Bán 3 căn nhà để đi học nuôi cá
Ông tự mày mò học hỏi và liều lĩnh bán 3 căn nhà để theo đuổi giấc mơ nuôi cá chình sạch tại xứ dừa Bến Tre. Nhưng rồi thất bại, ông bỏ xứ ra đi trắng tay khi 50 cây vàng từ việc bán nhà đã “trôi” theo cá chình…
Nỗi đau thất bại càng nung nấu ý chí quyết theo đuổi giấc mơ cá chình của kỹ sư Phan Văn Hùng. Rồi ông đứng lên từ thất bại ấy, để bây giờ trở thành “Vua cá chình” ở miền Đông Nam Bộ.
Bán đứt 3 căn nhà để học nuôi cá chình
Được Hội Nông dân xã Suối Rao (huyện Châu Đức, Bà Rịa Vũng Tàu) hướng dẫn, chúng tôi đến tham quan mô hình nuôi cá chình của HTX Suối Giàu. Tại đây, chúng tôi được ông Phan Văn Hùng (SN 1955) Chi hội phó Chi hội cá chình Việt Nam, Chủ tịch HĐQT HTX nuôi cá Suối Giàu tiếp chuyện.
Ông Hùng kể: Quê ở Bến Tre, sau khi tốt nghiệp kỹ sư ngành thủy sản năm 1977 tại TP.HCM, biết cá chình là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, ông nghiên cứu cách ương giống và thực hiện nuôi cá chình tại huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) từ những năm 1990. Để có vốn đầu tư, ông bàn với gia đình bán 3 căn nhà trị giá hơn 50 cây vàng.
Bao hy vọng ông dồn cả vào cá chình, trong khi hàng xóm và những nông dân quanh vùng Mỏ Cày cũng nhìn vào đấy với ánh mắt nghi ngờ. “Vận rủi đến thật, toàn bộ cá chình giống lần ấy bị bệnh “bạch tử” chết hết, 50 cây vàng đội nón ra đi trong sự thất vọng cùng cực của chính tôi và gia đình”ông Hùng nhớ lại.
Trắng tay, buồn lòng nên năm 2008, ông tìm đến xã Long Sơn (TP.Vũng Tàu) nhận một chân làm kỹ sư nuôi cá chẽm, cá mú giống cho một doanh nghiệp nước ngoài và lập gia đình ở đây. “Những năm làm thuê tôi vẫn đau với nỗi đau cá chình, vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó trở lại với nghiệp cá chình”ông Hùng tâm sự.
Gom góp sau 4 năm làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài được vài trăm triệu, năm 2012 ông Hùng quyết định bỏ Long Sơn tìm về xã Suối Rao tiếp tục kế hoạch nuôi cá chình mà mình ấp ủ.
Ông Hùng kể, khi đó tại xã Suối Rao có bà chị ruột nuôi sẵn một ao cá chình nên ông hùn vốn mở rộng thêm vài ao để ương giống. Với nguồn nước sạch cung cấp quanh năm từ hồ Sông Ray, hồ Suối Giàu và hệ thống kênh mương phủ kín… nên hợp với việc nuôi cá chình. “Vậy mà thành công không ngờ, mùa thu hoạch đầu tiên cả cá giống và cá thịt thương phẩm bán thu về hơn tỷ đồng. Tôi tiếp tục bỏ vốn mở rộng thêm ao để vừa ương giống vừa phát triển mạnh cá thịt thương phẩm”ông Hùng vui vẻ kể lại.
Tin vui về việc có người nuôi thành công cá chình tại xã Suối Rao khiến nhiều nông dân tìm đế tham quan học hỏi mô hình cá chình của ông Hùng. “Khi đó, muốn mở rộng mô hình để nuôi nhưng kẹt vốn, nên tôi kêu gọi những nông dân đang có tiền mà chưa đầu tư trong địa phương cùng nhau lập hợp tác xã (HTX ) nuôi cá chình. Nhiều người thấy tôi thành công nên đã đồng ý hùn vốn cùng nuôi”ông Hùng chia sẻ.
Đầu tháng 6.2017, HTX Suối Giàu được thành lập với 8 thành viên, vốn điều lệ ban đầu 9 tỷ đồng, mở rộng mô hình nuôi cá chình. Liên tiếp những mùa bội thu, vốn đầu tư tăng dần thêm hàng chục tỷ đồng. HTX Suối Giàu đã mạnh dạn đầu tư hơn 45 tỷ đồng làm đường, điện lưới và xây 20 hồ trên diện tích 16ha để nuôi cá chình giống và cá chình thương phẩm. Đến nay, “gia tài” của HTX đã lên tới hàng trăm tỷ đồng.
“Xung quanh các hồ nuôi cá, chúng tôi còn trồng khoảng 400 cây dừa, vừa có trái dùng, vừa tạo bóng mát, đồng thời rễ dừa hút đạm làm sạch nước trong ao nuôi”ông Hùng cho biết.
Từ đầu năm 2018 đến nay, HTX Suối Giàu cung cấp ra thị trường các tỉnh phía Bắc (Sơn La, Hà Giang, Cao Bằng…), các tỉnh khu vực Tây Nguyên và các tỉnh miền Tây hơn 500.000 con cá chình giống (giá 4,5 triệu đồng/kg/100 con), sau khi trừ hao hụt con giống (10%), thức ăn, công thuê mướn, điện… ước lãi khoảng 40%, tương đương 6 tỷ đồng.
Giúp đỡ nông dân trong tỉnh nuôi cá
Từ mô hình của HTX Suối Rao, nhiều nông dân ở BRVT đã tìm đến học hỏi và bắt đầu nuôi cá chình. Ông Ngô Anh Hoàng (thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ) cho biết, được ông Hùng tận tình hướng dẫn kỹ thuật xây ao hồ, nên ông quyết định đầu tư gần 100 triệu đồng nuôi cá chình, trong đó, 35 triệu đồng mua 300 con giống (loại 10 con/kg), dự tính cuối năm nay sẽ mở rộng diện tích ao từ 2.000m2 lên 4.000m2 để tăng số lượng con giống lên 600.
“Nếu thả nuôi 200.000 con giống, sau 2 năm nuôi, cá chình sẽ đạt khoảng 2 kg/con, giá bán khoảng 400.000 đồng/kg, người nuôi thu lợi ít nhất trên 200 ngàn đồng/con”ông Phan Văn Hùng chia sẻ.
Đối với người dân tham gia nuôi các chình, sẽ được HTX hỗ trợ giảm giá 10 20% so với giá thị trường, hỗ trợ tư vấn kỹ thuật xây dựng ao nuôi, kỹ thuật chăm sóc, hướng dẫn cách chế biến thức ăn cũng như quản lý môi trường nuôi và có hợp đồng bao tiêu toàn bộ cá thương phẩm.
Ngoài ra, HTX Suối Giàu còn chủ động liên kết với các doanh nghiệp trên TP.HCM mở cửa hàng bán lẻ cá chình phi lê, với hình thức chế biến sẵn, kèm các loại gia vị, rau cho từng món ăn như lẩu, nướng, mẻ… Đây là thị trường tiềm năng, với mức tiêu thụ khoảng 2 tấn/tháng. Dự kiến tháng 7.2018 sẽ triển khai thực hiện mô hình bán lẻ cá chình phi lê tại TP.HCM.