Cầm 7 triệu USD đi tìm kho báu: Lãnh án chung thân
Bị cáo Lượng cho rằng năm 2011 đã bỏ 7 triệu USD tham gia dự án tìm kiếm kho báu ở núi Tàu thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận…
Trong các ngày 7 và 11-5, TAND tỉnh Bình Phước đã mở phiên xét xử sơ thẩm lần 2 đối với bị cáo Hoàng Văn Lượng (SN 1959, ngụ TP. Thanh Hóa), bị VKSND Tối cao truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, sau khi Lượng nhận chuyển nhượng cổ phần Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển 67 của một số cá nhân, đến cuối tháng 8-2009, Công ty này đổi tên thành Công ty Rạng Đông. Lúc này, Lượng làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Rạng Đông.
Tháng 5-2010, Hoàng Văn Lượng sử dụng các văn bản của UBND tỉnh Bình Phước, UBND TPHCM, Bộ Tư lệnh Công binh, Nhà máy Z756, Hợp đồng Rạng Đông, Công ty Rạng Đông để chứng minh với ông Lee Park Linh và ông Lam Yin Choi là người của Công ty Rạnh Đông được cấp 3.500 m2 đất tại Nhà máy Z756 – Bộ Tư lệnh công binh (nay là Công ty TNH MTC 756) để đầu tư xây dựng 2 block chung cư 30 tầng.
Thực tế Công ty Rạng Đông chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép đầu tư xây dựng dự án nhưng Lượng vẫn chỉ đạo ông Trần Ngọc ký kết hợp đồng góp vốn với 2 ông Lee Park Linh và Lam Yin Choi.
Sau đó, Lượng nhận gần 7 triệu đô la Mỹ (tương đương với hơn 145 tỷ đồng). Nhưng Lượng không thực hiện bất cứ thủ tục nào để xin cấp đất đầu tư xây dựng như đã cam kết mà sử dụng hết số tiền nhưng không giải trình được…
Tại phiên tòa sơ thẩm lần một (tháng 8-2017), TAND tỉnh Bình Phước đã trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung vì nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Trong đó đề nghị cơ quan điều tra làm rõ số tiền mà bị cáo Lượng cho rằng năm 2011 đã tham gia vào “Dự án thăm dò tài sản nghi bị chôn giấu tại núi Tàu” thuộc xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận.
Tại phiên sơ thẩm lần 2 (ngày 7-5) bị cáo Lượng và Luật sư bào chữa vẫn giữ quan điểm cho rằng đây chỉ là tranh chấp dân sự, cơ quan điều tra hình sự hóa vụ việc và số tiền bị cáo Lượng chi vào việc xin dự án và do kế toán công ty đã chết năm 2013 nên bị cáo không thể chứng minh. Đồng thời khẳng định, dự án tại Nhà máy Z756 là có thật và đã được giao 1.500 m2 nhưng không nhận do chưa đủ điện tích 3.500 m2. Bị cáo Lượng và các bị hại cũng đã ký hợp đồng thỏa thuận và không có ý chiếm đoạt mà chỉ là hợp tác đầu tư.
Từ đó, LS bào chữa cho bị cáo đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội và trả tự do tại tòa. Đặc biệt, trước đó vào tháng 7-2014, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có quyết định không khởi tố vụ án này với lý do sau khi xác minh thấy không có sự việc phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, ngày 23-52014, VKSND Tối cao cũng đã có công văn khẳng định không đủ căn cứ xác định ông Lượng và ông Trần Ngọc (người ủy quyền kêu gọi hợp tác) có hành vi lừa đảo 2 người nước ngoài trên và cho rằng thẩm quyền giải quyết vụ việc thuộc Tòa dân sự TAND TP.HCM.
Còn phía luật sư của bị hại cho rằng, đã đủ yếu tố để cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Bộ luật hình sự của Việt Nam, do vậy đề nghị HĐXX cần đưa ra bản án nghiêm khắc đối với bị cáo, đồng thời có biện pháp thu hồi toàn bộ số tiền do bị cáo lừa đảo, chiếm đoạt để hoàn trả cho phía bị hại.
Tại tòa, thừa ủy quyền của VKSND Tối cao, đại diện VKSDN tỉnh Bình Phước giữ nguyên quan điểm và cho rằng việc truy tố bị cáo Lượng là đúng người đúng tội nên đề nghị tuyên phạt bị cáo Lượng mức án chung thân.
Sau khi xem xét các tình tiết vụ án, sáng nay 11-5, HĐXX nhận định: Sau nhiều lần trả hồ sơ, cơ quan điều tra vẫn chưa làm rõ một số nội dung theo yêu cầu của tòa. Tuy nhiên, HĐXX cho rằng bị cáo Lượng đã lợi dụng các văn bản của cơ quan chức năng như UBND tỉnh Bình Phước, UBND TP.HCM, Bộ Tư lệnh công binh… là thủ đoạn gian dối hòng chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Bởi, các văn bản của cơ quan chức năng nêu trên không phải là quyết định giao đất. Do đó, hành vi của bị cáo Lượng đã đủ cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và nguy hiểm cho xã hội…
Do đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lượng mức án tù chung thân.
(Theo Pháp luật TP.HCM)