Bộ trưởng Kim Tiến: ‘Trường đại học gần 100 tuổi mà bé thế này là không được’
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại lễ khai giảng Khoa y Trường ĐH Y dược TP.HCM chiều 16-9.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng một nhiệm vụ quan trọng mà Trường ĐH Y dược TP.HCM vẫn đang nợ cách đây 15 năm là thành lập Đại học (ĐH) Sức khỏe đầu tiên của cả nước, trong đó có các trường y, trường nha, trường dược, trường điều dưỡng…
Nhanh chóng thành lập Đại học Sức khỏe
Bộ trưởng Bộ Y tế nhắc nhở việc nhà trường dùng tên ĐH Y dược TP.HCM là không đúng.
“Hiện nay nhà trường chỉ có các khoa thì chỉ được gọi là Trường ĐH Y dược TP.HCM, chưa thể gọi là ‘Đại học’ được. Việc này Bộ GD-ĐT cũng đã góp ý rồi. Nhà trường phải đổi tên thành ĐH Sức khỏe TP.HCM, trong đó có trường y khoa và các trường khác”, bà Tiến yêu cầu.
Theo bà Tiến, hiện nay trong số 14 trường trực thuộc Bộ Y tế, Trường ĐH Y dược TP.HCM là trường lớn nhất, có thể phát triển thành ĐH Sức khỏe sớm nhất.
Bà nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không đổi mới sớm sẽ tụt hậu so với Lào và Campuchia. Tôi đề nghị nhà trường nhanh chóng làm đề án thành lập ĐH Sức khỏe TP.HCM. Theo tôi, nhà trường chỉ việc đổi tên và lắp người vào thôi chứ vị trí đều quá chuẩn. Khoa y này xứng đáng là một trường đại học y khoa lớn nhất cả nước”.
Bà Tiến yêu cầu nhà trường trước hết phải xây dựng nguồn nhân lực, tài chính trường thực hiện tự chủ, trường sẽ xây cơ sở 2 ở Nhơn Trạch (Đồng Nai) với diện tích 130ha tập trung các viện nghiên cứu và bệnh viện.
“Trường ĐH gần 100 năm tuổi mà bé thế này là không được. Ban giám hiệu nhà trường và Bộ Y tế rất quyết tâm thực hiện và đã có vốn ODA. Trường phải đổi mới phương thức quản lý. Trường cần xây dựng hội đồng trường theo Luật giáo dục đại học, thực hiện việc tự chủ”, bà Tiến nói.
Sức hút của nhà trường thua bệnh viện
Trao đổi với các tân sinh viên y khoa, Bộ trưởng Bộ Y tế nhắn nhủ đã theo nghề này phải cần cù, thông minh đến mấy cũng phải cần cù. Bên cạnh đó cần phải có cái tâm. Đối với nghề khác, đòi hỏi tình cảm chỉ ở mức độ nào đó, chữa một cái máy hỏng có thể không sao, với nghề này mà hỏng là liên quan đến sinh mệnh con người.
Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng đã xác định nghề y là nghề đặc biệt, tuyển chọn đặc biệt, đào tạo đặc biệt, sử dụng đặc biệt và đãi ngộ đặc biệt.
Cũng theo bà Tiến, hiện nay thi vào trường y vẫn đông nhất, khó nhất vì đó là nghề cao quý nhất trong xã hội. Tuy nhiên bà trăn trở: “Trong cơ chế thị trường hiện nay, đặc biệt ở miền Nam, sinh viên y khoa ra trường không thích ở lại trường, sức hút của nhà trường không bằng các bệnh viện”.
Bộ trưởng Bộ Y tế còn cho biết những năm trước đây bà thường hay tặng mỗi sinh viên y khoa xuất sắc trong tuyển sinh đầu vào một cái ống nghe, nhưng bà cho rằng việc này là góp phần làm lệch hướng cho các bạn trẻ.
Trước sinh mệnh 95 triệu người dân, có người chưa bị ốm và người đang bị ốm nằm trong bệnh viện. Trong tam giác cấu trúc sức khỏe con người, có đến 95% đang trong trạng thái khỏe, chỉ chóp đỉnh trên tam giác là người có bệnh.
Bộ Y tế đang làm chương trình gắn với y tế cơ sở, mô hình y học gia đình, gắn với y tế công cộng, nâng cao sức khỏe, chăm sóc sức khỏe ban đầu, y học dự phòng, phát hiện sớm bệnh… và có chủ trương hạ điểm một chút trong tuyển sinh nội trú các ngành y học cơ sở.
Tốt nghiệp bác sĩ không hành nghề ngay được
Bộ trưởng yêu cầu nhà trường phổ biến lộ trình đào tạo bác sĩ đa khoa và các chuyên ngành khác. Nếu nghị định có hiệu lực sẽ đào tạo theo mô hình giống phương Tây, giống Úc, Pháp…
Sinh viên y khoa sau 6 năm ra trường không hành nghề ngay được mà phải trải qua vài năm học thực hành và sau đó phải thi để lấy giấy phép hành nghề thi quốc gia. Sẽ có hội đồng y khoa quốc gia sắp thành lập.
Tuổi Trẻ