Châu Âu đang bộc lộ nhiều yếu kém trước dịch bệnh

Không phải Hàn Quốc, Trung Quốc hay Iran, tâm dịch hiện bùng phát nhanh nhất lúc này lại là Ý, một cường quốc tại Châu Âu trước đó không lâu dịch bệnh chỉ âm ỉ. Sự chủ quan khiến chúng ta không thể ngờ kết quả lại thảm thương đến thế này đây!

Nước Ý ở thời điểm hiện tại là là một trong những ổ dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ nhất. Đến thời điểm hiện tại, tổng số ca nhiễm của nước Ý đã là 10.149 trường hợp, 631 người tử vong, chính thức vượt qua Hàn Quốc để trở thành ổ dịch lớn nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc.

Và tại nơi tâm dịch, cuộc chiến với virus corona đã diễn ra theo cái cách thật đau lòng.

“Chúng tôi phải ưu tiên cho những người trẻ”

Trong một bản báo cáo vào cuối tuần trước, hiệp hội Siaarti (Hiệp hội An thần, giảm đau, hồi sức tim phổi và chăm sóc đặc biệt Ý) đã có đề cập đến những ưu tiên trong giai đoạn này. Tờ La Croix đã dẫn lời của Flavia Petrini – chủ tịch hiệp hội – như sau:

“Số bệnh nhân tăng lên theo hàng giờ, trong khi số giường bệnh chăm sóc đặc biệt thì có hạn (dưới 6000 trong các bệnh viện công), cộng thêm thực tế là nhiều y bác sĩ cũng bị nhiễm và phải cách ly. Bởi vậy, chúng tôi phải ưu tiên chữa trị cho người trẻ, và những ai có khả năng vượt qua căn bệnh này.”

Đây có thể nói là một hiện thực hết sức đau lòng đối với ngành y tế nước Ý. “Vài ngày qua, chúng tôi buộc phải chọn đặt ống thở giữa 2 bệnh nhân: một người 40 tuổi, và một đã ngoài 60, cả hai đều đang nguy kịch,” – một bác sĩ giấu tên tại bệnh viện Cremona chia sẻ.

“Chúng tôi bật khóc khi đưa ra sự lựa chọn tàn nhẫn này, nhưng không còn cách nào khác vì chẳng có đủ ống thở.”

Một bác sĩ khác tại Lombardy – khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh cũng đưa ra nhận định tương tự. “Các bác sĩ phải chọn chữa cho ai dựa trên độ tuổi và tình trạng sức khỏe, giống như đang có chiến tranh vậy.” – trích lời bác sĩ Christian Salaroli, một chuyên gia gây mê.

“Để bảo rằng bạn (người dân Ý) sẽ không chết vì virus thì thực sự là nói dối, và điều đó khiến cõi lòng tôi đắng ngắt.”

Salaroli cho biết, tình hình tại Ý đang rất khẩn cấp, nên anh và các đồng nghiệp buộc phải chấp nhận việc phải lựa chọn trong số các bệnh nhân nghiêm trọng nhất ai sẽ được tiếp cận máy trợ thở (bằng cách đặt nội khí quản). Những bệnh nhân mắc viêm phổi và khó thở sẽ chỉ được đặt ống thở không xâm lấn và sử dụng mặt nạ oxy hỗ trợ.

“Ban đầu thì như vậy, nhưng sau vài ngày dịch bệnh nổ ra thì chúng tôi bắt đầu phải lựa chọn. Thật không may, chúng ta không có đủ trang bị và giường hồi sức dành cho toàn bộ các bệnh nhân nguy cấp, nên không phải ai cũng có thể được đặt ống,” – Salaroli trình bày.

“Chúng tôi phải lựa chọn theo tuổi và tình trạng sức khỏe.”

“Một bệnh nhân trong khoảng 80 – 95 tuổi bị suy hô hấp nặng, nhiều khả năng chúng tôi khó lòng cố gắng thêm. Nếu họ bị suy đa tạng (từ 2 đến 3 cơ quan quan trọng không hoạt động), điều này có nghĩa tỉ lệ tử vong là 100%.”

“Chính sách đưa ra là chữa cho những ai có khả năng được chữa. Nhưng trong giai đoạn này, bệnh viện thường từ chối nhận người già.”

Salaroli đánh giá, số lượng người chết có lẽ chưa nói lên được hết những gì đang xảy ra. “Ý là một đất nước với dân số già, nên rủi ro là chúng tôi sẽ có rất nhiều nạn nhân. Hệ thống y tế chỉ có thể giải quyết khi chúng tôi buộc phải chọn chữa cho những ai có cơ hội thoát khỏi căn bệnh này.”

“Giường sẽ được bổ sung, nhưng… đặt ở đâu?”

Thực tế tại các bệnh viện Ý lúc này, bệnh nhân nhiễm virus corona đã nằm chật kín, đi kèm là câu hỏi về nguồn cung vật tư y tế cho các y bác sĩ.

Chính phủ đã đề cập đến câu chuyện này trong nghị định mới, theo đó bên cạnh việc sản xuất thêm hàng trăm thiết bị cho công tác chăm sóc đặc biệt, bổ sung nhân lực, thì các bệnh viện sẽ sớm được trang bị thêm 50% số giường. Tuy nhiên, đến đây lại nảy sinh vấn đề: đâu là nơi sẽ tiếp nhận số giường này?

“Một chiếc giường chăm sóc đặc biệt không phải đặt ở đâu cũng được. Sử dụng phòng phẫu thuật có thể là giải pháp tạm thời, nhưung nó sẽ làm chậm quá trình chữa trị cho các bệnh nhân khác,” – Petrini, giám đốc Siaarti chia sẻ.

Cuộc chiến chống virus corona ở Ý vì thế không chỉ là chạy đua với thời gian, mà còn phải giải quyết nhiều chướng ngại liên quan đến cơ sở vật chất không đủ để đáp ứng của quốc gia này.

Tham khảo: Brussel Times, La Croix, BFM TV