Chấn động gian lận chấm thi ở Sơn La: Dữ liệu bài thi gốc bị “mất tích”

Vấn đề nan giải hiện nay của việc gian lận chấm thi ở Sơn La là dữ liệu bài thi gốc đã bị ‘mất tích’ nên chưa thể trả điểm thực về cho các thí sinh.

Tổ công tác của Bộ GD-ĐT và đại diện chính quyền tỉnh Sơn La gặp gỡ báo chí ngày 23.7 để trao đổi về kết quả xác minh bất thường điểm thi /// ẢNH: HIÊN QUÂN
Tổ công tác của Bộ GD-ĐT và đại diện chính quyền tỉnh Sơn La gặp gỡ báo chí ngày 23.7 để trao đổi về kết quả xác minh bất thường điểm thi

Trưa qua (23.7), tổ công tác của Bộ GD-ĐT và đại diện chính quyền tỉnh Sơn La đã gặp gỡ báo chí để trao đổi một số thông tin về kết quả xác minh bất thường điểm thi THPT quốc gia 2018 ở tỉnh này.

Cuộc gặp gỡ không có mặt đại diện lãnh đạo Sở GD-ĐT Sơn La. Theo kết quả xác minh, kiểm tra, Hội đồng thi của Sở GD-ĐT Sơn La đã vi phạm nghiêm trọng quy chế thi, vào sai điểm và chấm sai tổng cộng 29 bài văn. Đặc biệt, đã có việc can thiệp kết quả nhiều bài thi trắc nghiệm.

Sửa phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT, cho biết các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La đã chủ trì phối hợp với tổ công tác của Bộ GD-ĐT để kiểm tra, xác minh, làm rõ các sai phạm. Bước đầu cho thấy có dấu hiệu vi phạm quy chế thi, nhất là ở khâu chấm thi. Đặc biệt là có dấu hiệu sửa bài thi môn trắc nghiệm (phiếu trả lời trắc nghiệm) của một số thí sinh (TS).

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cơ quan chuyên môn và điều tra đã phân tích và nhận thấy ảnh bài thi trắc nghiệm gốc đã bị xóa. Còn ảnh bài thi trắc nghiệm hiện được lưu tại Sở GD-ĐT Sơn La và ảnh trong đĩa dữ liệu mà Bộ GD-ĐT giữ (do Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La gửi trước khi chính thức cho máy chấm thi) hoàn toàn giống nhau.

Chấn động gian lận chấm thi ở Sơn La: Dữ liệu bài thi gốc bị ‘mất tích’ - ảnh 1
Phóng viên báo chí tham dự cuộc cung cấp thông tin ở Sở GD-ĐT Sơn La ẢNH: LÊ QUÂN

Một công đoạn bắt buộc các ban chấm thi phải thực hiện là chụp ảnh dữ liệu (phiếu trả lời trắc nghiệm của TS), sau đó mới cho máy chấm thi. Hình ảnh được quét này được sao ra đĩa CD để gửi về Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, trước khi tiến hành quét, phiếu trả lời trắc nghiệm của TS đã bị thay thế. Đây là lý do khiến việc chấm thẩm định bài thi trắc nghiệm của tỉnh Sơn La là vô nghĩa. Vì thế việc trả điểm thực về cho TS Sơn La hiện nay phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng Bộ Công an.

Ông Trinh cũng chia sẻ tại cuộc gặp với báo chí: “Tổ công tác đã phát hiện có việc sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi. Đĩa CD này hiện chưa biết là đã được đem đi đâu và ai cho phép đem đi”.

Phải tạm thời công nhận điểm bài thi trắc nghiệm

Ông Mai Văn Trinh cũng cho biết, tạm thời Bộ GD-ĐT vẫn phải công nhận kết quả thi các môn trắc nghiệm của TS dự thi tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La mà sở này đã công bố hôm 11.7. Kết quả này tạm thời vẫn được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH và các trường sư phạm năm 2018.

Nhưng ông Trinh cũng cho biết thêm: “Hiện nay cơ quan chức năng vẫn tiếp tục điều tra, thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để xác định dấu hiệu sai phạm sửa bài thi trắc nghiệm của một số TS. Khi có kết quả điều tra, Bộ GD-ĐT sẽ xử lý kết quả thi của các TS liên quan theo quy chế. Kết quả đó sẽ là kết quả thi chính thức của các TS trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018”.

