Bị cả ASEAN dội gáo nước lạnh, Việt Nam quyết không chùn bước trước Trung Quốc

Quan hệ Việt-Trung, ưu và nhược điểm của sự tăng trưởng kinh tế, ngành du lịch và thể thao – đây là những chủ đề chính về Việt Nam trên các phương tiện truyền thông nước ngoài trong tuần qua.

Bác bỏ câu tục ngữ: “Một cây làm chẳng nên non”

Việt Nam “cô độc” trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, tờ Asia Times viết như vậy trong một bài viết dài về cuộc đấu tranh của Hà Nội chống lại các hành động của Bắc Kinh ở Biển Đông. Hầu hết các nước Đông Nam Á, bao gồm Philippines, Malaysia, và Thái Lan – Chủ tịch ASEAN trong năm nay, đã nỗ lực hòa giải với hy vọng giành được chiến thắng. Chỉ có Việt Nam chỉ trích công khai các hành động của Trung Quốc nhằm quân sự hóa các đảo tranh chấp.

Đồng thời, Việt Nam đang tích cực mở rộng quan hệ thương mại với các cường quốc phương Tây, bao gồm thỏa thuận gần đây nhất với EU, tờ báo viết. Hà Nội tranh thủ sự ủng hộ của các cơ quan khu vực và quốc tế trong việc lên án các hành động của Bắc Kinh đang đe dọa tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Việt Nam tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với nhiều cường quốc trong khu vực, bao gồm Hoa Kỳ, Nga, Ấn Độ và Nhật Bản, giúp củng cố an ninh và an toàn trên biển. Tác giả bài báo nhắc đến các tàu ngầm và máy bay Nga cũng đóng một vai trò lớn trong hoạt động này, và đề cập đến việc Hà Nội mời các công ty năng lượng Nga làm việc trên thềm lục địa Việt Nam với hy vọng Trung Quốc sẽ không gây áp lực với Nga trong vấn đề này.

Sự sáng suốt chiến lược và sự kiên trì đã biến Việt Nam thành quốc gia duy nhất trong khu vực đang chống lại áp lực từ Trung Quốc, tờ Asia Times kết luận.

Chiến thắng trong cuộc chiến thương mại có cả những nhược điểm

Việt Nam chống lại áp lực từ Trung Quốc không chỉ về mặt chính trị mà cả về mặt kinh tế. South China Morning Post bình luyện về quyết định của chính quyền Việt Nam từ chối đầu tư nước ngoài trong dự án xây dựng tuyến đường cao tốc chạy từ Bắc vào Nam. Theo tác giả bài báo, lý do là bởi vì trong số 60 bộ hồ sơ thầu tham gia sơ tuyển, các nhà đầu tư ngoại, chủ yếu là Trung Quốc, chiếm hơn một nửa. Nhà thầu Trung Quốc là danh xưng mang tiếng xấu ở Việt Nam.

Ngoài ra, chính quyền lo ngại rằng, sự tham gia của Trung Quốc vào dự án xây dựng đường cao tốc sẽ gây ra làn sóng phản đối của người dân. Hơn nữa, trong khi Trung Quốc đang tìm cách mở rộng các cơ hội kinh tế và địa chiến lược thông qua dòng đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở nước ngoài, Việt Nam lo ngại về hậu quả nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia. Mặc dù các nhà đầu tư Việt Nam không có đủ khả năng hỗ trợ dự án này, ban lãnh đạo Việt Nam sẵn sàng trì hoãn dự án này vì lý do an ninh, tác giả bài báo kết luận.

Nguồn: Sputnik News