Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Cấm ghi âm, ghi hình buổi hòa giải để giữ bí mật
Dự thảo Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án quy định trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại, khiến các đại biểu băn khoăn tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội sáng 22-5.
Cụ thể, dự thảo luật quy định hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại, trừ khi có sự đồng ý của bên đã cung cấp thông tin.
Trong quá trình hòa giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản hòa giải, đối thoại. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại theo quy định tại điều 31 của luật này. Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại được ghi chép để phục vụ cho việc hòa giải, đối thoại và phải bảo mật nội dung đã ghi chép.
Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (tỉnh Bắc Kạn) chỉ ra trong dự thảo luật có những quy định có thể gây nên sự lúng túng. Đó là quy định trong quá trình hòa giải không được ghi biên bản hòa giải, đối thoại và việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại. Cùng lúc lại quy định nội dung biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại có bao gồm việc ghi nhận về diễn biến quá trình hòa giải, đối thoại.
Đại biểu Nguyễn Chí Tài (tỉnh Thừa Thiên Huế) cũng cho rằng nếu không quy định ghi biên bản hòa giải sẽ không có căn cứ để ghi diễn biến quá trình hòa giải, đối thoại theo quy định. Đại biểu Thừa Thiên Huế đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu điều chỉnh để đảm bảo thống nhất và chặt chẽ các nội dung trong dự thảo luật.
Giải đáp ý kiến các đại biểu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết bảo đảm bí mật của việc hòa giải là nguyên tắc bao trùm của chế định này.
“Đôi khi người ta thổ lộ tâm tình với hòa giải viên những điều thầm kín trong lòng, tại sao người ta ly hôn, tại vì ông này có cái này, bà này thế này, những việc như thế không thể mang ra để thành câu chuyện đàm tiếu.
Hay khi chia tài sản người ta cũng không muốn là gia đình người ta có bao nhiêu tiền, ra tòa thì tất cả phải được công khai, đất bao nhiêu, nhà bao nhiêu, tiền bao nhiêu, cổ phần cổ phiếu bao nhiêu, nhưng chế định này người ta không muốn cho nên khi người ta đã chia sẻ thông tin với hòa giải viên tất cả những thông tin về mặt đời tư thì bổn phận của hòa giải viên phải giữ bí mật cho người ta.
Bản thân ông thẩm phán cũng không được phép biết về nội dung của việc chia sẻ này”, ông Bình diễn giải.
Do đó, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho rằng trong luật quy định không được ghi biên bản, không được ghi âm, không được ghi hình để bảo đảm rằng tất cả những điều mà người ta đã chia sẻ với hòa giải viên được giữ kín.
Có thể hòa giải ngoài trụ sở tòa án
Theo dự thảo luật, việc hòa giải, đối thoại có thể được tiến hành tại trụ sở tòa án hoặc ngoài trụ sở tòa án. Về vấn đề này, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) đề nghị địa điểm bên ngoài trụ sở tòa án cũng phải đảm bảo an toàn, nghiêm túc, tránh những nơi dễ gây phản cảm, mất an toàn.
Tuổi trẻ