỷ sẽ đưa sau”.

Sau đó, tôi nói với cậu luật sư: “May cho ông vì ông là bạn tôi. Nếu là người khác, tôi đã cho công an bắt ông vì tội môi giới hối lộ. Tôi rất coi thường ông. Ông có biết tội làm giả phân bón là rất nặng không, làm hại bao nhiêu triệu người nông dân không. Chính ông cũng từ nông dân mà đi lên, mình là luật sư thì phải làm những gì ngay ngắn”.

Nguồn: Dân Việt

Tags: phân bón, tham nhũng, Thuận Phong.