Chuyến đi Mỹ của TBT Nguyễn Phú Trọng là nhân tố then chốt trong chiến lược bảo vệ chủ quyền Biển Đông

Chuyến đi Mỹ sắp tới của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng phải giải quyết thành công vấn đề hợp tác với Hải quân Mỹ. Lúc đó ngư dân Việt Nam mới không còn bị Hải quân Trung quốc xua đuổi và đâm chìm trên biển Việt Nam nữa.

CÁC KẾ SÁCH CỦA TRUNG QUỐC ĐỘC CHIẾM BIỂN ĐÔNG

Phải nhận thức cho đúng rằng Trung Quốc đã tiến hành một cuộc chiến tranh thực sự trên Biển Đông. Đó là cuộc chiến tranh không tiếng súng chiếm Đông Hoàng Sa năm 1956. Đó là cuộc chiến tranh súng đạn chiếm Tây Hoàng Sa năm 1974 và bảy đảo chìm nổi ở Trường Sa năm 1988.

Sau Gạc Ma 1988, Trung Quốc đang tiến hành một cuộc chiến tranh không cần tiếng súng mà có thể chiếm trọn Biển Đông. Không nhận thức đúng sẽ không có chiến lược đối phó đúng.

Một kế sách nòng cốt của Trung Quốc để chiếm trọn Biển Đông Nam Á là đàm phán song phương.

Với kế sách song phương, Trung Quốc loại bỏ cộng đồng quốc tế – là các quốc gia không có biển thuộc Biển Đông Nam Á ra khỏi vấn đề Biển Đông Nam Á. Với kế sách đàm phán song phương, Trung Quốc tách các quốc gia Đông Nam Á ra thành từng đối thủ riêng rẽ, đè nát từng đối thủ một. Tin vào chính sách song phương rồi tiến hành đàm phán song phương là dâng biển nước mình cho Trung Quốc.

Kế sách chìa khóa cốt lõi thứ 2 của Trung Quốc là dùng Hải Quân Trung Quốc xua đuổi các tàu thuyền và tàu đánh cá của ngư dân các nước khỏi vùng biển quốc tế và khỏi cả chính vùng biển trong lãnh hải của họ. Để làm việc này, Trung Quốc sử dụng lực lượng Hải quân Trung Quốc, bao gồm dùng hàng chục chiến hạm, hàng trăm tàu cảnh sát biển, và hàng ngàn tàu quân sự trá hình ngư dân đánh cá.

Kế sách chìa khóa cốt lõi thứ 3 của Trung Quốc là huy động hàng chục vạn tàu cá của ngư dân Trung Quốc chiếm lĩnh không chỉ vùng biển quốc tế mà hoạt động đánh bắt thường xuyên và sâu trong lãnh hải các quốc gia chung Biển Đông Nam Á.

Kế sách chìa khóa cốt lõi thứ 4 của Trung Quốc là thường xuyên thực thi chính sách cấm bắt đánh cá và đi lại trên Biển Đông. Dùng lực lượng Hải quân và cảnh sát biển để thực thi , biến Biển Đông Nam Á thành biển riêng của Trung Quốc.

Chính sách chìa khóa cốt lõi thứ 5 của Trung Quốc là thường xuyên đưa cư dân Trung Quốc đến các đảo Trung Quốc chiếm đống ở Hoàng Sa và Trường Sa để khẳng định chủ quyền.

Chính sách chìa khóa cốt lõi thứ 6 của Trung Quốc là kiểm soát vùng trời Biển Đông.

ĐIỂM YẾU YIẾT HẦU CỦA CÁC NƯỚC KHU VỰC BIỂN ĐÔNG

Điểm yếu yết hầu của các nước có chung Biển Đông Nam Á là sợ chiến tranh với Trung Quốc. Vì sợ chiến tranh với Trung Quốc nên phải ngồi vào đàm phán song phương với Trung Quốc. Thậm chí còn ngu dốt hơn là đã ve vãn Trung Quốc – mong Trung Quốc ưu ái riêng cho mình. Đó là mắc mưu Trung Quốc. Tự mình hại mình.

Sợ chiến tranh với Trung Quốc nên tránh va chạm với Trung Quốc. Đành nhường biển cho Hải quân và thuyền cá ngư dân Trung Quốc.

AI LÀ NGƯỜI THỰC SỰ GIỮ BIỂN CHO VIỆT NAM?

Ngư dân Việt Nam mới là lực lượng số 1 thực thi chủ quyền biển của Việt Nam. Chính đồng bào ngư dân mới là người thường ngày thực thi chủ quyền biển Việt Nam, bao gồm lãnh hải Việt Nam và vùng biển quốc tế trong Biển Đông Nam Á.

Nếu ngư dân Việt Nam bị Hải Quân Trung quốc xua đuổi khỏi ngư trường trong lãnh hải quốc tế và trong lãnh hải Việt Nam thì trên thực tế Việt Nam đã mất chủ quyền biển ở những vùng bị Hải quân Trung Quốc xua đuổi.