Nhập và chấm sai ít nhất 29 bài thi văn

 

Tổ công tác của Bộ GD-ĐT đã đối chiếu điểm thi trên bài thi của tất cả TS với biểu kết quả chấm thi được in ra từ phần mềm hỗ trợ chấm. Kết quả sau khi đối chiếu, cơ bản điểm ghi trên bài thi môn văn với điểm trên máy tính giống nhau. Tuy nhiên, tổ công tác đã phát hiện 17 bài thi có sự khác nhau giữa điểm ghi trên bài thi và điểm đã nhập vào máy, mức chênh lệch từ 0,25 đến 2 điểm.

Ngày 20.7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT tiếp tục quyết định thành lập Hội đồng chấm thẩm định bài thi tại Sơn La. Hội đồng này đã tiến hành chấm thẩm định 110 bài thi môn văn nghi vấn có dấu hiệu điểm cao bất thường. Kết quả chấm thẩm định cho thấy 12 bài thi có điểm thấp hơn so với chấm lần đầu từ 1 điểm trở lên, trong đó có 1 bài có điểm chấm thẩm định thấp hơn 4,5 điểm so với chấm lần đầu.

Từ kết quả trên, tổ công tác yêu cầu Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La sử dụng kết quả chấm thẩm định của 110 bài thi môn văn để thay thế kết quả chấm các bài thi này do hội đồng này công bố hôm 11.7. Kết quả chấm thẩm định của 110 bài này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH và các trường sư phạm năm 2018.

Có ít nhất 5 cán bộ liên quan

Ông Mai Văn Trinh khẳng định: “Những sai phạm tại Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La đã vi phạm nghiêm trọng quy chế thi. Tính chất công việc ở Sơn La là không đơn chính, vì thế chúng ta chưa kết thúc được việc xác minh làm rõ. Hiện nay các cơ quan chức năng đang phải tiếp tục”.

Cũng theo ông Trinh, qua xác minh ban đầu cho thấy những người liên quan đến các sai phạm quy chế thi tại Sơn La gồm 5 người: Ông Trần Xuân Yến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT; bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT; bà Cầm Thị Bun Sọn, Phó trưởng phòng Chính trị tư tưởng; ông Đặng Hữu Thủy, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu; ông Lò Văn Huynh, Phó trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng Sở GD-ĐT. Những cán bộ này là các thành viên trong tổ chấm thi trắc nghiệm, trong đó ông Yến là Phó trưởng ban thường trực ban chấm thi, tổ trưởng tổ chấm thi trắc nghiệm của Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La.

Những bất thường điểm thi của Sơn La

Theo phân tích từ kết quả thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT công bố ngày 11.7, năm 2018, tỉnh Sơn La có 10.250 TS dự thi môn toán, trong đó có 30 TS đạt điểm từ 9 trở lên, chiếm 0,29%. Tỷ lệ này của Sơn La chỉ kém Hà Giang (điểm đã được sửa, công bố lần đầu) với mức hơn 1%, cao gấp gần 3 lần Hà Nội (0,1%), hơn 7 lần so với TP.HCM (0,04%) và hơn 4 lần so với Nam Định (0,07%) và cao hơn gần 5 lần so với tỷ lệ chung của cả nước là 0,06%.

Với môn vật lý, thống kê số điểm từ 9 trở lên của Sơn La cũng cao vượt trội so với các tỉnh, thành phố khác. Cụ thể, Sơn La có 1.339 TS dự thi môn này thì có 13 TS đạt điểm từ 9 trở lên, chiếm 0,97%, cao hơn 3 lần so với Hà Nội (0,29%), gấp 4 lần so với Nam Định (0,24%) và 12 lần so với TP.HCM (0,08%).

Xét theo các khối thi, với khối A1 (toán, vật lý, tiếng Anh), cả nước có 82 TS đạt mức điểm từ 27 trở lên thì Sơn La là tỉnh xếp thứ 3 với 8 TS. Ở khối D1 (toán, văn, tiếng Anh), Sơn La đứng đầu cả nước về số lượng TS đạt trên 27 điểm. Cả nước chỉ có 17 TS thuộc 9 tỉnh, thành đạt mức điểm này, riêng Sơn La có 7 TS (chiếm hơn 41%). Ở khối C3 (toán, ngữ văn, lịch sử), cả nước chỉ có 10 TS mức điểm từ 27 trở lên thì riêng Sơn La đã có 6, chiếm tới 60%. Khối D9 (toán, lịch sử, tiếng Anh), cả nước có 10 TS mức điểm từ 27 trở lên thì Sơn La có 4 TS, chiếm 40%.

(Theo Thanh Nien)