Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung “phù phép” cho chung cư không phép
Chung cư không phép xây dựng 9 tầng được chính Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho phép xây lên 21 tầng, chủ đầu tư Dự án chung cư ngõ 83 đường Ngọc Hồi đã thoát hiểm trong gang tấc.
Dấu hiệu lừa đảo khi huy động trăm tỉ đồng
Năm 2007 UBND TP Hà Nội cho Cty TNHH cơ khí Hưng Sơn (nay là Cty CP đầu tư và cơ khí Hưng Sơn) thuê 4.889 m2 đất tại ngõ 83 đường Ngọc Hồi (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) để xây dựng trụ sở và văn phòng giới thiệu sản phẩm.
Theo tìm hiểu của PV Doanh nghiệp VN thì khu đất Cty Hưng Sơn được thuê thuộc ô đất ký hiệu B13/CQ3 theo Quy hoạch chi tiết quận Hoàng Mai tỉ lệ 1/2000 đã được UBND Hà Nội phê duyệt (QĐ số 225/2005/QĐ-UB) có chức năng đất cơ quan, trường đào tạo, viện nghiên cứu. Tuy nhiên, ngày 16/1/2010 Cty Hưng Sơn đã liều lĩnh khởi công xây dựng công trình nhà ở, văn phòng làm việc và cho thuê với quy mô 9 tầng (kể cả 1 tầng hầm).
10 tháng sau, ngày 27/11/2010 Thanh tra xây dựng phường Hoàng Liệt và quận Hoàng Mai mới lập biên bản về việc chủ đầu tư xây dựng công trình không có Giấy phép xây dựng. Hiện trạng công trình lúc này được xác định đang thi công 1.700 m2 móng bê tông cốt thép.
Theo tìm hiểu của PV, sau khi được giao đất, có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Cty Hưng Sơn đã chuyển nhượng cho Cty cổ phần Kinh doanh bất động sản Ngọc Lan (Cty Ngọc Lan) do bà Dương Thị Ngọc Lan làm Giám đốc với số tiền là 12,9 tỷ đồng. Từ đầu năm 2010, bà Dương Thị Ngọc Lan bắt đầu tiến hành huy động vốn của khách mua nhà.
Để tạo lòng tin cho người mua nhà, đầu năm 2010, chủ đầu tư thực hiện thi công Dự án hết sức rầm rộ. Khách mua nhà được dẫn đến khu đất, tận mắt chứng kiến việc thi công dự án, nhiều người đã tin tưởng ký hợp đồng góp vốn để giành quyền ưu tiên mua căn hộ với đơn giá trung bình là 15,5 triệu đồng/m2.
Bằng hình thức “Hợp đồng góp vốn để được mua căn hộ, thời hạn dự kiến hoàn thành vào quý IV/2012”, hàng trăm hộ dân đã tin tưởng nộp tiền cho chủ đầu tư với tổng số tiền lên tới hơn 100 tỉ đồng. Tuy nhiên do không có Giấy phép xây dựng, xây trên đất sản xuất kinh doanh nên Dự án chung cư ngõ 83 Ngọc Hồi liên tục bị chính quyền phường Hoàng Liệt và quận Hoàng Mai liên tục ra quyết định đình chỉ xây dựng và ra quyết định cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm. Điều đặc biệt là sau mỗi lần bị xử phạt vi phạm hành chính thì công trình lại càng được xây dựng cao thêm…
Phải đến năm 2012 khi Thanh tra Bộ Xây dựng vào cuộc thì công trình mới dừng hẳn thi công, lúc này tòa nhà đã cao 9 tầng. Ngày 17/5/2012, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đã ra quyết định xử phạt chủ đầu tư 400 triệu đồng do xây dựng công trình không phép và tái phạm. Kể từ đó tòa nhà cao 9 tầng nằm phơi mưa phơi nắng đến năm 2017.
Theo các chuyên gia pháp lý, xét về hành vi vi phạm thì có thể nói chủ đầu tư dự án chung cư ngõ 83 Ngọc Hồi đã vi phạm một loạt các quy định của pháp luật về Xây dựng dự án, pháp luật đất đai về mục đích sử dụng đất, pháp luật về nhà ở… Đặc biệt trong vụ việc này chủ đầu tư dự án đã có hành vi gian dối – đưa ra những thông tin không đúng sự thật để tạo niềm tin cho khách hàng, huy động vốn trái quy định…Đó là những dấu hiệu cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hoặc tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
“Phù phép”… lên hẳn 21 tầng
Cuối năm 2015, Hà Nội có vị tân Chủ tịch UBND Thành phố là ông Nguyễn Đức Chung. 16 tháng sau, ngày 25/4/2017 Chủ tịch UBND TP Hà Nội mạnh tay ký quyết định hợp thức hóa “liên danh” giữa Cty Hưng Sơn và Cty Ngọc Lan. Tại văn bản số 2434/QĐ-UBND ngày 25/4/2017 Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã quyết định “Chấp thuận Liên danh nhà đầu tư theo hợp đồng hợp tác kinh doanh”. Lúc này Dự án chung cư ngõ 83 Ngọc Hồi có tên gọi chính thức là Dự án “xây dựng nhà ở cao tầng kết hợp văn phòng thương mại và đỗ xe”. Quy mô của công trình cao 21 tầng, 1 tầng kỹ thuật mái và 1 tầng hầm; tổng vốn đầu tư 411,464 tỉ đồng. Văn bản 2434 cũng xác định rõ phần công trình đã xây dựng (không có giấy phép – PV) là 1 tầng hầm và 8 tầng nổi.
Cũng tại văn bản 2434, ông Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo giao “Sở Xây dựng cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng”. Tuy nhiên đây lại là nhiệm vụ “bất khả thi” đối với Sở Xây dựng Hà Nội, tại sao?
Theo văn bản 2434, Dự án “xây dựng nhà ở cao tầng kết hợp văn phòng thương mại và đỗ xe” của Liên danh Cty Hưng Sơn và Cty Ngọc Lan trên lô đất rộng 4.889 m2 được phép xây dựng trên diện tích 1.605 m2; trong đó diện tích được xây dựng công trình cao tầng khoảng 1.449m2, diện tích xây dựng giàn thép đỗ xe tự động khoảng 156 m2.
Trong khi đó, như đã nêu trên, công trình nhà 9 tầng (1 tầng hầm, 8 tầng nổi) ngõ 83 đường Ngọc Hồi đã bị lập biên bản về hành vi xây dựng không phép có hiện trạng được các cơ quan chức năng xác định là đã xây dựng trên diện tích 1.700 m2 và khi được hợp thức hóa chủ đầu tư đã tiếp tục xây dựng tòa nhà này lên 21 tầng. Vậy liệu có ai ở Sở Xây dựng Hà Nội dám đặt bút ký Giấy phép xây dựng cho một tòa nhà 9 tầng đã xây dựng trên diện tích 1.700 m2 nhưng lại được chấp thuận xây 21 tầng trên diện tích chỉ có… 1.449m2.(?!)
Với việc UBND TP. Hà Nội cho phép chuyển đổi tòa nhà 9 tầng không Giấy phép xây dựng thành tòa nhà 21 tầng, dư luận không khỏi bàng hoàng về “bàn cứu thua” có một không hai này. Phải nói với công văn 2434/QĐ-UBND, chủ đầu tư dự án ngõ 83 Ngọc Hồi đã thoát được nguy cơ đối mặt với cáo buộc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đỗ Văn: Nguồn: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-te/chu-tich-ha-noi-phu-phep-cho-chung-cu-khong-phep/20190515094527685