HẢI QUÂN VIỆT NAM PHẢI HÙNG MẠNH

Chiến tranh trên biển khác xa với chiến tranh trên bộ. Trên bộ thì một tiểu đội có thể cầm cự với một trung đoàn. Nhưng trên biển, một tàu chiến không thể kháng cự với một hạm đội. Cho nên Hải quân Việt Nam phải hùng mạnh. Đó là điều không bàn cãi. Nhưng hùng mạnh đến mức độ nào? – là câu hỏi sẽ được trả lời trong một bài viết khác.

Điều cấp thiết trong nhóm các điều cấp thiết để bảo vệ chủ quyền biển Việt Nam là gấp rút hùng mạnh hóa lực lượng cảnh sát biển. Lực lượng cảnh sát biển yếu thì không thể xua đuổi tàu Trung Quốc ra khỏi lãnh Hải Việt Nam, không bảo vệ được ngư dân Việt Nam trong lãnh hải Việt Nam – và như vậy là làm suy yếu chủ quyền biển Việt Nam.

MUỐN CÓ HÒA BÌNH TRÊN BIỂN NHẤT THIẾT PHẢI CÓ LỰC LƯỢNG QUỐC TẾ

Lực lượng quốc tế qua lại trên Biển Đông Nam Á nên họ quan tâm và có trách nhiệm bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông Nam Á. Bởi thế Hải quân quốc tế và cảnh sát biển quốc tế là nhân tố không thể thiếu trên Biển Đông Nam Á. Để làm thất bại cuộc chiến tranh chiếm Biển Đông Nam Á của Trung Quốc không thể thiếu lực lượng hải quân và cảnh sát biển quốc tế.

Chỉ có lực hượng hải quân và cảnh sát biển quốc tế mới trấn giữ không cho hải quân Trung quốc xua đuổi ngư dân đánh cá Việt Nam và các nước khác trên lãnh hải quốc tế. Chỉ có lực lượng hải quân quốc tế mới trợ gúp và tiếp sức cho cảnh sát biển Việt Nam xua đuổi tàu đánh cá của Trung Quốc khỏi lãnh hải Việt Nam. Chỉ có lực lượng hải quân quốc tế mới làm cho Hải quân Trung quốc bớt ngông cuồng và không dám ngang ngược gây chiến trên Biển Đông Nam Á.

KẾT LUẬN

Khi ông Ngô Xuân Lịch đang ”hùng biện” ở Shangri – La: “ Tôi và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đã thống nhất… biến Biển Đông thành vùng biển “Hòa bình – hợp tác – phát triển”, thì hàng ngàn thuyền cá của ngư dân Việt Nam đang bị Hải Quân Trung Quốc rượt đuổi.

Khi ông Ngô Xuân Lịch “tin Trung Quốc luôn ý thức về vai trò nước lớn của mình ở khu vực, đang khởi xướng ý tưởng xây dựng “Cộng đồng chung vận mệnh” “, thì vận mệnh của ngư dân Việt Nam đang chìm nổi trước mũi tàu Hải quân Trung Quốc.

Hải quân Trung Quốc – trong hàng chục chiến hạm công khai, dưới sắc áo hàng trăm tàu cảnh sát biển, hay chun trốn trong vỏ bọc hàng ngàn thuyền cá ngư dân – rượt đuổi đâm chìm tàu cá ngư dân Việt Nam trong lãnh hải Việt Nam.

Bài diễn văn của ông Ngô Xuân Lịch dẫu ”hùng hồn” về hòa bình bao nhiêu ở Shangri – La cũng không che được cuộc chiến tranh trá hình của Trung Quốc trên Biển Đông Nam Á.

Khi trung Quốc vẽ đường lưới bò chiếm trọn Biển Đông Nam Á là lúc ở biển Đông Nam Á không còn là vấn đề song phương.

Khi Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo và quân sự hóa các đảo chiếm đóng để kiểm soát toàn bộ Biển Đông Nam Á thì vấn đề Biển Đông Nam Á không thể song phương. Kẻ nào tin vào chính sách đàm phán song phương của Trung Quốc là dâng Biển nước mình cho Trung Quốc. Kẻ nào sợ Trung quốc là tự mình đầu hàng trước Trung Quốc.

Hợp tác chặt chẽ với lực lượng hải quân quốc tế là chiến lược đúng đắn của Việt Nam để ngăn chặn Trung quốc độc chiếm Biển Đông Nam Á. Không còn là câu hỏi nghiêng về ai? – mà hợp tác chặt chẽ với hải quân quốc tế là nhu cầu không thể thiếu của Việt Nam. Trong đó đứng đầu là Hải quân Mỹ, cùng với Hải quân Anh, Hải quân Pháp, Hải quân Úc, Hải quân Ấn độ, Hải quân Nhật Bản, tất cả cộng lại là rào cản quan trọng không cho Trung Quốc ngang ngược trên Biển Đông Nam Á.

Chuyến đi Mỹ sắp tới của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng phải giải quyết thành công vấn đề hợp tác với Hải quân Mỹ. Lúc đó ngư dân Việt Nam mới không còn bị Hải quân Trung quốc xua đuổi và đâm chìm trên biển Việt Nam nữa.

Theo FB Nguyễn Ngọc Chu